Mầu Nhiệm Thập Giá

By TT.MTGXL

Vào năm 856, các nhà khảo cổ đã thực hiện một cuộc khám phá đầy thú vị ở Balatin tại thành phố Roma. Khi đào bới những lớp đất bao phủ một trại lính cổ, trên bức vách một bức tường, họ nhìn thấy một cây thập giá được một người lính nào đó dùng đinh hay mũi dao khắc vụng về vào tường. Bên cạnh là hình một chàng thanh niên giơ tay chào kính cây thánh giá. Trên cây thánh giá có vẽ hình một người nhưng đầu người ấy lại là hình một con lừa. Dưới hai hình vẽ người ta thấy có viết một hàng chữ: “Alex Saminốt thờ lạy Chúa của hắn”. Các nhà khảo cổ cho rằng có thể bức vẽ đã được thực hiện vào những năm 123-126. Nhưng nếu sự chuẩn đoán về niên hiệu này là đúng thì đây có lẽ là hình vẽ thánh giá cổ nhất, nhưng lại là hình vẽ thánh giá bị nhạo báng chê cười: “Nếu Thiên Chúa đã chết trên thập giá, thì đây là hành động yếu hèn khờ dại như hành động của một con lừa và cả những người thờ lạy Thiên Chúa trên thập giá cũng thế”.

    Vào năm 1870, các nhà khảo cổ học lại tìm được câu trả lời mà họ nghĩ là của chàng thanh niên có niềm tin Kitô giáo mang tên là Alex Saminốt. Ở một trụ bằng đá dựng hình “thần Marc” tức là vị “thần chiến tranh”, người ta thấy được khắc vào đó dòng chữ: “Alex Saminốt vẫn vững tin”.

   Hình ảnh Thiên Chúa chết treo trên thập giá là một hình ảnh khủng khiếp yếu đuối dại khờ, nhưng thánh Phaolô đã biện hộ cho hành động có thể được gọi là điên rồ của Thiên Chúa như sau: “Tiếng nói của thập giá đối với những kẻ hư hỏng là điên dại, còn đối với những người được cứu rỗi thì là sức mạnh của Thiên Chúa”.

   Thật vậy, người Do Thái đòi hỏi phép lạ, người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan còn chúng tôi thì giảng về Đức Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Người Do Thái cho đó là điều xấu xa, còn các người ngoại giáo cho là dại dột. Xong đối với kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn thì Đức Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

     Một Đấng bị đóng đinh cùng với hai tên trộm, hòa với bao tiếng chửi rủa la ó của đám đông lại là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, quả là nghịch lý đối với sự hiểu biết của loài người! Nơi Thập giá đó, cũng tiềm tàng bao sức mạnh cho mỗi người tìm đến khi gặp những sự đau khổ thất bại, nhục nhã trong cuộc sống, quả là khó hiểu!, chúng ta cùng suy nghĩ về Thập giá của Chúa Kitô, thập giá của hai tên trộm cùng bị đóng đinh với Ngài và suy nghĩ lại thập giá của chính mình trong cuộc sống. Trên đồi Golgotha năm ấy không phải chỉ có bóng của một cây thập giá duy nhất, vậy đâu là thập giá và đâu là thánh giá? Thánh giá nào mang ý nghĩa cứu chuộc và thập giá nào đè bẹp con người xuống dưới sức nặng của thanh gỗ vô tri? Tôi đang vác thánh giá hay thập giá? Trên thập giá tôi đang vác đó có hình bóng của Con Một Thiên Chúa hay không?

       Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin giúp chúng con hiểu được Mầu Nhiệm Thập Giá mà chúng con chỉ thích chiêm ngắm hơn là dơ tay đón nhận, xin giúp chúng con biết sống Mầu Nhiệm Thập Giá mỗi ngày trong mỗi biến cố lớn nhỏ, buồn vui cuộc sống.

Lạy Chúa, có biết bao câu hỏi mà không có câu trả lời: “Tại sao người thất bại lại là tôi?”, “Là tôi, tại sao là tôi mà không phải là chị hay là một ai khác?” Tại sao? Tại sao? Xin giúp chúng con như Alex Saminốt xưa dám mạnh dạn tuyên xưng “tôi vẫn vững tin” trước những vấn nạn, đau thương, thất bại trong cuộc sống. Tôi vẫn vững tin vào tình thương của Thiên Chúa, tôi vẫn vững tin vào Mầu Nhiệm Thập Giá. Lạy Cha, con vẫn luôn vững tin vào Cha. Amen

Tập Viện MTGXL

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *