Quả thế, thường cuộc chia tay nào cũng có nhiều day dứt. Đặc biệt cuộc chia tay giữa những người thân, người yêu lại càng nhiều cảm xúc, lo lắng, lưu luyến – chưa xa mà lòng đã bồi hồi. Bởi thế, khi loan báo cuộc ra đi trở về cùng Cha, thầy trò Đức Giêsu cũng không tránh khỏi niềm xao xuyến ấy: “Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: “Thầy đi đâu ?” Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.” Tuy nhiên, vì tình yêu mà Thầy phải ra đi vì: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” Quả vậy, Chúa Thánh Thần – ThầnTình yêu và Chân Lý, Sự khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ đến để dạy bảo anh em mọi điều.
Thánh Thần minh oan cho Đức Kitô, Đấng Công minh sáng suốt: “Đấng Bảo Trợ cho thấy rằng, nếu cái chết của Đức Giêsu bị xem là nhục nhã dưới lăng kính người đời, thì lại được Chúa Cha tôn vinh.” Bởi vì cái chết của Đức Giêsu là do tình yêu hy sinh hiến mạng vì bạn hữu của Ngài. Vì thế Ngài rất đẹp lòng Chúa Cha và được Cha tôn vinh đặt làm Chủ tể muôn loài. Cuộc đời có Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ giúp chúng ta thi hành sự công chính mà Đức Giêsu truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương anh em. Điều thầy truyền dạy là anh em hãy yêu thương nhau.” (Ga 15, 12.17). Vì theo Kinh thánh người công chính là người chu toàn lề luật.
Và lề luật Đức Giêsu dạy ở đây đó là “yêu thương nhau như Đức Giê-su” một tình yêu vị tha hoàn toàn vô vị lợi. Do đó, khi yêu thương chúng ta đừng sợ thiệt thòi. Trong lăng kính của tình yêu vị tha không bao giờ có sự tính toán và cảm giác thua thiệt khi yêu thương phục vụ và cho đi. Trái ngược lại, tình yêu vị kỷ luôn luôn qui về mình, về lợi ích của mình và kết án tình yêu vị tha là ngu dại. Nhưng dưới con mắt Thiên Chúa thì “Tất cả những gì thế gian cho là ngu dại lại là sự khôn ngoan của Người.” Chúng ta chọn Thiên Chúa hay chọn thế gian tùy vào niềm tin của chúng ta đặt vào đâu. Nếu chọn Thiên Chúa, sống theo lời Ngài thì phần thưởng nước trời sẽ là gia nghiệp của chúng ta.
Các môn đệ Chúa Giêsu đau buồn xao xuyến vì sắp chia tay Thầy; thế mà Chúa Giêsu lại trấn an họ rằng việc ra đi của Ngài là “có lợi” cho các ông. Quả vậy, qua cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêu khơi nguồn ơn cứu rỗi cho nhân loại. Nhưng để nguồn sống mới đó thấm nhập được nơi các tâm hồn, Chúa Cha sẽ ban Thánh Linh đến và ở cùng Giáo Hội luôn mãi. Thánh Linh sẽ giúp cho các môn đệ hiểu biết giáo huấn của Chúa Giê-su, ban cho các ông sức mạnh để làm chứng về Ngài. Chính Thánh Thần sẽ ban muôn ơn huệ dồi dào làm cho Giáo Hội xinh đẹp, sống dồi dào và luôn hiệp nhất với nhau để tiếp tục sứ vụ sứ mạng cứu rỗi của Chúa Giêsu ở trần gian. Như vậy Thánh Linh là Đấng đến để hoàn tất sứ vụ cứu thế của Chúa Giê-su.
Tâm trạng của con người trước sự ra đi nào cũng có những bùi ngùi xúc động, nhất là những cuộc ra đi thật xa. Sự ra đi của Chúa Giêsu xa chắc chắn sẽ để lại sự trống vắng, xao động và mất đi sức mạnh cho các tông đồ. Ngay cả tâm trạng của Chúa Giêsu trước khi ra đi trở về cùng Cha cũng không tránh khỏi những lo lắng ưu tư cho các môn đệ của Ngài còn ở lại trần gian: các tông đồ sẽ bơ vơ, sẽ bị chống đối, sẽ bị bắt bớ, sẽ bị chao đảo….Vì thế, Chúa Giêsu đã hứa với họ, Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần đồng hành với các môn đệ, khi Ngài không còn sự hiện diện hữu hình, nhưng Ngài sẽ không để các ông bơ vơ một mình: “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chính Chúa Thánh Thần sẽ làm chứng cho Đức Kitô
Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là chiến thắng quyền lực của thần chết để có ai bước theo Ngài không còn lo buồn thất vọng, nhưng phấn khởi vui mừng vì một ngày kia cũng sẽ được thông phần vinh quang với Ngài. Tất cả biến cố Tử nạn và Phục Sinh này dù đã được Chúa Giêsu giảng giải, các tông đồ vẫn chìm trong tăm tối. Chỉ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống ban sức mạnh cho họ thì họ mới vững mạnh tuyên xưng lòng tin và đám đông dân chúng nghe theo họ cũng được Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy họ hành động. Các Tông đồ mạnh dạn rao giảng về Ðức Kitô, đám đông âu lo tìm kiếm xem họ phải làm gì và họ thực hành đúng điều Thiên Chúa muốn.
Khi Đức Kitô được siêu tôn vinh hiển, đến lượt Chúa Thánh Thần đóng vai trò nổi bật. Chúa Giêsu chấp nhận xoá mình đi để nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần đến hoạt động trong Hội Thánh sơ khai. Và Ngài còn báo trước việc Ngài ra đi như thế là vì lợi ích của Hội Thánh. Mà quả thật là có lợi! Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các Tông đồ và các tín hữu đã làm cho Hội Thánh phát triển nhanh chóng.
Trong viễn tượng của mầu nhiệm Đức Kitô lên trời và mầu nhiệm Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi đặt mình trong niềm vui của Con Thiên Chúa và của Thiên Chúa, khi sai Thánh Thần đến với chúng ta; và xin cho chúng ta nhận ra và cảm nếm, niềm vui của Thiên Chúa Ba Ngôi là niềm vui của chính chúng ta.
Thánh Thần được sai đến với các môn đệ Chúa Giêsu và thế gian năm xưa, cũng chính là Thánh Thần mà Mẹ Giáo Hội đang muốn chuẩn bị cho con cái mình lãnh nhận trong lộ trình phụng vụ mùa phục sinh. Đấng ấy sẽ đến với bộ mặt của tình yêu, với tiếng nói của tình yêu; sẽ đưa những sai lầm của chúng ta đến với ánh sáng của tình yêu và sẽ đốt cháy những sai lầm ấy bằng ngọn lửa của lòng xót thương vô bờ nơi Trái Tim Thiên Chúa. Đó là cung cách hành động của Tình Yêu. Và khi Tình Yêu hành động, ta sẽ được biến đổi, được sống, được an bình trong Ánh Sáng Vĩnh Cửu của Đấng Phục Sinh.
Ta thử xét mình xem chúng ta đã gắn bó bản thân với Thiên Chúa hay chưa? Chúng ta có chấp nhận những chân lý Ngài dạy – chân lý về tình yêu, sự tha thứ, lòng khoan dung, tinh thần phục vụ… như là sự khôn ngoan, là kim chỉ nam để thi hành trong cuộc sống hay không? Hay chúng ta chỉ cậy dựa theo sự khôn ngoan thế tục trong cách hành xử của mình?
Rất thường, chúng ta hay gác lời dạy của Chúa sang bên lề cuộc sống để hành xử theo thế gian.Tuy không trực tiếp lên án, giết Chúa Giêsu, nhưng thực tế, Ngài đã bị bỏ quên hay chỉ còn là một món đồ trang sức cho cuộc sống của chúng ta. Đấng Bảo Trợ đến, Ngài sẽ phơi trần tội lỗi thế gian. Xin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta để đem ra ánh sáng những vùng tối tăm trong tâm hồn, và xin Ngài thanh tẩy bằng lửa hồng mến yêu để chúng ta dám chết đi cho tội lỗi hầu đáng được hưởng phần vinh phúc với Đức Kitô.Ta thấy ngày nay con người tiếp tục không tin và lên án giết Chúa Giêsu qua việc chống đối Giáo hội của Ngài. Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo định nghĩa: “Tin là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời chấp nhận tất cả chân lý được Thiên Chúa mặc khải.”
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024