By TT. MTGXL
SUY TÔN THÁNH GIÁ
“Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tới bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời tối đi. Bức màn trong đền thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”. ( Lc 23, 44- 46)
Ngày 14 tháng 9 là một ngày lễ hơi khác thường trong lịch phụng vụ, vì Giáo hội mời gọi chúng ta tôn kính một “vật” chứ không phải một vị thánh hay một mầu nhiệm trong lịch sử cứu độ. Từ nguồn gốc, thập giá đó là hai thanh gỗ người ta đã dùng để hành quyết ĐứcGiê su và truyền thuyết cho rằng bà Hèlène, mẹ của vua Constantin đã tìm lại được ở Giêrusalem. Thập giá được tôn kính cách đặc biệt, không có Chúa Giêsu trên đó, cho thấy rằng trong niềm tin Kitô giáo thập giá đã trở thành biểu tượng sống động qua đó Thiên Chúa và con người có thể gặp gỡ, nhận biết và cùng nhau đi vào trong tương quan hiệp thông.
Xưa kia, biểu tượng là vật người ta dùng để nhận ra nhau, ví dụ như một mẩu đất sét hình trái tim được bẻ làm đôi, trao cho mỗi người một nửa, sau này khi gặp lại nhau, nếu hai phần của trái tim ráp lại ăn khớp với nhau, thì hai chủ nhân của mỗi phân nửa của hai vật làm tin ấy biết là mình đã gặp lại đúng người. Tự bản chất, phân nửa trái tim bằng đất sét ấy chẳng có ý nghĩa gì. Nó chỉ thật sự có ý nghĩa trong một mối tương quan. Theo tính chất biểu tượng nguyên thủy, thì không ai có thể sở hữu trọn vẹn vật được dùng làm tin, mà chỉ được giữ một phần. Và biểu tượng chỉ có thể mang lại một ý nghĩa nào đó khi các phần bị phân chia này được gắn kết lại với nhau.
Từ khi Đức Giêsu chết trên thập giá, hình khổ chữ thập đã trở thành vật biểu tượng của một tình yêu tuyệt đối linh thánh, nơi đó “trao ban” và “đón nhận” hòa nhịp khăng khít với nhau, và ngay lập tức hiện lên hai chữ “Cha- Con”: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”. Người ta không thể trao gửi vận mệnh mình trong tay người không yêu thương mình và mình không cảm thấy được yêu thương. Cảm nhận được điều đó trong hoàn cảnh của Đức Giêsu trên thập giá quả là điều vượt trên kinh nghiệm bình thường của con người về tình yêu. Đức Giêsu biết Cha yêu thương mình, nhưng Ngài biết Cha còn yêu thương nhân loại hơn vì họ yếu đuối, bơ vơ, lầm lạc, bị dập vùi giữa giông tố của cuộc sống hằng ngày. Tình yêu đó quá lạ lùng, nên người con trưởng trong dụ ngôn “Tình phụ tử” đã không hiểu nổi, anh buồn giận vì cảm thấy mình bị đối xử bất công. Còn Đức Giêsu thì hiểu, không những Ngài chia sẻ nỗi lòng của Cha, mà Ngài còn thông cảm với chúng ta vì cùng chia sẻ một huyết nhục, theo cách nói của thư DoThái: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi (Dt, 4, 15). Đức Giêsu không cảm thấy bị Cha đối xử bất công khi phải kết thúc sứ vụ trên thập giá. Ngược lại, chính nơi đây, Ngài khám phá tình yêu vô bờ của Cha đối với nhân loại, và điều làm cho Ngài chết cách mãn nguyện đó là đã trung thành thi hành ý muốn của Cha, đã cùng Cha bày tỏ tấm lòng phụ tử chan chứa tình thương đối với con cái loài người. Bức màn trong đền thờ đã bị xé ra, từ đây không ai còn có thể bị ngăn cản đến với Thiên Chúa. Thiên Chúa không còn là vị thần uy nghi xa lạ mà con người muốn sống thì phải giữ mình ở cách xa. Bức màn trong đền thờ là biểu tượng cho khoảng cách vời vợi giữa Thiên Chúa và con người. Bao lâu bức màn vẫn còn đó, Thiên Chúa và con người chưa gặp được nhau, thì bóng tối huyền bí vẫn bao trùm lên thân phận làm người.
Cũng vào giờ đó, theo tường thuật của Gioan, thì chính Trái Tim Đức Giêsu đã bị lưỡi đòng đâm thâu, không phải là bức màn vô tri vô giác, mà là trái tim bằng máu bằng thịt, biết rung động, biết cảm thương, đã bị xé ra. Bức màn mở ra chưa đủ, cần phải có người đưa chúng ta vào tận cung lòng của Thiên Chúa. Đó chính là Thầy Giêsu và cũng là con đường Giêsu. Cũng chính vì thế, từ ngay trong Đền thờ của những người tin thờ Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu, thập giá đã thay thế vị trí bức màn lạnh lùng xa cách. Thập giá được suy tôn như bằng chứng của tình yêu, mà tình yêu thì muốn gần gũi, muốn gặp gỡ, muốn trao ban, muốn nên một trong nhau.
Suy tôn thập giá Chúa Giêsu là đón nhận sứ điệp từ Thập giá và biến thành lẽ sống của chính mình. Thật là phi lý khi người ta suy tôn một vật mà vật đó không có ý nghĩa gì đối với bản thân, như vậy chẳng khác gì thờ ngẫu tượng. Thập giá được đặt uy nghi giữa cung thánh Nhà thờ, nhưng chưa chắc đã có được một vị trí tương xứng trong tâm hồn chúng ta nếu xung quanh ta vẫn còn những bức màn vô hình ngăn cách, khiến chúng ta cảm thấy lạnh nhạt, hờ hững khi gặp nhau, thậm chí cuộc sống chung chẳng đem lại cho ta niềm vui mà chỉ thấy rắc rối phiền hà. Thập giá là một biểu tượng được chia làm hai phần, và không ai là sở hữu cả hai phần đó. Thiên Chúa giữ một phần đó là thanh dọc, diễn tả tương quan giữa Ngài với chúng ta và giữa chúng ta với Ngài. Con người giữ một phần đó là thanh ngang diễn tả mối tương quan giữa mỗi người với đồng loại. Đức Giêsu đã sống trọn vẹn mối tương quan hai chiều này khi hai thanh gỗ được đặt lên nhau thì hoàn toàn hòa hợp với nhau, và qua đó mối tương quan Cha- Con đã được bày tỏ cách đầy đủ trọn vẹn. Mỗi người chúng ta đều đang nắm giữ một phần của biểu tượng thập giá. Phần của chúng ta có ăn khớp với thập giá Chúa Giêsu hay không là tùy theo cách chúng ta sống với Chúa và với anh chị em mình. Thập giá là biểu tượng của tình yêu, chỉ khi chúng ta tập sống yêu thương, vượt qua chính mình để yêu thương thì mới cảm nghiệm được thế nào là “Suy tôn Thánh giá” trong tinh thần và trong chân lý.
Sr Anna Trần Thị Nguyệt
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa nhật 25 thường niên B
ĐƯỢC GIƯƠNG CAO NHƯ VẬY – Ga 3,13-17 Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14.9.2024
ĐỐI THOẠI – Ngày thứ 9 Tuần Cửu Nhật Lễ Suy Tôn Thánh Giá 13.9.2024
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA Chúa nhật 24 Thường niên B