By TT.MTGXL
Trước những đau khổ và sự dữ tràn lan trên thế giới, nhiều người đặt vấn đề: Có Thiên Chúa không ? Và nếu có một Thiên Chúa công chính, tại sao lại có sự dữ ?
Có nhiều cách giải đáp khác nhau.
Có giải đáp của chủ thuyết vô thần : phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Có giải đáp như của ông Gióp trong Cựu ước : tin vào Thiên Chúa và nghĩ rằng Ngài định đoạt mọi sự nhằm mưu ích cho con người. Có điều Ngài làm theo một chương trình mà con người không hiểu nổi. Có giải đáp như của một số nhà thần bí Đông phương, cho rằng gốc rễ của đau khổ là lòng dục. Chỉ cần diệt dục là hết khổ.
Còn giải đáp của kitô giáo thì sao ? Kitô giáo cho thấy sự cứu độ giải thoát là do một Thiên Chúa chịu đóng đinh thập giá. Vậy Thập giá có ý nghĩa gì đối với những đau khổ của thế giới ? Tại sao Thập giá lại là một Tin mừng cho con người ? Hãy nhìn lại Đức Giêsu và xem cái chết của Ngài mặc khải những gì cho ta về vấn đề này.
- Tin Mừng về sự đau khổ
Tất cả cuộc đời của Đức Giêsu đều quy hướng về Thập giá. Sách Gương Chúa Giêsu viết: “Cuộc đời của Đức Kitô là Thập giá và tử đạo” (II, ch.12). Không thể hiểu cuộc đời của Chúa mà không có Thập giá, cũng như không thể hiểu Thập giá nếu không đi vào con đường dẫn tới Thập giá.
Các tín hữu sơ khai đã nhìn thấy Chúa qua hình ảnh người Tôi tớ đau khổ, hình ảnh con chiên bị đem đi làm thịt (Cv 8,32). Đức Giêsu Nadaret chính là một người Tôi tớ, một Đấng vô tội, chịu đau khổ chỉ vì tình yêu.
Trong cuộc đời trần gian, không những Chúa có kinh nghiệm về sự giới hạn của thân xác, như đói khát, mệt nhọc, mà còn có kinh nghiệm về sự giới hạn trong tâm hồn. Những thử thách, và nhất là cái chết, làm cho Ngài phải buồn sầu, xao xuyến. Đặc biệt cái chết, cho dù Ngài đã vui lòng chấp nhận nó, vì vâng phục và yêu thương. Cho nên, ở vườn Cây dầu, khi nghĩ đến những đau khổ và giờ phút bi thảm cuối cùng đã gần kề, Chúa nói với các môn đệ là tâm hồn Ngài buồn đến chết được. Ngài cũng xin Chúa Cha cất chén đắng, tuy vẫn hoàn toàn vâng theo ý Cha (Mc 14,34.36).
Do cảm nghiệm được sự đau khổ và cái chết của chính mình, cũng như những khó khăn của một cuộc sống cho tình yêu và vì tình yêu, Chúa đã hiểu thế nào là nỗi đau khổ của con người. Thái độ của Chúa chạnh lòng thương đám đông lầm than vất vưởng (Mt 9,36), xúc động trước những người đau khổ (Mc 1,14; Mt 20,34; Lc 7,13 …) cho thấy Ngài nhạy cảm trước nỗi khổ của người khác, một sự nhạy cảm chỉ có nơi những người đã từng có kinh nghiệm về sự đau khổ. Không chỉ có thế. Chúa còn mời gọi những con người ấy chạy đến tìm sự an nghỉ nơi Ngài (Mt 11,28-30).
Ngoài ra, Chúa còn có kinh nghiệm sâu sắc về những đau khổ do người khác gây ra cho Ngài. Họ hàng thì nghĩ là Ngài mất trí (Mc 3,21). Kinh sư ở Giêrusalem nói Ngài bị quỷ ám (Mc 3,22). Các thượng tế và biệt phái cho Ngài là tên bịp bợm (Mt 27,63). Thái độ thù nghịch của nhiều người quả là ách nặng nề cho Chúa. Tuy nhiên, điều làm cho Chúa buồn khổ không phải là những gì họ tố cáo, mà là sự cứng lòng của họ.
Đọc trong Tin Mừng, chúng ta thường xuyên thấy các kẻ thù tố cáo Chúa về nhiều vấn đề khác nhau: hạch sách Chúa và các môn đệ vì sao không ăn chay (Mc 2,18), không biết giữ luật ngày sabbat (Mc 2,24); gián tiếp khuyến cáo dân chúng đừng tin tưởng vào Ngài, vì cho rằng Ngài dựa vào thế quỷ vương mà trừ quỷ (Mc 3,22), trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tin vào Ngài (Ga 9,22), tìm cách gài bẫy Ngài trong những vấn đề tế nhị hoặc gây tranh cãi (Mc 10,2; 12,13-23). Nhiều lần họ còn toan bắt và định giết Ngài. Một thái độ thù nghịch như thế nơi những người có chức có quyền cũng là điều dễ hiểu: Họ thì bị Chúa cáo giác nhiều điều, còn Chúa thì đang thành công nơi dân chúng.
Thế nhưng Chúa là một con người tự do. Ngài không chùn bước, vì phải trung thành thực hiện ý Chúa Cha. Có điều Chúa cũng dè dặt, biết tìm cách thoát thân, tránh đụng chạm (Mc 7,24). Sở dĩ thế vì Ngài còn có một ưu tư khác, một sự lựa chọn đánh dấu một bước ngoặt trong hoạt động của Ngài. Bước ngoặt đó là hành trình lên Giêrusalem.
Giêrusalem, nơi kết thúc cuộc đời các ngôn sứ (Lc 13,33), cũng là nơi đang chờ đợi Ngài. Thực sự, ngay lúc còn ở Galilê, trong khi đám đông hồ hởi theo Chúa, Chúa đã bắt gặp thái độ thù nghịch nơi một số người. Do thái độ này, Chúa hiểu rằng mình sẽ phải uống cạn chén đắng dành cho số phận của một người công chính. Dù đau buồn, Chúa vẫn sẵn sàng tự hiến cho Chúa Cha, xác tín tình yêu rồi ra sẽ thắng. Thái độ hoàn toàn vâng phục của Chúa sẽ đưa Ngài đến chỗ chết.
Bắt đầu lên Giêrusalem là bắt đầu đi vào con đường khổ nạn. Tin Mừng nói : Chúa nhất quyết lên đó (Lc 9,51; dịch sát là trơ mặt ra để đi lên Giêrusalem : một cách giới thiệu trịnh trọng cho thấy ý nghĩa đặc biệt của hành trình lên Giêrusalem hoàn tất cuộc Vượt qua), dẫn các môn đệ lên đó (Mc 10,32). Tại thành thánh, Chúa sẽ đương đầu với giới lãnh đạo bảo thủ, với Công nghị do thái. Ngài sẽ bị xử tử một cách bất công. Nhưng cuộc tử nạn này lại có ý nghĩa phong phú, vì đem lại sự sống cho con người.
Do đâu mà Chúa bị kết án ? Theo phán xét của Công nghị, đó là vì Ngài nói phạm đến Thiên Chúa (Mc 14,53tt) nên đáng tội chết (Đnl 17,12). Tuy vậy, Chúa lại không bị ném đá, là hình phạt dành cho tội phạm này. Ngài được trao cho người Rôma xét xử, bị đóng đinh thập giá, là bản án dành cho những phần tử nổi loạn.
Đức tin kitô giáo cho hay : Đức Giêsu, Đấng vô tội, chịu chết ngày Thứ Sáu thánh, chính là Thiên Chúa chết cho chúng ta.
- Thập giá, lịch sử ba ngôi của Thiên Chúa
Qua trình thuật của Tin Mừng, người ta nhận ra sự hiện diện của cả Ba ngôi Thiên Chúa trong cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu, và nhận ra đặc biệt ở hạn từ “trao nộp” (paradidomai), được tác giả Tin Mừng lặp lại nhiều lần.
Có trao nộp hiểu theo nghĩa bình thường : Giuđa nộp Chúa cho các thượng tế (Mc 14,10); Công nghị do thái nộp Chúa cho Philatô (Mc 15,1); ông tổng trấn này, dù biết Chúa vô tội, nhưng vì sức ép của dân chúng được các kẻ thù của Chúa khích động, đã trao Chúa cho họ đóng đinh vào thập giá (Mc 15,15).
Chúa bị các người của mình bỏ rơi, bị các nhà lãnh đạo tôn giáo ghép vào tội báng bổ Thiên Chúa, bị chính quyền xâm lược liệt vào loại loạn tặc, để rồi phải chết. Nếu chỉ có vậy, cái chết của Chúa bất quá chỉ là cái chết của một người vô tội, vì sự bất công của thế gian.
Nhưng cộng đồng kitô giáo sơ khai biết rằng đối với Đức Giêsu thì không phải như thế. Không chỉ có sự trao nộp bình thường, mà còn có sự trao nộp cách mầu nhiệm, sự trao nộp được thực hiện giữa Ba Ngôi.
Trước hết là sự trao nộp do chính Chúa Con thực hiện. Phaolô nói rõ: “Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). “Anh em hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2). Chúa Con trao nộp mình cho Thiên Chúa, Cha của Ngài, vì yêu ta và thay cho ta. Qua hành vi trao nộp này, Ngài mang lấy gánh nặng đau khổ và tội lỗi của thế gian.
Phaolô còn cho biết khía cạnh độc đáo của hành vi này như sau: “Đức Kitô đã chuộc chúng ta khỏi bị nguyền rủa vì lề luật, khi vì chúng ta Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép : Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ. Như thế là để nhờ Đức Giêsu Kitô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Abraham, và để nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa là Thần Khí” (Gl 3,13-14).
Dấu chỉ cho thấy sự đau đớn tột cùng, phải xa lìa Thiên Chúa, mà Chúa Con đã vui lòng chấp nhận, để chia sẻ sự đau khổ của nhân loại, và để giao hoà họ với Chúa Cha, phải chăng là lời Chúa thốt ra lúc hấp hối: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mc 15,24).
Thứ đến là sự trao nộp của Chúa Cha. Khi loan báo cuộc khổ nạn của mình, Đức Giêsu nói: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời” (Mc 9,31). Bị nộp : không phải là bị con người nộp, vì Ngài sẽ bị nộp vào tay họ; cũng không phải chính Ngài tự nộp mình, vì động từ dùng ở thể thụ động; nhưng chính là Chúa Cha trao nộp Ngài. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta” (Rm 8,32).
Chúa Cha trao nộp Con mình : một hành vi cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người như thế nào. “Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,10).
Chúa Cha đã ghi dấu lịch sử vào giờ Chúa Con chết trên Thập giá. Khi hiến tế Con mình, Người xét xử tội lỗi nặng nề của thế gian, đồng thời bày tỏ tình yêu cao cả của Người đối với ta. Hiến lễ Thập giá cho thấy nguồn mạch của một hồng ân từ nơi Chúa Cha đau khổ. Hồng ân này là tình yêu. Thập giá mặc khải một “Thiên Chúa (Cha) là tình yêu” (1Ga 4,8.16). Sự đau khổ là danh xưng khác của tình yêu này. Nó như một lễ hy sinh của Chúa Cha, đáp ứng với sự đau khổ của Chúa Con. Hình ảnh biểu thị lễ hy sinh của Chúa Cha chính là lễ hy sinh của Abraham sát tế người con một là Isaac. Tuy nhiên, đối với tình yêu của Chúa Cha, cũng như của Chúa Con, đau khổ không phải là cam chịu nó, nhưng là lựa chọn nó. “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Như vậy, Thiên Chúa của người kitô hữu không thờ ơ với nỗi khổ của con người. Người đảm nhận và sống nó, như một lễ hy sinh đem lại sự sống cho thế gian.
Kể từ thứ Sáu thánh, chúng ta biết rằng lịch sử các nỗi khổ của con người cũng là lịch sử của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện trong các đau khổ ấy. Người đau khổ cùng với con người, để giúp họ khám phá ra giá trị to lớn của các đau khổ được dâng hiến trong tình yêu. Người làm cho đau khổ có một ý nghĩa, vì đã biến nó thành của mình.
Thập giá còn là lịch sử của Chúa Thánh Thần. Việc trao nộp là lễ hy sinh của Chúa Thánh Thần. Gioan viết: “Đức Giêsu gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30). Theo thư Do thái, thì “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Dt 9,14).
Trên Thập giá, Chúa Con trao lại cho Chúa Cha Thần Khí mà Ngài đã nhận từ Chúa Cha, nhưng Ngài sẽ được ban lại cách viên mãn vào ngày Phục sinh.
Ngày thứ Sáu là ngày Chúa Con bị lìa bỏ, xa cách Thiên Chúa, để đến với các người tội lỗi và cứu họ. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).
Chúa Cha lìa bỏ Chúa Con, nhưng cả hai vẫn hiệp thông với nhau trong tình yêu, trong sự vâng phục của Chúa Con đối với Chúa Cha. Do đó, cái chết của Chúa Con không phải là cái chết của Thiên Chúa.
Sự xa cách giữa Chúa Cha và Chúa Con xảy ra khi Chúa Con trao lại Thần Khí cho Chúa Cha. Chính hành vi trao lại này cho thấy, trong biến cố Thập giá, có sự tham dự của cả Ba Ngôi. Chúa Thánh Thần để mình bị trao : đó là lễ hy sinh của Người.
Chúa Thánh Thần được trao lại cho Chúa Cha là để cho Chúa Con có thể liên đới với tội nhân, mà vẫn hiệp thông với Chúa Cha. Người làm cho Chúa Con gần gũi ta, để những ai xa lìa Thiên Chúa được cùng với Chúa Con trở lại với Người.
Như vậy, Thập giá là lịch sử của cả Ba Ngôi, là công trình của cả Ba Ngôi. Ba Ngôi coi sự lưu đầy của thế giới tội lỗi là của mình, để rồi ngày Phục sinh, đưa nó về lại quê nhà là chính mình.
Thế cho nên Thập giá không công bố một cái chết của Thiên Chúa – nói thế là báng bổ Thiên Chúa – nhưng là Tin Mừng về một cái chết trong Thiên Chúa, nhờ đó con người được sống bằng sự sống của Thiên Chúa, được dự phần vào sự hiệp thông Ba ngôi. Trên Thập giá, “quê nhà” đi vào chốn lưu đầy, để chốn lưu đầy về nơi “quê nhà”.
Như thế, Thập giá đưa tới Phục sinh, sự chết đưa tới sự sống. Chính “ngày thứ ba”, Chúa Con được giao hoà lại với Chúa Cha khi Chúa Cha ban ơn Thần Khí lại cho Chúa Con. Rồi, trong và nhờ Chúa Con, Người cũng ban cho tất cả những ai còn xa lạc, để giao hoà với họ. “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an cho chúng ta … Nhờ Người, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,13-14.18).
Cái chết trong Thiên Chúa, cho thế gian, vào ngày thứ Sáu thánh, thì vào ngày Phục sinh, chuyển thành sự sống của thế gian, trong Thiên Chúa. Sở dĩ thế vì đây không phải là cái chết của tội lỗi, nhưng là cái chết trong tình yêu. Một cái chết không chia cách, nhưng giao hoà. Một cái chết không phủ nhận sự duy nhất của Thiên Chúa, ngược lại còn khẳng định sự duy nhất này. Thiên Chúa Ba Ngôi hành động trong biến cố Thập giá và Phục sinh, thì chỉ có một. Lịch sử Ba ngôi của Thiên Chúa cũng chỉ có một. Chỉ có một ý định cứu độ được thực hiện trong hai thời điểm. Sự xa cách nhau cũng như sự hiệp thông với nhau giữa Ba Ngôi, rạng ngời trong biến cố Thập giá và Phục sinh. Bi kịch của tội lỗi cũng như niềm vui của giao hoà đều thấy có trong sự xa cách và hiệp thông này.
Là lịch sử của Ba Ngôi nên Thập giá và Phục sinh cũng là lịch sử của chúng ta. Tuyên xưng biến cố vượt qua của sự chết và sự sống trong Thiên Chúa, tuyên xưng ơn cứu độ của chúng ta, cũng chính là tuyên xưng mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Mặc khải của Đức Kitô và con đường đi theo Ngài
Những gì về Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải trong cuộc Tử nạn của Đức Giêsu, chính là lời mời gọi chúng ta.
a) Mầu nhiệm ẩn giấu nơi Thập giá là mầu nhiệm đau khổ và tình yêu của Thiên Chúa. Đau khổ và tình yêu luôn sóng đôi. Thiên Chúa đau khổ vì Người yêu. Và Người yêu trong mức độ Người chịu khổ.
Qua cái chết trên Thập giá, Đức Giêsu đã đi tới “tận cùng” của con người, trong sự nghèo khó, buồn sầu, cô đơn của Ngài. Chính ở đó mà Ngài cảm nghiệm được điều kiện của con người.
Nhưng không chỉ có Chúa Giêsu. Cả Chúa Cha nữa cũng đau khổ. Đau khổ vì một người vô tội bị trao nộp cách bất công cho cái chết. Dầu vậy, Chúa Cha vẫn dâng hiến người vô tội ấy, để trong mầu nhiệm Thập giá, tình yêu của Ba Ngôi dành cho thế gian được tỏ lộ.
Còn Chúa Thánh Thần, Người được Chúa Giêsu trao lại cho Chúa Cha vào giờ tăm tối này. Người dâng lễ hy sinh của mình khi làm cho Chúa Cha xa lìa Chúa Con, để giúp cho Chúa Con có thể đến với những người nghèo.
Nhưng cái chết trên Thập giá không phải là cái chết của Thiên Chúa như F. Nietzsche nói. Chết đó, nhưng là để làm ra một sự khởi đầu mới. Chén Thương khó trở thành dòng nước hằng sống luôn tuôn chảy (Ga 7,37-39). Ađam cũ chết đi để Ađam mới là Đức Kitô xuất hiện. Cùng với Ngài và trong Ngài, con người chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Khi đón nhận Đức Kitô vào giờ phút vinh quang, Chúa Cha cũng đón nhận mọi người chúng ta. Thần Khí của Chúa Kitô đổ tràn trên mọi xác thịt, để trở thành Đấng an ủi những người đau khổ, và để mặc khải sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự hiện diện làm cho mọi loài được sống và biến đổi.
Lời rao giảng về Thập giá (1Cr 1,18) cho ta thấy chính trong sự nghèo khó, yếu đuối và đau khổ của thế giới mà chúng ta tìm thấy Thiên Chúa. Sự toàn hảo của Thiên Chúa được bày tỏ trong những cái bất toàn mà Người đã đảm nhận.
Từ đây, mọi người đều có thể nhận ra Thập giá của Thiên Chúa Ba Ngôi trong đời sống của mình. Trong lúc đau khổ, họ có thể mở lòng cho Thiên Chúa, có thể biến đau khổ thành tình yêu, thành hy lễ. Chỉ mình Thần Khí Đức Kitô cho ta biết sự biến đổi này. Người là Đấng an ủi mọi đau khổ trên thế giới. Nơi ta và cùng với ta, Người sống những cơn hấp hối của đời ta, làm cho sự đau khổ của Chúa Con và Chúa Cha hiện diện nơi sự đau khổ của ta, nhờ đó mà ta có thể sống. Sự tự huỷ (kénose) của Thần Khí phát xuất từ sự tự huỷ của Ngôi Lời trong cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu Nadaret.
b) Giáo Hội và các môn đệ của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã chịu khổ vì con người, được mời gọi sống thế nào? Tất cả làm nên một dân đi theo Thập giá (sequela crucis), một cộng đồng dưới chân Thập giá. Đi theo Chúa Giêsu đau khổ, người kitô hữu biết rằng họ phải sống hằng ngày dưới dấu chỉ Thập giá. “Cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá, tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,19-20). “Đang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Người trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Người như thân thể kết hợp với đầu, hiệp với sự thương khó của Người để được cùng Người vinh hiển” (GH 7).
Giáo Hội dưới chân Thập giá là một dân gồm những người, giống như Đức Kitô, cố gắng vượt lên trên chính mình để đi vào con đường đau khổ của tình yêu. Giáo Hội là cộng đồng những người nghèo phục vụ người nghèo, có khả năng dùng cách sống của mình làm cho những người khôn ngoan và quyền thế phải bẽ mặt.
Giáo Hội dưới chân Thập giá còn có nghĩa là một cộng đồng làm trổ sinh hoa trái nhờ sự đau khổ của các con cái mình. Theo Đức Giêsu là cùng với Ngài đi vào con đường Khổ nạn. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,34-35). “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38). Người môn đệ phải “bổ khuyết trong thân xác mình những gì còn thiếu trong nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu” (Cl 1,24). Họ thực hiện điều này, nếu biết vác thập giá nặng hơn hết mọi thập giá, tức thập giá của đời sống hiện tại, mà Chúa Cha mời gọi họ vác. Họ là những người tin mà không thấy, chiến đấu và hy vọng nhưng không có kết quả trước mắt, trong sự liên đới với những ai đau khổ.
Thập giá của hiện tại còn là sự vất vả của một cuộc sống trung thành theo Chúa, và đương đầu với sự bách hại của các kẻ đối nghịch với Thập giá (Pl 3,18).
Thập giá của một đời sống trung thành bao gồm những chiến đấu bên trong, những lúc thử thách, cô đơn, ngờ vực. Phải có một tinh thần nghèo khó, nại tới kinh nguyện kiên trì và bền bỉ, để cầu xin Chúa rủ tình thương xót. Đây chính là thập giá của lòng trung thành nơi Đức Giêsu. Khác chăng là, trên con đường của Ngài, chỉ có mình Ngài đi, còn trên con đường của ta, chúng ta có Ngài đi trước và hỗ trợ.
Ngoài thập giá của sự trung thành, thì sự bách hại cũng là một thập giá. Thập giá này, Chúa đã báo trước cho các môn đệ: “Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói … Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mt 10,16tt). Giáo Hội và các môn đệ Chúa bị bách hại vì yêu sự công chính, ghét sự bất công, muốn sống triệt để tinh thần của Tin Mừng, nên thường là cái gai trước mắt các quyền lực thế gian. Vì muốn cho thế giới mới của Thiên Chúa được tỏ hiện, Giáo Hội dưới chân Thập giá giúp những người bị áp bức mang thập giá của họ, tìm cách làm nhẹ bớt thập giá của họ, đồng thời chống lại những gì gây ra thập giá này. Giáo Hội và các môn đệ theo gương Đức Kitô chịu đóng đinh, Đấng không ngần ngại đồng hoá mình với tất cả những ai bị đóng đinh trong lịch sử: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống…” (Mt 25,35-40). Chính Ngài hiện diện nơi người bị bách hại: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta” (Cv 9,4).
Thập giá giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết đòi hỏi phải giải thoát khỏi mọi thập giá của tội lỗi và sự chết. Theo gương Chúa Kitô, Giáo Hội và các môn đệ Chúa không thụ động trước những sự dữ hôm nay, ngược lại, dấn thân cách tích cực và tỉnh táo, để biến những đồi canvê thành nơi có sự sống lại, sự công chính và sự sống. Đồng khổ với Đấng chịu đóng đinh thì cũng phải tỏ lòng trắc ẩn tích cực đối với những phần tử thuộc thân thể lịch sử của Ngài. Giáo Hội sẽ tìm thấy chân tính của mình khi phục vụ người khác bằng tình yêu của Chúa.
Người môn đệ nào đang mang ách nặng thập giá, hoặc sợ hãi trước những đòi hỏi của thập giá, cần tìm sức mạnh, an ủi và nâng đỡ trong sự Phục sinh của Chúa. Những người đi trước chúng ta trong cuộc chiến đấu cho niềm tin đã làm như vậy, nên họ mới có thể nói: “Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc Thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,8-10).
Sống như vậy thì Thập giá của Đức Kitô quả không phải là vô ích.
(*) Lấy ý trong:
Bruno Forte, Dans la mémoire du Sauveur,
éd. Paupines & Médiaspaul, 1991, pp.71-88
Lm Micae Trần Ðình Quảng
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa nhật 25 thường niên B
ĐƯỢC GIƯƠNG CAO NHƯ VẬY – Ga 3,13-17 Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14.9.2024
ĐỐI THOẠI – Ngày thứ 9 Tuần Cửu Nhật Lễ Suy Tôn Thánh Giá 13.9.2024
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA Chúa nhật 24 Thường niên B