By TT. MTGXL
Thứ Sáu, 30.6.2023
TUẦN XII THƯỜNG NIÊN
Mt 8,1-4 NẾU NGÀI MUỐN
Thật vui cho người bị bệnh phong được chữa lành. Có vẻ như mọi việc diễn ra rất nhanh. Thực tế thì anh ta đã chịu đựng không biết từ bao lâu rồi sự hành hạ của bệnh tật, vừa đau đớn thể xác vừa bị cô lập với cộng đồng. Việc người bị bệnh phong tiếp cận được với Chúa Giêsu trong khi đám đông lũ lượt đi theo Ngài thể hiện một sự mong muốn mãnh liệt đến mức liều lĩnh; tư thế bái lạy cho thấy sự thành kính, và lời thỉnh cầu thì thật là đẹp : “Nếu Ngài muốn, …” Chúa Giêsu đáp lại rất rõ ràng: “Ta muốn”. Lòng thương xót của Chúa và thái độ khẩn cầu phó thác của người được chữa lành tạo nên một bức tranh vô cùng hoàn hảo, xứng muôn lời ca tụng.
Thế mà, trong một hoàn cảnh có thể nói là tương tự, thậm chí còn cùng cực hơn, chính Chúa Giêsu là người quỳ gối thỉnh cầu: “Lạy Cha, nếu có thể được, …” Và chúng ta đã biết đáp lại chỉ có sự thinh lặng. Chúa Giêsu chấp nhận cuộc khổ nạn, trong tiếng kêu cô đơn thống thiết: “Cha ơi, nhân sao Cha bỏ con ?”
Tại sao người bị bệnh phong được nhậm lời, còn Chúa Giêsu thì không? Không ai có thể nói là lời cầu nguyện của người kia đẹp lòng Chúa hơn, đức tin của anh mạnh hơn, hay anh ấy xứng đáng hơn. So với Chúa Giêsu, anh ta thật sự không có gì. Anh ta được chữa lành là bởi vì Chúa thương xót anh mà thôi. Dù vậy chúng ta vẫn không thoát được câu hỏi: “Vì sao Chúa Cha lại muốn Chúa Giêsu chịu khổ như vậy?”.
Vì một lý do nào đó mà những người được Chúa yêu thương không được Ngài đối xử như mong đợi: Môsê không được vào đất hứa, David không được xây Đền thờ, Chúa Giêsu không được chết trong thành Giêrusalem.
Được phúc nhanh chóng ở đời này có thể là dấu hiệu của một sự yếu đuối mà Thiên Chúa biết là không thể thử thách hơn. Thông thường thì người ta mong muốn được giải thoát nhanh khỏi nghịch cảnh, có khi chưa có đủ thời gian để thông cảm hoặc thích ứng. Chúa Giêsu thấu hiểu sự yếu đuối của con người. Nhưng chính Ngài thì Chúa Cha muốn trao một sứ vụ đòi hỏi kiên trung hơn.
Hình dung tình cảnh của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu với tình cảnh của người bệnh phong trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có nhiều điều phải suy gẫm:
1. Cuộc sống nào cũng có nghịch cảnh. Đối với Chúa Giêsu là sự xung đột với nhà cầm quyền; đối với người được chữa lành là bệnh tật của anh ta. Được giải thoát nhanh khỏi nghịch cảnh là điều ta mong muốn nhưng chưa hẳn là điều đẹp ý Chúa.
2. Có những nghịch cảnh buộc ta phải sống trong sự phó thác, kiên trung; là một cuộc chiến âm thầm, can trường, không có hào quang. Hội thánh luôn có kinh nghiệm về sức mạnh của thành phần tín hữu này.
3. Có những người được mời gọi sống chứng nhân đức tin một cách kiên trì hơn. Mầu nhiệm Thập giá có giúp ta nhận ra và kính trọng những ơn gọi như vậy trong cộng đoàn không?
Anna Trần Nguyệt
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024