NGƯỜI THÂN CẬN Mt 22,34-40- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 25.8.2023

By TT. MTGXL

NGƯỜI THÂN CẬN Mt 22,34-40

Thứ Sáu 25.8.2023

Tuần XX Thường Niên A

Cả ba Tin mừng Nhất lãm đều khẳng định ý đồ của người thông luật khi đặt câu hỏi cho Chúa Giêsu là để thử Người. Ông ta thuộc nhóm Pharisêu. Nhóm này hy vọng có thể làm khó Chúa Giêsu chứ không chịu để Ngài làm cho “câm miệng” như nhóm Sađoc. Thực sự thì kết thúc câu chuyện họ cũng đành im lặng vì câu trả lời quá hay khiến họ phải nể phục. Sự im lặng đó mang tính cố chấp, khác với thái độ thán phục của người thông luật trong Tin mừng Maccô (12,28-34) và sự chống chế của nhân vật này trong Tin mừng Luca (10,25-37).

Xét về mặt chữ thì giữa Chúa Giêsu và nhóm Pharisêu không có sự bất đồng về giới răn trọng nhất, đó là kính mến Thiên Chúa và  yêu người thân cận. Họ cũng không có gì phải tranh luận với Chúa Giêsu về Thiên Chúa, nhưng quan điểm của họ về người thân cận thì khác với Ngài.

Đối với người Do thái, người thân cận phải là người đồng chủng, và trong số đồng chủng này họ còn loại trừ “quân thu thuế và phường tội lỗi”. Sự kỳ thị thực chất là nỗi lo sợ của những loại quyền lực bấp bênh. Lịch sử trớ trêu thay: chẳng bao lâu sau Giêrusalem sụp đổ, Israel trở thành đối tượng của các chủ nghĩa bài Do thái cho đến ngày nay.

Còn Chúa Giêsu, Ngài công nhận giá trị con người không phân biệt họ thuộc dòng tộc nào; Ngài đánh giá cao đức tin của viên bách quản ngoại giáo, sự kiên trì của bà mẹ xứ Canaan, tình đồng loại của người Samaria nhân hậu. Nhóm Pharisêu cũng như nhóm Sađoc không thể phản bác Chúa Giêsu nhưng họ không thích Ngài vì Ngài luôn làm cho lương tâm họ bị chất vấn. Họ tìm cách giết Ngài.

Nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh, mời bạn suy gẫm :

  1. Đấng đang chịu treo trên thập giá kia có một đôi tay rất rộng, một tấm lòng rất bao dung. Có lẽ tôi nên một lần ướm đôi tay, ướm trái tim minh vào đó để biết nó nhỏ bé, chật hẹp làm sao.
  2. Con Thiên Chúa nhập thể mang thân phận người giống chúng ta về mọi phương diện “ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15). Chúa Giêsu sống hoà đồng với mọi người trong đó có tôi. Nếu tôi trong kiếp người tội lỗi này mà còn tự phân biệt với người khác vì một ưu thế tạm bợ nào đó thì e rằng tôi đã không biết mình rồi.
  3. Chính vì đón nhận thành phần dị chủng và bị loại trừ mà Chúa Giêsu phải chịu kết cuộc là khổ hình thập giá. Ngài thật sự đã chết vì sự loại trừ của đồng bào mình; chết dưới hình phạt kỳ thị chủng tộc của người Rôma; chết giữa hai người tội lỗi; thi hài được chăm sóc bởi một phụ nữ tai tiếng bất hảo. Tôi có nhìn nhận một Giêsu như thế là thân cận của tôi và tôi là thân cận của Ngài không? Thực hành trong cuộc sống sẽ như thế nào?

Anna Trần Nguyệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *