By TT.MTGXL
LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA
Tin Mừng Lc 15: 1-3. 11-32
Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm con người. Qua dụ ngôn “Người con hoang đàng” quen thuộc mà chúng ta có dịp lắng nghe trong Mùa Chay này, Chúa Giêsu cũng mạc khải cho chúng ta tình yêu cao vời của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng cho chúng ta có tự do. Thiên Chúa muốn đối xử với chúng ta như một con người trưởng thành.
Ðó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói lên qua hình ảnh một người cha không muốn khăng khăng giữ lấy đứa con, mà trái lại chia gia tài cho nó, để nó được tự do sử dụng tất cả những gì thuộc về nó. Mà dẫu cho người con có lên đường đi tạo lập một cuộc sống riêng tư, người cha vẫn không ngừng ngóng trông, theo dõi và chờ đợi đứa con. Ông khắc khoải từng giây từng phút. Ngày ngày ông ra trước ngõ để ngóng trông.
Tin Mừng Luca chương 15 được gọi là các dụ ngôn về lòng thương xót, chương này gồm một lời mở đầu và ba dụ ngôn. Lời mở đầu có tầm quan trọng đặc biệt, vì đó là chìa khoá để hiểu Đức Giêsu nói dụ ngôn trong bối cảnh nào, có ẩn ý gì và nói cho ai. Người thuật chuyện cho biết bối cảnh và lý do Đức Giêsu kể các dụ ngôn ở Lc 15,1- 3: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.’ Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:…”
Lc 15,1- 3 cho biết nhiều chi tiết liên quan đến lý do Đức Giêsu kể các dụ ngôn. Trước hết là những người thu thuế và những người tội lỗi đến với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Tiếp đến là lời xầm xì của những người Pharisêu và các kinh sư: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Lời xầm xì này cho biết thêm hai yếu tố mới. Không chỉ là việc những người thu thuế và tội lỗi đến với Đức Giêsu và nghe Người giảng, mà chính Đức Giêsu tiếp đón họ và ăn uống với họ. Nghĩa là sự đón nhận đến từ hai phía. Về phía Đức Giêsu, Người tiếp đón và ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi. Về phía họ, họ đến với Đức Giêsu để nghe Người giảng.
Và khi người con vừa xuất hiện từ đằng xa, người cha đã chạy đến ôm chầm lấy con và hôn lấy hôn để, rồi ông lại sai gia nhân mặc áo đẹp cho cậu con, xỏ nhẫn, đeo giày cho cậu và mở tiệc ăn mừng. Có lẽ trong văn chương nhân loại từ cổ chí kim chưa có một áng văn nào đẹp cho bằng hình ảnh trên đây. Thiên Chúa yêu thương đến độ tìm kiếm, ngóng trông con người từng giây từng phút, Thiên Chúa yêu thương đến độ sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi phạm của con người, để phục hồi nó hoàn toàn trong thân phận cao quý của một con người.
Ðó là tất cả Tin Mừng của Kitô giáo. Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả chân lý ấy bằng câu nói: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa không mong gì hơn nơi con người, là con người nhận biết được tình yêu ấy. Không gì xúc phạm đến Thiên Chúa cho bằng khi con người khước từ tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn về người con hoang đàng trở về, nhưng điểm nhắm của Người lại là người con cả, hiện thân của những người biệt phái. Ðây là hạng người tự cho mình là những kẻ yêu mến Chúa, tuân giữ các giới răn của Ngài, nhưng kỳ thực họ lại tỏ ra lời phát biểu của người anh cả trong bài dụ ngôn. Anh ta nói: “Ðã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, vậy mà không bao giờ cha cho con riêng một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó”.
Quả thật, những người biệt phái tuân giữ không sai chạy tất cả mọi luật lệ của Chúa, nhưng họ chỉ tuân giữ lề luật trong tinh thần sợ sệt cứng ngắt và giả hình, bởi vì họ không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Và bởi vì không cảm nhận được tha nhân là người anh em ruột thịt của mình. Khước từ Thiên Chúa, con người cũng khước từ anh em của mình. Không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, con người cũng không muốn san sẻ tình yêu với người anh em. Tin Mừng hôm nay quả thực là một quảng diễn về hai giới răn cơ bản trong đạo của chúng ta đó là: Mến Chúa Yêu Người. Người ta không thể mến Chúa mà không yêu tha nhân.
Nơi người con thứ. Dám quyết định, dám ra đi, dám sống hết mình, dám nhìn nhận sự thật về mình, dám nhận trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Đáng phục hơn cả là dám đứng lên, dám làm lại cuộc đời, dám quay lưng lại với quá khứ, dám hối cải và trở về để sống trọn vẹn tư cách làm con trong tình yêu thương của cha mình. Trong trình thuật, việc những người thu thế và tội lỗi “đến với Đức Giêsu và nghe Người giảng” (15,1) được ví như là người con thứ đã can đảm hối cải trở về. Vậy, độc giả đang ở giai đoạn nào trong hành trình tìm kiếm của người con thứ?
Kế đến, với người anh cả. Có bao giờ chúng ta nghĩ mình là “con cái trong nhà” mà thực sự đang sống như “người làm công” hay không? Trong tương quan với anh chị em mình, làm thế nào để đón nhận và cùng chia sẻ trách nhiệm với anh chị em mình chứ không dùng kiểu nói của người con cả: “Thằng con của cha đó”. Liệu lời dạy của người cha có làm cho độc giả nhận ra sự thật trong tương quan với Cha trên trời và với anh chị em mình không?
Và sau cùng, nơi cách xử sự của người cha. Có nhiều điều để học hỏi nơi người cha về cách giải quyết những vấn đề phức tạp và tế nhị trong cuộc sống. Có thể nói, khởi đầu dụ ngôn, người cha có hai người con, nhưng trong thực tế lại không có đứa con nào cả. Một đứa thì đi hoang, một đứa thì sống ở nhà với cha nhưng lại sống như một người làm công chứ không phải là con. Làm thế nào để vừa tôn trọng tự do của đứa con muốn ra đi, vừa biết chỉ dạy cho đứa con ở lại về cách thức làm con? Bản văn mời gọi các bậc cha mẹ – cũng như những người có trách nhiệm trên người khác – biết áp dụng cách giáo dục của người cha: Dùng tình thương để cảm hoá và tôn trọng sự tự do để giáo dục sự tự do. Nhờ đó con người có khả năng lấy những quyết định đúng đắn cho mình.
Mùa Chay qua Bí tích Hòa giải, Giáo hội mời gọi chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc tình yêu vô bờ của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn dang rộng cánh tay để ôm ấp, để vỗ về và tha thứ cho chúng ta. Và tình yêu vô bờ của Người Cha ấy chờ đợi gì nơi chúng ta hơn là chúng ta biết nhìn ra nơi tha nhân, người anh em của chúng ta, để chúng ta cũng yêu mến và tha thứ không ngừng.
Huệ Minh
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024