By TT. MTGXL
NGHĨ CHUYỆN SỐNG CHẾT – Lc 12,1-7
Thứ Sáu, 20.10.2023. Tuần XXVIII Thường Niên A
Trong khi đám đông tụ họp hàng vạn người đến nỗi giẫm lên nhau (câu 1) thì tác giả Tin Mừng lại đưa vào hai chi tiết lạ : một là Chúa Giêsu không nói với đám đông mà nói với các môn đệ; hai là Chúa Giêsu không nói gì liên quan tới đám đông mà lại nói về những gì các môn đệ phải “coi chừng”, phải “sợ”. Dường như đám đông ở đó chỉ để minh họa cho sự thành công của Chúa Giêsu. Và chính điều đó làm cho nhóm Pharisêu khổ sở, buồn bực. Bề ngoài họ cố giữ sự bình thường giả tạo để che giấu ý đồ loại trừ Chúa Giêsu mà chưa có cách thực hiện. Chúa Giêsu không hề lầm về mối đe dọa đó. Linh cảm bao giờ cũng đúng hơn những gì diễn ra trước mắt.
Khi thánh Luca kể câu chuyện này thì các môn đệ đã biết số phận dành cho Chúa Giêsu rồi, còn họ thì đang ở trong hoàn cảnh tương tự. Họ cần phải nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói và cách Ngài đối diện với cái chết để vượt qua nỗi sợ mà trung thành với sứ vụ.
Ai cũng biết mình sẽ phải chết nhưng không biết khi nào và cách nào. Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta vượt qua cả nỗi sợ về một cái chết bị người ta làm khổ nhục như Chúa Giêsu. Chỉ có một cái chết đáng sợ là cái chết hủy diệt đời đời.
Người môn đệ hiến thân vì Tin Mừng được Chúa Giêsu bảo đảm rằng chuyện sinh tử của họ là điều quý giá đối với Chúa. Nói như vậy không có nghĩa là sự sống chết của họ đã được định đoạt, mà bởi vì họ có thể phó thác mối bận tâm tự nhiên về chuyện sinh tử cho Chúa.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu chết trên Thập giá, mời bạn suy gẫm:
- Đời tu tạo nên một hoàn cảnh sống tương đối an toàn nhưng chúng ta vẫn bị vây hãm bởi nhiều nỗi lo sợ. Nếu nguyên nhân đến từ “những kẻ chỉ giết được thân xác mà không làm gì hơn được nữa” thì Chúa Giêsu bảo: “Đừng sợ!”. Đó thật sự là một lời giải thoát mà chúng ta đang cần.
- Mang thân phận người không dễ gì được chết như mình mong muốn. Có biết bao quân nhân muốn chết oanh liệt trên chiến trường nhưng cuối cùng lại chết mỏi mòn trong nhà giam; có biết bao linh mục tu sĩ mơ được “chết dưới chân bàn thờ”, nghĩa là vào lúc đẹp nhất của đời dâng hiến, nhưng cuối cùng lại chết thảm sầu trên giường bệnh.
- Không phải ai cũng có phúc chết vì Tin Mừng. Phúc đó không đến cách tình cờ mà là hoa trái của một đời sống vì Tin Mừng.
Anna Trần Nguyệt
Tin cùng chuyên mục:
ĐƯỢC GIƯƠNG CAO NHƯ VẬY – Ga 3,13-17 Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14.9.2024
ĐỐI THOẠI – Ngày thứ 9 Tuần Cửu Nhật Lễ Suy Tôn Thánh Giá 13.9.2024
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA Chúa nhật 24 Thường niên B
BẺ BÁNH CUỘC ĐỜI – Ngày thứ 8 Tuần Cửu Nhật Lễ Suy Tôn Thánh Giá 12.9.2024