By TT. MTGXL
CHÚA PHỤC SINH ĐANG HIỆN DIỆN
Tin Mừng Ga 16: 16- 20
Chúa Giêsu đến trần gian để chu toàn sứ mạng cứu độ Chúa Cha trao phó. Sứ mạng yêu thương ấy được Ngài thực hiện ngang qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Sau cuộc tử nạn đầy thương đau thảm khốc, Chúa Giêsu đã âm thầm chịu an táng trong mồ ba đêm ngày. Đây là một thời gian ngắn ngủi Ngài vắng mặt, không còn hiện diện bên các môn đệ. Rồi sau khi hoàn tất sứ mạng cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu lại trở về bên cung lòng yêu thương của Cha, nơi Ngài đã phát xuất. Chính sự ra đi này của Ngài đã để lại trong lòng các môn đệ một sự mất mát, một sự trống vắng và một nỗi buồn khó tả. Cảm thông được tâm trạng của các môn đệ, Chúa Giêsu đã loan báo Ngài sẽ trở lại với các ông, và khi ấy niềm vui sẽ lại tràn trào bất tận.
Tin Mừng theo Thánh Gioan hôm nay như lời nhắn nhủ riêng thật thắm thiết với mỗi người chúng ta. Bởi vì những lời này đã được Chúa tâm sự trong bữa tiệc chia tay. Chúa nói với các môn đệ: “Một ít nữa, anh em sẽ không xem thấy Thầy, rồi một ít nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”. Câu này thật khó hiểu đối với các môn đệ ngày ấy, nhưng có thể dễ hiểu với chúng ta ngày nay, vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Chúa Giêsu. Và chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, các môn đệ không còn được thấy Thầy mình nữa. Rồi chúng ta lại biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Chúa Giêsu sẽ Phục sinh, và sẽ hiện ra cho các môn đệ thấy.
Lời tâm sự của Chúa Giêsu với các tông đồ đang trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly: ngay sau đó Chúa bị bắt, bị đánh đập, xét xử, bị lên án và bị đóng đinh trên thập giá, lúc này các tông đồ sẽ không thấy Chúa. Nhưng sau ba ngày Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại. Từ đây Đức Giêsu sẽ khởi đầu một đời sống mới, đời sống vinh quang muôn đời, đời sống bất diệt, lúc này các tông đồ sẽ vui mừng được nhìn thấy Chúa.
“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”. Đây là hai thái độ chiêm ngắm Đức Giêsu hoàn toàn khác nhau: Nhìn thấy Đức Giêsu trong lúc Chúa chịu đau thương và dẫn đến cái chết, là cái nhìn thể lý bằng xương bằng thịt. Nhìn Đức Giêsu Kitô Phục Sinh vinh hiển là cặp mắt nhìn trong đức tin, trong kinh nghiệm thiêng liêng.
Thật sự mất Thầy là một thách đố thật lớn trong đời người môn đệ. Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này. Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định, để lang thang đó đây. Bây giờ mất Thầy, các môn đệ biết đi về đâu và đi với ai?
Vì thế hơn ai hết, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô gắn liền với sự đau khổ và niềm vui của các môn đệ. Hay nói một cách chính xác hơn cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô chiếu dọi ánh sáng vào mọi đau khổ của con người. Niềm tin Kitô giáo không chối bỏ cái chết và sự đau khổ, nhưng qua cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, Kitô giáo không còn nhìn cái chết và sự đau khổ như một ngõ cụt của cuộc sống. Trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô, cuộc sống con người mang một ý nghĩa thật tuyệt vời, cho dù đâu đó còn đầy dãy những đau khổ mà con người phải trải qua.
“Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…”. Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa, khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng, liệu người môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không?
“Một ít nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau Phục sinh, lúc Thầy sai Thánh Thần đến nâng đỡ anh em, và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên Quốc.
Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ hãy tham dự vào mầu nhiệm vượt qua của Ngài, có nghĩa là cả những lúc tăm tối nhất của cuộc đời, những lúc như không còn thấy Chúa, thì vẫn phải bám chặt lấy Ngài để tiến bước. Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn. Có lúc như thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán. Đó là lúc chúng ta phải chia sẻ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa. Cuộc sống cho dẫu có đau khổ thế nào đi chăng nữa, người theo Chúa vẫn luôn tìm được ý nghĩa đích thực cho cuộc sống mình, vì mình đang đi trên con đường chính Chúa đã đi.
Cạnh đó, tham dự vào mầu nhiệm của Chúa cũng còn có nghĩa là bằng con mắt đức tin, nhận ra Chúa nơi những người anh chị em đang đau khổ ở xung quanh chúng ta, yêu thương những anh chị em đó như chính Chúa đã yêu thương ta. Sự cảm thông, chia sẻ, phục vụ đối với những anh chị em đang đau khổ này, giúp họ chấp nhận được cuộc sống với những bất toàn, những trái ý, làm cho tâm hồn họ cũng có được bình an , niềm vui và hy vọng. Và như thế, ánh sáng Tin Mừng Chúa Phục sinh đang thực sự làm cho tâm hồn mỗi người chúng ta đang được hồi sinh.
Và rồi ngày nay Chúa không còn hiện diện hữu hình bên chúng ta như xưa bên các môn đệ. Nhưng Ngài hiện diện trong Thánh Thể, Lời Chúa, Giáo Hội và mọi biến cố trong cuộc đời ta. Ngài vẫn luôn âm thầm đồng hành bên chúng ta trên hành trình Emmau của mỗi cuộc đời. Ngài nhẹ nhàng ủi an nâng đỡ và phấn khích chúng ta hãy can đảm vượt thắng những cám dỗ, lôi cuốn của trần thế để trung thành sống đức tin giữa dòng đời. Ngài mời gọi chúng ta hãy tiếp tục sứ mạng yêu thương của Ngài trong mọi môi trường sống của chúng ta. Ngài nhắc nhở chúng ta hãy gieo niềm vui, tình yêu thương của Ngài đến với mọi tâm hồn chúng ta tiếp xúc trên hành trình cuộc sống. Chúng ta cần phải xác tín sâu xa rằng: đức tin chính là điều cốt yếu trong cuộc sống của chúng ta hôm nay.
Đời sống người Kitô hữu luôn luôn bao gồm những lúc chờ đợi với ít nhiều buồn thảm và những lúc gặp gỡ vui mừng. Như một đợt sóng có lúc hạ xuống. Đời sống con cái Chúa cũng bồng bềnh trong đau khổ và niềm vui như vậy. Xin đừng quên Lời Chúa: “Nỗi vui mừng của các con không ai giật mất được” (c.22). Niềm vui của chúng ta là niềm vui đã được Chúa cứu chuộc, không còn bị án nào nữa. Chúng ta đã được gia nhập vào Giáo Hội cùng phép Rửa Tội, được Chúa huấn luyện bằng Lời Chúa, được Ngài nuôi dưỡng bằng Mình Máu Ngài. Mỗi ngày sống chúng ta vui mừng vì sẽ được về gần trời.
Và rồi nếu ta trung thành với Chúa, biết đón nhận các hoàn cảnh ấy cách vui tươi, thì nhờ ơn Chúa, các gian nan, khó cực, và thất bại ấy sẽ giúp ta trở thành người Kitô hữu trưởng thành hơn. Khi sinh con, người sản phụ đau đớn, nhưng sau đó, vui mừng vì một người con mới ra đời, người mẹ sẽ không còn nhớ cơn đau quặn trước đó. Các môn đệ sẽ lo sợ, buồn phiền trước các đau khổ xảy ra cho Thầy mình và cho các ông. Thế nhưng, Ngài muốn các ông hướng nhìn về niềm vui trọn vẹn không ai có thể tước đoạt khỏi các ông, khi các ông chứng kiến Ngài sống lại vinh quang.
Con người hôm nay đang bị nhận chìm giữa bao lớp sóng của thú vui, hưởng thụ, ích kỷ, đam mê, tranh chấp. Họ tưởng rằng những thứ ấy sẽ mang lại cho họ niềm vui và hạnh phúc. Nhưng thật thương tâm biết bao, khi mỗi ngày con người chỉ cảm thấy chán chường, bất an, lo âu, sợ hãi trước muôn vàn nguy cơ đang muốn vùi lấp họ trong những thứ giả tạo ấy.
Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy là chứng nhân đức tin đích thực của Đức Kitô trong cuộc sống thường ngày. Một cuộc sống thanh thoát với của cải vật chất, không bận tâm tới danh vọng quyền chức, chỉ tha thiết sống yêu thương, biết gieo niềm vui đến cho mọi người, tận tâm phục vụ tha nhân và luôn sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Hãy chứng tỏ cho mọi người thấy rằng: Chúa Kitô Phục Sinh đang hiện diện và đồng hành bên chúng ta hôm nay và mãi mãi. Chỉ nơi Ngài và trong Ngài, con người mới có được niềm vui và hạnh phúc viên mãn.
Huệ Minh
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024