MẦU NHIỆM TÌNH YÊU THẬP GIÁ

By TT.MTGXL

Trải qua bao nhiêu thế hệ, con người vẫn chưa hiểu được ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm thập giá, bởi lẽ quan niệm về một Thiên Chúa như là những thần minh oai hùng và đáng khiếp sợ vẫn còn ăn sâu trong đầu óc của con người, khiến con người khó có thể xóa được những quan niệm lệch lạc về Thiên Chúa. Khi nói đến Thiên Chúa, thường người ta nghĩ ngay đến hai khuôn mặt.

– Một Thiên Chúa công minh, phán xét, nghiêm phạt kẻ có tội, và

– Một Thiên Chúa luôn đầy tình ái và giàu lòng từ bi đối với những tội nhân.

Có lẽ phần đông trong chúng ta đều phác họa một Thiên Chúa nghiêm phạt hơn là giàu lòng từ ái, và vì thế chúng ta giữ đạo vì sợ hơn là vì yêu. Nhưng Thiên Chúa chúng ta không mang một bộ mặt nghiêm khắc như chúng ta nghĩ. Tác giả Carlo Caretto khi nói về điểm này đã viết: “Những ai đã từng phác họa về một Thiên Chúa nghiêm phạt thì hãy hủy bỏ bức họa đó đi và hãy quì gối xuống xin một sự tha thứ vì đã gán cho Thiên Chúa một sự trả thù”.

Chúng ta đã lấy cảm nghĩ của con người mà gán cho Thiên Chúa nên thường cho rằng Thiên Chúa cũng muốn oán phạt  những tội nhân vì họ đã xúc phạm đến quyền uy của mình.

Không, Thiên Chúa của chúng ta không như thế. Ngài không mang một khuôn mặt nghiêm nghị và đáng sợ nhưng là một khuôn mặt từ ái và đáng yêu.

Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa hoàn toàn khác biệt với các thần minh, đã trở nên một người bạn của con người, để chia sẻ với con người tất cả những bất hạnh, khổ đau và ngay cả cái chết nhục hình trên thập giá.

Thiên Chúa chúng ta là một Thiên Chúa đã bị đóng đinh, bằng một giọng từ ái đã nói với người trộm lành cùng chịu đóng đinh với Ngài: “Hôm nay ngươi sẽ ở cùng Ta trên nước trời”. Thiên Chúa đã rộng lượng tha thứ cho người trộm lành trong khi con người vẫn tiếp tục lên án và đóng đinh anh ta. Tại sao thế? Bỡi lẽ bản tính con người vốn thường thích lên án hơn là tha thứ trong khi vẫn muốn cho mình một sự tha thứ hơn là lên án, vì trong con người vẫn còn mang đầy bản tính ghen tương và ích kỷ. Đó chính là nguyên  nhân sâu xa đã gây ra bao hận thù, chiến tranh và chết chóc.

Thiên Chúa thì hoàn toàn khác biệt. Ngài đã không dùng cách thế của con người để đối xử với con người. Hãy xem dụ ngôn người con hoang đàng. Cung cách của người cha hiền đối xử với người con hoang đó khác xa cung cách của người anh cả. Người anh cả đầy lòng ghen tương và bực tức trong khi người cha hiền luôn rộng lượng, yêu thương và tha thứ. Chính lòng rộng lượng và từ ái đó đã cảm hóa được con tim chai đá và nối kết lại mối tình phụ tử đã một lần ly biệt. Hãy thử tưởng tượng: nếu người cha thiếu lòng từ ái, nổi trận lôi đình, nguyền rủa và đánh đuổi, có lẽ người con hoang đó sẽ mãi mãi ra đi, mang theo mối hận suốt đời và chắc chắn sẽ không bao giờ muốn trở lại nhìn mặt cha già lần cuối nữa.

Đó là sự khác biệt giữa Thiên Chúa và con người. Con người nghĩ rằng để bảo vệ xã hội có trật tự, để bảo vệ tự do hạnh phúc của con người, người ta cần phải lập ra rất nhiều luật pháp và sẽ trừng trị khắt khe những kẻ phạm luật. Nhưng đối với Thiên chúa không có một giới luật nào khác ngoại trừ giới luật Tình Yêu.

Thời Cựu Ước ,Thiên Chúa ban mười giới răn, nhưng đến thời Tân Ước, chỉ còn một giới luật duy nhất, đó là giới luật Tình Yêu. Tại sao? Vì lẽ, luật là vì con người chứ không phải con người vì luật. Và tại sao lại cần phải dùng đến những hình phạt khắt khe trong khi tất cả những chiến tranh, hiểm họa, tai ương,  khổ đau, chết chóc… đã là những hình phạt ghê rợn trên con người ?

