Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Phục Sinh Năm C

By TT. MTGXL


CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT RỒI !
Cv 10, 34a. 37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9

Hôm nay, từ ngôi mộ trống và qua những lần hiện ra với các môn đệ sau khi phục sinh, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Ngài là Sự Sống lại và là Sự Sống như đã từng khẳng định với chị em Mácta và Maria: “Ta là sự sống lại và là sự sống! Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Và bất cứ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ.” Chúa Kitô đã sống lại. Ngài đã mang lại một niềm hy vọng lớn lao cho nhân loại đang run sợ trước cái chết và đau khổ do hậu quả của tội lỗi. Nhưng thật đang buồn cho chúng ta vì thế giới không mấy quan tâm đến sự Phục sinh của Chúa.

Điều này thật ra cũng dễ hiểu vì lý do của chúng rất đơn giản. Vì dù là biến cố vĩ đại, nhưng biến cố này đã được Đức Kitô thực hiện cách âm thầm, khiêm tốn. Chúa Giêsu phục sinh không xuất hiện một cách long trọng, vẻ vang trong đền thánh Giêrusalem để cho những người nỗi nang trong xã hội Do thái thời bấy giờ chiêm ngưỡng. Nhưng Ngài xuất hiện cho những người tầm thường, những người do chính Ngài ọi tên, những người cùng Ngài bẽ bánh, những người biết lắng nghe những lời bình an của Ngài… đặc biệt là những người biết ý thực được sự xuất hiện của Ngài. Và thậm chí họ là những người đã từng gặp khó khăn trong niềm tin vào sự phục sinh của Ngài.
Sự Phục Sinh của Ngài hoàn toàn là một mầu nhiệm của sự chiến thắng, hai mầu nhiệm của cùng một Đấng Cứu Thế, nhưng hoàn toàn phản diện nhau. Như vậy giá trị của đau khổ không phải là đau khổ mà là vượt qua đau khổ. Hiển nhiên bên kia của đau khổ là vinh quang, nhưng sự đau khổ của Con Thiên Chúa là sự đau khổ vinh quang, giá trị đau khồ mà Chúa Giêsu đã thực hiện là giá trị của Hy Lễ dâng lên Thiên Chúa Cha khác với giá trị đau khổ của phàm nhân. Vì vậy, người mang đau khổ vì Hy lễ thì khác với người mang đau khổ không có giá trị hy lễ.Như vậy, con người thì phải chết, nhưng Con Thiên Chúa thì Phục Sinh. Đó là niềm tin và hy vọng tuyệt đối cho những ai được xưng danh Kitô hữu đến giây phút cuối cùng.
Ta thấy một mình Maria đi thăm mồ Chúa từ sáng sớm. Việc thăm mồ của bà không phải hoàn toàn để tìm Chúa Giêsu Phục sinh, nhưng bằng con tim dạt dào lòng mến đối với vị thầy Giêsu chí thánh đã từng tha thứ và hướng cuộc đời bà rời xa bóng đêm tội lỗi, lật sang trang mới. Chính lòng cảm mến đó đã thúc đẩy bà lên đường viếng mộ Chúa, đây chỉ là việc thăm viếng bình thường. Nhưng đau thương chồng chất đau thương, bà hốt hoảng, xót xa khi nhận ra xác Thầy không còn nữa. Bà không nghĩ rằng Chúa đã sống lại, đã quên lời Thầy báo trước hôm nào. Bằng linh tính của người phụ nữ và bằng cảm thức của một con tim dạt dào tình yêu đối với Chúa Giêsu làm bà lo âu khắc khoải. Bà nghĩ ngay “xác Thầy đã bị đánh cắp”. Niềm hy vọng của bà hiện nay là làm sao tìm lại xác của Thầy đã chết.
Maria chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan, cả ba hối hả chạy đến mồ. Không thấy xác Thầy đâu, chỉ còn lại nấm mồ trống trơ, lạnh vắng với những khăn vải liệm được xếp ngăn nắp. Đứng trước mồ Chúa, ba người có ba thái độ khác nhau.
Nhìn những tấm khăn vải liệm được xếp ngăn nắp, Gioan tin Thầy mình đã sống lại. Vì chẳng ai ăn cắp xác Chúa lại phải tốn giờ sắp gọn gàng khăn liêm như thế!
Còn Phêrô thì không thấy Tin Mừng ghi lại một lời nào trước ngôi mộ trống. Chúng chỉ biết thánh Phêrô trở về nhà trong sự thinh lặng và chìm sâu trong suy nghĩ. Không phải ngài cứng lòng tin. Nhưng có lẽ vì là thủ lãnh tông đồ đoàn nên ngài cần thận trọng khi tuyên bố những gì về đức tin. Vì lời tuyên xưng của ngài có ảnh hưởng đến toàn thể Giáo hội. Còn Maria thì vẫn là bâng khuân với suy nghĩ “xác Thầy đã bị đánh cắp”.
Phục Sinh của Đức Giêsu không có nghĩa là hồi sinh trở về đời sống cũ, giống như trường hợp con trai bà góa thành Na-im (Lc 7, 11-17), như con gái ông Gia-ia (Lc 8, 40-56), và đặc biệt như ông La-za-rô (Ga 11, 1-45). Cả ba trường hợp này người chết đã sống lại, nhưng đó chỉ là trở lại với đời sống cũ, và một ngày nào đó họ cũng phải theo số phận chung của loài người là phải chết một lần nữa, phải trở về với bụi đất. Họ vẫn còn nằm dưới quyền thống trị của sự chết.

Quả thật “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” (Rm 6, 4-5). Và chỉ đến khi đó, tôi mới thật sự vui mừng mà hoà chung tiếng hoan ca với mọi người: Chúa đã sống lại hiển vinh! Alleluia! Alleluia! 
Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ngài không sống lại một thời gian để rồi lại phải chết. Ngài hoàn toàn chiến thắng sự chết. Sự chết không còn làm gì được Ngài. Không định luật tự nhiên nào có thể chi phối được Ngài. Phục Sinh của Đức Giêsu đã trở nên nguồn mạch sự sống và là sự sống lại của mỗi người chúng ta. “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,24)
Niềm tin Phục sinh phải được loan báo cho muôn dâng bằng đời sống chứng nhân của các kitô hữu. Niềm tin Phục sinh phải được bày tỏ bằng một tình yêu xả thân trọn vẹn cho anh em.
Sống niềm vui Phục sinh là bằng lòng chết đi cho những đam mê của xác thịt; mai táng tính ích kỷ , tham lam, háo danh trong mộ đá, để được Phục sinh trong vinh quang với Người.
Sống niềm vui Phục Sinh là trỗi dậy sau những lần thất bại đắng cay, những mắt mát đớn đau trong cuộc đời để sống lại cùng với Đấng Phục sinh.
Cùng chết với Đức Kitô nghĩa là cùng chết đi con người cũ với những tính hư nết xấu để sống lại con người mới là con cái Thiên Chúa. Con người cũng phải chôn đi những tính xác thịt yếu đuối để từ khước những danh lợi thú mau qua. Nhất là con người cũng phải biết chết đi ý riêng của mình để ý Chúa được thục hiện trong cuộc đời chúng ta. Ý Chúa vẫn là tiếng mời gọi làm việc lành tránh điều dữ. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta sống có ích cho tha nhân qua tinh thần bác ái, dấn thân phục vụ.

Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi. Chúa Giêsu là mẫu gương của chúng ta, Chúa đã thực hiện cuộc vượt qua, đã chết và sống lại để thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi những gì gù lưng tật xấu, để trở thành của ăn nuôi sống chúng ta và biến đổi chúng ta thành con người mới được tái tạo theo hình ảnh Chúa Kitô, và chúng ta cần luôn nhìn vào Chúa Giêsu Kitô để giải thoát mình khỏi những tật xấu, để chúng ta không còn bị gù lưng tinh thần mà đứng thẳng lên sống lại cuộc sống mới với Chúa.

Huệ Minh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *