By TT. MTGXL
Thứ Sáu, 21.10.2022
TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Lc 12,54-59 NHẬN BIẾT THỜI ĐIỀM
Người Do thái được coi là thích tìm kiếm dấu lạ. Thánh Phaolô đã từng viết : “Phải, trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22). Không nên cho đó là một thái độ tiêu cực. Đúng hơn phải coi đó là nét đặc trưng của một dân tộc sở hữu lời hứa của Thiên Chúa với tổ phụ Abraham. Họ chăm chú truy tầm các dấu lạ tương hợp với lời loan báo của các ngôn sứ.
Trải qua dòng lịch sử, dân Do thái có kinh nghiệm về cách Thiên Chúa hành động để thực hiện lời Ngài đã hứa. Thiên Chúa có thể sai bất kỳ ai đến với dân, vào thời điểm Ngài muốn và với những ai được xét là công chính theo luật Môsê. Chính điều đó nuôi dưỡng niềm hy vọng của dân và là một niềm hy vọng rất nóng bỏng vì Chúa có thể ra tay bất kỳ lúc nào. Họ đã từng đặt câu hỏi về Gioan Tẩy Giả và về Chúa Giêsu : phải chăng một trong hai vị là Đấng Kitô?
Một thái độ như vậy có thể nói là cởi mở. Tiếc thay! Vì một định kiến về hình ảnh Đấng Kitô và một truyền thống cố hữu mà họ càng ngày càng xung khắc với Chúa Giêsu, muốn loại trừ Ngài bằng mọi cách. Hệ quy chiếu của họ là kinh nghiệm quá khứ, nó chỉ đúng phần nào với định luật tự nhiên như dự báo thời tiết. Còn Tin Mừng Nước Thiên Chúa – dù đã được báo trước, được mong chờ – vẫn luôn là một thực tại mới mẻ, đòi hỏi ta phải mở rộng quan điểm mới có thể nhận ra. Nói theo ngôn ngữ Phúc Âm, cần phải hoán cải để có một tâm thái thích hợp với Tin Mừng. Nói theo ngôn ngữ xã hội, cần phải canh tân để kịp sánh bước cùng tương lai. Thực tại Nước Thiên Chúa đang đến, là lời hứa đang thành hiện thực. Đó là những gì ở phía trước chứ không phải ở phía sau. Câu chuyện của Chúa Giêsu đúng là tình cảnh “rượu mới bầu da cũ”, khiến cho “rượu đổ bầu da hư”. Người Do thái đã đánh mất quãng thời gian ân phúc Chúa Giêsu ở giữa họ.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thập giá, mời bạn suy gẫm :
- Có những định kiến làm cho chúng ta xa cách nhau. Nó dập tắt ân ban của Thần khí nơi những người ta đã từng có phúc được ở gần, đã từng âm thầm hay công khai ngưỡng mộ : trong gia đình, trong cộng đoàn, trong lớp học, trong giáo xứ,… Thật đáng tiếc!
- Cơ hội để giải tỏa những định kiến ngăn cách chỉ ngắn bằng một đoạn đường đi chung. Thật vậy, hoàn cảnh cuộc sống cho ta đồng hành với ai đó trên một quảng đường nhưng chẳng biết được bao lâu. Biết rằng đời người như gió thoảng mây trôi, vậy mà ta đã bỏ qua không ít cơ hội xích lại gần nhau để rồi mãi mãi chôn sâu niềm hối tiếc tận đáy lòng.
- Thập giá, biểu tượng của giao hòa, cho ta sự khôn ngoan và sức mạnh vượt ra khỏi những định kiến kiềm tỏa bản thân để đón nhận người khác, mở ra cho nhau một con đường tiến về phía trước, ở đó chắc hẳn còn nhiều niềm vui mới lạ đang chờ đợi ta.
Anna Trần Nguyệt
MTGXL
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: Vui Học Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng C
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Khối Thiếu Nhi Tháng 12.2024
RIP Tháng 12.2024
Bảo vệ: THÔNG TIN Tháng 12.2024