Bạn chưa bao giờ nhìn thấy nỗi buồn vời vợi nơi khóe mắt của một tội nhân sao? Chính khi con người phạm tội, tự họ, họ muốn chạy trốn khỏi cái nhìn của Thiên Chúa, lương tâm họ sợ sệt bất an, đồng thời họ cũng muốn xa lìa khỏi con mắt của những người đồng bạn. Đó không phải là một hình phạt nặng nề hay sao? Đó không phải là án phạt hỏa ngục mà họ đã phải lãnh lấy ngay khi còn ở đời nầy sao? Và như thế, hỏa ngục không là hình phạt đến từ Thiên Chúa mà đến từ con người, vì hỏa ngục là gì nếu không phải là sự vắng mặt của Thiên Chúa ?

Nhưng con người vẫn chưa hiểu được cách thế mà Thiên Chúa yêu thương cũng như cách thế biểu lộ tình yêu của Ngài qua những đau khổ mà Ngài đã để cho con người phải gánh lấy. Đó vẫn còn là một mầu nhiệm của tình yêu thập giá trải qua các thời đại.

Thật vậy, tình yêu cao quí nào cũng đòi có sự hy sinh và rướm máu. Chính giá máu đó là biểu tượng của một tình yêu trung thành và chân thật. Vì thế, Thiên Chúa đã không chọn con đường nào khác để biểu lộ tình yêu của Ngài cho con người ngoài con đường đau khổ và tử nạn trên thập giá. Và Ngài cũng muốn con người dùng chính con đường đó để đáp lại tình yêu của Ngài cũng như để biểu lộ tình yêu của con người cho nhau. Vì chỉ trong đau khổ, con người mới có thể hiểu được thế nào là một tình yêu chân thực và cao cả. Cũng chỉ trong đau khổ con người mới nhận ra được đâu là thân phận thực sự yếu hèn của con người và nhu cầu thiết yếu cần đến tình yêu Thiên Chúa. Đó chính là lý do tại sao Thiên Chúa vẫn còn để con người gặp phải những gian lao và thử thách.

Chính vì thế, Kitô giáo không chủ trương diệt khổ cũng không cung cấp cho chúng ta thuốc để chống đau khổ mà là cho chúng ta cái nhận thức đứng trước đau khổ. Phúc âm không hứa hẹn chúng ta sẽ không đau khổ. Nhưng phúc âm nói rất rõ ràng rằng chúng ta phải mất mạng sống, vác thập giá mình đi theo Chúa. Tất cả những tôn giáo khác hoặc cố gắng tránh đau khổ, hoặc làm cho con người không còn cảm giác khổ đau nữa. Còn chúng ta, chúng ta tin rằng đau khổ có mục đích và cũng có ý nghĩa và giá trị của nó.

Người ta có thể lớn lên chua chát cuộc đời vì quá đau khổ. Nhưng người ta cũng có thể trở nên cao đẹp hơn và trưởng thành hơn từ trong đau khổ. Thật vậy, chính đau khổ đã giúp con người biết cảm thông, hiền hòa, chịu đựng, chấp nhận, tha thứ và cởi mở hơn đối với những người chung quanh. Chính ở điểm nầy, chúng ta thấy được hoa quả của mầu nhiệm khổ đau của Tình Yêu Thập Giá.

Đức Kitô khi bị treo trên thập giá, đã mang lại cho con người ý nghĩa đích thật của mầu nhiệm đau khổ. Cũng từ đó, đau khổ không còn phải là một hình phạt rùng rợn cho con người nữa mà là một phương tiện để tôi luyện con người, để giúp con người trưởng thành hơn trong cuộc sống, cũng như để nhắc nhớ con người luôn biết hướng về quê hương đích thật của chúng ta là nước trời, nơi đó sẽ không còn khổ đau và nước mắt nữa. Nhờ thế, trong thời gian qua đã có hàng triệu triệu người đơn sơ nghèo hèn đã tìm được sức mạnh để chịu đựng được những đau khổ lớn lao ngay cả cái chết gần kề, chính là nhờ sức mạnh cao cả của Tình Yêu Thập Giá.

Phúc âm cũng đã minh chứng: đứng trước đau khổ, đứng trước thập giá, những người ngoại giáo, những người không có niềm tin đã nói: Nếu Ông là Con Thiên Chúa hãy xuống khỏi cây thập giá. Còn Thiên Chúa thì nói: Vì Tôi là Con Thiên Chúa, nên Tôi ở lại trên cây thập giá. Đó chính là sự khác biệt giữa những người tin và những người không tin vào giá trị của mầu nhiệm Tình Yêu Thập Giá.

Thiên Chúa đã chết cho con người và bây giờ đến lượt con người cũng hãy học chết đi cho Thiên Chúa. Bằng cái chết mỗi ngày cho chính mình, con người mới hiểu được sự cao đẹp của mầu nhiệm Thập Giá. Chỉ khi nào con người dám chết đi cho tình yêu, con người mới có thể cảm nghiệm được ý nghĩa cao sâu của Mầu Nhiệm Tình Yêu Thập Giá.

Lm. Lê Văn Quảng

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *