By TT. MTGXL
LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG CÁCH SỐNG
Tin Mừng Mt 9: 32- 38
Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể làm người, đến thế gian để loan báo Tin Mừng Nước Trời và cứu độ nhân loại. Thật vậy, Chúa chữa lành và cứu sống con người: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại” (Mt 11, 5). Chúa thương xót và thứ tha tội nhân: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11b). Chúa giải thoát con người khỏi xiềng xích sự dữ, khỏi khổ đau tuyệt vọng: “Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được và dân chúng vui mừng trong sự kinh ngạc” (Mt 9, 33). Chúa “tìm và cứu những gì đã mất” và công bố Tin Mừng Cứu Độ (Lc 19, 10). Chúa thao thức mang Tin Mừng ấy đến cho mọi con người, mọi dân tộc và mọi quốc gia. Chúa muốn có những người sẵn sàng chia sẻ thao thức ấy với Chúa.
Ta thấy thánh Matthêu cho thấy nơi Chúa Giêsu, lời tiên báo của Tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm: “Đẹp thay, trên đồi núi, bước chân người loan báo Tin Mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52, 7). Và ta cũng thấy rằng không quản khó nhọc, vất vả ngược xuôi trên những chặng đường dài khắp xứ Palestina, Chúa Giêsu “rảo khắp các Thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các Hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9, 35). Làm biết bao việc tốt lành như thế, nhưng dường như Chúa Giêsu cảm thấy mình vẫn chưa đáp ứng hết mọi nhu cầu của con người. Chúa Giêsu “động lòng thương xót” đoàn lũ dân chúng đông đảo, vì Người thấy họ “tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn” (Mt 9, 36). Tất cả thể hiện tấm lòng của Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu (Ga 10, 1- 30), tấm lòng thương xót của một Vì Thiên Chúa.
Sống trong một thế giới đang có nhiều biến động bởi sự tục hoá, khủng bố, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật,… con người dễ trở nên vô cảm, dửng dưng với tha nhân. Nhưng đồng thời, con người thời đại cũng cần biết bao những tấm lòng như Chúa Giêsu. Điều này mời gọi chúng ta: “đi ra khỏi chính mình và dấn thân vào đời sống Xã hội mà ta đang thuộc về, đặc biệt với người nghèo và những ai ở xa”, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi.
Hơn nữa, là Môn đệ của Chúa Kitô, ta hãy trở nên dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa cho con người hôm nay. “Tình thương của Thiên Chúa phá vỡ thái độ khép kín chết chóc là sự dửng dưng, tình thương ấy được Giáo hội trao tặng cho chúng ta qua Giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của Giáo hội. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm chứng về điều mà trước đó chúng ta cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho chiếc áo lòng từ nhân và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để trở nên giống Chúa, là Tôi Tớ của Thiên Chúa và loài người”.
Khi thi hành sứ vụ mục tử, chúng ta cũng không thể tránh khỏi lời này tiếng nọ từ những người có óc thành kiến hay ganh tị. Chúng ta hãy nhớ Chúa Giêsu – Thầy chúng ta – cũng đã từng bị người ta gán ghép là “khùng”, “bị quỷ nhập”, thậm chí là “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”.
Trước sự cứng lòng của những người biệt phái, Chúa Giêsu tỏ thái độ đau xót, không phải cho Ngài, nhưng cho đám đông dân chúng theo Ngài. Ngài thương họ bơ vơ lạc lõng. Ngài ví họ đáng thương như một bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài lại dùng hình ảnh đồng lúa chín vàng để nói lên tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.
Tin Mừng Nước Trời gắn liền với dấu chỉ phục vụ cho sự sống: ở đâu có Nước Trời, ở đó có sự phục vụ cho sự sống; và ở đâu có sự phục vụ cho sự sống, ở đó Nước Trời hiện diện. Đức Kitô đã phục vụ cho sự sống của loài người và từng người chúng ta “cho đến cùng”, nghĩa là trở thành “Bánh” nuôi dưỡng chúng ta, trở thành hiện thân của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta; và Ngài mời gọi mỗi chúng ta đích thân đón nhận sự phục vụ của Ngài, để có thể phục vụ như Ngài. Đó chính là cách thức Đức Kitô loan báo Tin Mừng và làm cho Nước của Thiên Chúa Cha trị đến.
Ta không thể rao giảng Tin Mừng Nước Trời đang khi mình còn mơ hồ và chưa đủ thấm nhập Tin Mừng ấy. Cho nên, chúng ta được mời gọi để đến với Chúa, ở cùng Chúa, học từ Chúa, thao thức và sống như Chúa hầu trở nên những thừa tác viên của sự chữa lành, của lòng thương xót hay tha thứ của Thiên Chúa; trở nên niềm hi vọng và bình an của người đau khổ; trở nên chứng từ sống của Đấng Phục Sinh, và nên người “thợ gặt” trung thành của “chủ mùa gặt”. Chúng ta không phủ nhận sự yếu đuối và bất toàn nơi thân phận con người mình. Nhưng có như thế, chúng ta mới biết khiêm nhường mà hoàn toàn cậy dựa vào ơn Chúa. Nhờ vậy, Tin Mừng Nước Trời mới được rao giảng cách hữu hiệu và phù hợp thánh ý Thiên Chúa, vì Chúa đã nói: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
Và rồi ta cũng vậy, chính khi ta xin Chúa sai thợ ra gặt lúa về, chúng ta cũng được mời gọi đồng cảm với Chúa, cùng chạnh lòng thương không chỉ đối với đám đông xa xôi, nhưng đối với những anh chị em bên cạnh ta. Và nhất là, chúng ta cũng tình nguyện trở thành thợ gặt của Chúa, để Chúa sai chính ta đi. Và vì là mùa gặt và được sai đi gặt, chứ không phải đi xếp loại, phân loại, phân cấp, xét đoán hay lên án, ta đi trong niềm vui và hi vọng.
Huệ Minh
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa nhật 25 thường niên B
ĐƯỢC GIƯƠNG CAO NHƯ VẬY – Ga 3,13-17 Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14.9.2024
ĐỐI THOẠI – Ngày thứ 9 Tuần Cửu Nhật Lễ Suy Tôn Thánh Giá 13.9.2024
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA Chúa nhật 24 Thường niên B