By TT. MTGXL
Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện’ (Ga 14: 8)
Quý Cha và quý Tu sĩ thân mến,
Trong suy lý và trong thực tế, ngay cả trước những vấn đề hệ trọng của cuộc sống, vẫn còn đó những ‘khoảng trống’… Ai có thể lấp đầy, ai có thể bắc cầu nối qua hai bờ?
Trong mục vụ, chúng ta từng gặp những nghi vấn đức Tin qua các trào lưu hiện đại, đặc biệt là thuyết tiến hóa. Chúng ta hãy một lần suy tư cẩn thận trên vấn đề, cân nhắc thật khách quan và tìm giải đáp.
Chín năm sau khi phát hành tác phẩm của của C.R. Darwin về sự tiến hóa các chủng loại, một vị Thánh cùng thời với tác giả, Thánh John Henry Newman đã nhận định:
‘Lý thuyết của Darwin không làm tôi lo sợ… Tôi nghĩ nó có nghĩa là cuộc tạo dựng bị từ chối vì chính Đấng Tạo Hóa đã hàng triệu năm qua ban các quy luật cho vật chất… Thuyết của Darwin như vậy không hẳn là vô thần, nó có thể đúng hay không, đơn giản là nó có thể gợi lên ý tưởng mạnh hơn về sự toàn tri và toàn năng của Thiên Chúa… Trong bước đầu quan sát, tôi không nhận thấy ‘sự tiến hóa ngẫu nhiên nơi các sinh vật không tương hợp với ý định của Thiên Chúa. Nó ngẫu nhiên đối với chúng ta chứ không phải đối với Thiên Chúa’{C}{C}{C}{C}{C}{C}{C}[1]
Một
Vẫn còn đó những ‘khoảng trống…’[2]
Những khám phá của khoa khảo cổ chỉ đủ lập ra niên đại những trầm tích hóa thạch làm căn cứ nhận định về tính phức tạp (complexification) và sự phân ngành (diversification) tiệm tiến của các dạng (formes) trong toàn thể hai lãnh vực động vật và thực vật. Ngành phôi thai học, ngành giải phẫu so sánh và ngành sinh học phân tử góp thêm ánh sáng. Thực tại tiến hóa bao hàm cả sự xuất hiện loài người. Những trầm tích hóa thạch hóa học đầu tiên cùng niên đại với những trầm tích đá cổ xưa khoảng ba tỷ rưỡi năm.
Các lý thuyết giải thích sự tiến hóa rất phân tán. Không có lý thuyết nào đem lại giải đáp đủ tính khoa học thuyết phục. Thuyết Tân-Darwin ảnh hưởng một thời nhưng nay những nghi vấn càng gia tăng. Thực ra tổ phụ thuyết tiến hóa không phải là Darwin (1809-1882) nhưng là Lamarck (1744-1829). Lamarck đã khởi thảo lý thuyết từ năm 1802, lần đầu tiên đề cập sự liên tục, sự phân ngành và tính phức tạp của các loại (espèces) động vật trong tiến triển từng bước tự nhiên, được quan sát và được hiểu trong liên hệ ‘họ hàng’ mà loại phức tạp nhất xuất tự loại đơn giản nhất. Tuy nhiên, lối giải thích cơ học về tiến hóa không được minh chứng bằng thực nghiệm này, được phát biểu trên hai định luật: Tất cả động vật khi sử dụng một cơ quan sẽ củng cố, thuận theo thời gian sử dụng, trong khi một bộ phận không sử dụng sẽ suy vong. Tiếp theo tính chất được thủ đắc sẽ chuyển tải di truyền, và đây là nhược điểm của Lamarck.
C.R. Darwin và A.R. Wallace (1823-1913) vào năm 1858, phát biểu tính chất lựa chọn tự nhiên. Thuyến này chịu ảnh hưởng Th. R. Malthus (1766-1834) và A. Weismann (1834-1914), phân biệt giao tử chứa đựng gia tài di truyền với thể sẽ mai một không ảnh hưởng gì trên di truyền. Sự phân biệt này củng cố lý thuyết của Lamarck. Hình thành trong khoảng từ năm 1930-1950, một lý thuyết tổng hợp nối kết vào nguyên lý Darwin luật di truyền của G. Mendel (1822-1884) và lý thuyết đột biến của Hugo de Vries (1848-1935). Thuyết Tân-Darwin này kết hợp lại lâu dài những nhà sinh học. Dầu vậy, điều ghi nhận cơ bản, theo P.P. Grassé, thuyết Darwin, trong tổng hợp nào chăng nữa, cũng không thể giải thích được sự tiến hóa lớn, liên quan sự sắp đặt, sự phân ngành của từng giống loại và của toàn bộ tiến trình. Ngay trong bình diện sự hình thành các loại, người ta mới đưa ra được các giả thuyết mà thôi và tới nay, chưa có được những minh chứng thực nghiệm chung cuộc.
Hai
Sự xuất hiện của người, vẫn còn đó những ‘khoảng trống…’
Khảo cổ về những loại linh trưởng chính cho thấy sự xuất hiện đột ngột tiệm tiến những loại từng bước tiếp cận người hiện đại, theo tiến trình tự nhiên của sự tiến hóa các động vật. Những người tiền sử (homoniens) khác biệt rõ rệt những loại linh trưởng nhân hình đã xuất hiện khoảng năm triệu năm trước, tại Đông-Phi và Úc. Những trầm tích hóa thạch cổ nhóm Australopithèque thuộc dạng Gracilis. Dạng Robustus đã xuất hiện khoảng 500 ngàn năm và biến mất khoảng 200 ngàn năm. Nhũng người tiền sử bước đi trên hai chân, thẳng đứng, nhưng vẫn chưa phải thuộc loại Homo. Những người cận sử (hominidés) gần loại Homo hơn xuất hiện tại Đông-Phi dưới dạng Homo habilis (những trầm tích hóa thạch gần 500 ngàn năm đến khoảng 300 ngàn năm), biết tạo dụng cụ bằng đá. Kế đó xuất hiện Homo erectus (khoảng 300 ngàn năm), từ Đông-Phi di cư sang Á châu (đặc biệt tại Java và Trung Hoa), sau đó sang Âu châu. Cuộc khai quật tại Java năm 1886 phát hiện Homo erectus, mệnh danh là ‘Pithécanthrope’, biết dùng lửa (những dấu tích chắc chắn khám phá gần Bắc Kinh niên đại 500 ngàn năm). Sau đó xuất hiện, phải chăng do biến đổi tiệm tiến, loài Homo sapiens néandertalensis, với hộp sọ lớn 1.500 cm3 thuộc niên đại 200 ngàn năm (khám phá chủ yếu tại Đông-Âu và Trung-Đông), biết chôn cất những người chết cùng với những cử chỉ biểu tượng tôn giáo.
Homo sapiens néandertalensis biến mất đã 35 ngàn năm nhường chỗ cho Homo sapiens sapiens hay ‘Người Cro-Magnon’, loại người hiện tại của chúng ta. Tổ tiên trực tiếp của chúng ta xuất phát tự Đông-Phi, di cư qua Palestine với những di tích thuộc niên đại 100 ngàn năm, và sang Âu châu đã 35 ngàn năm, cũng là thời điểm biến mất của Homo sapiens néandertalensis. Hai loại dân cư này đã phải sống chung lâu dài tại Trung-Đông, nhưng xem ra không bao giờ hòa trộn. Từng người hiện tại thuộc về một loại Sapiens sapiens (di cư sang Mỹ châu và Úc châu đã 25 ngàn năm)
Ba
Giải đáp nào… vẫn còn đó những ‘khoảng trống…’
Triết thuyết nhị nguyên của Descartes hay thuyết nhất nguyên, qua tiến hóa, giản lược ‘người’ vào tính chất thuần động vật, đều không tương hợp với phẩm giá ‘Imago Dei’. Làm sao tìm được lẽ thống nhất trong sự phân biệt giữa phương diện sinh học vốn thuộc loại động vật, với phương diện ‘thần linh’ vốn thật sự siêu việt lãnh vực trên? Đàng khác, những dữ kiện sinh học không đủ để định nghĩa trong khoảng nào thật sự khởi đầu ‘người’… vẫn còn đó khoảng trống, còn đó những nghi vấn liệu thuyết tiến hóa có đủ nền tảng giải thích hiện hữu của các loại (espèces) hữu thể không…
Theo G. Isaye (1987), ít nhất có hai đặc tính nơi người không thể giản lược vào thực tại vật chất sinh học: (1) Ý thức về sự ràng buộc luân lý và (2) Khả năng chứng thực những nguyên lý căn bản của lý trí. Trong chiều hướng này, sự tiến hóa sinh học chỉ cung cấp điều kiện vật chất mở ra trước những khả thể, điều kiện này cần thiết nhưng không đủ cho thực tại ‘người’ ý thức và tự do. Khả năng làm chủ sử dụng ngôn ngữ tạo thành văn hóa và nhân hóa người cận sử (homonidés) không thể được giải thích thỏa đáng chỉ bằng những biến đổi thể lý vốn giúp thành tựu khả năng đó. Đối với thần học Kitô, Imago Dei, hiện hữu nhờ kết quả của hành động tác thành đặc biệt, xuất hiện với ngôn ngữ mở ngỏ cho ý thức và tự do.
Bốn
Cha Teihard de Chardin (1881-1955)… ‘vẫn còn đó những khoảng trống…’
Bất chấp những nỗ lực đáng trân trọng của A.R. Wallace phân biệt phương diện sinh học với văn hóa của ‘người’, Darwin và một số đồ đệ đã triển khai lý thuyết sinh học duy vật…
Cha Teihard de Chardin xuất hiện giữa cơn lốc vô tận những tranh luận… Dù không bị chính thức kết án, nhưng lúc đầu, cha vẫn bị nghi ngờ có những sai lạc đức tin, được yêu cầu chỉ xuất bản những thành quả khoa học mà thôi.
Cha H. de Lubac (1962) đã biện minh lòng tin chính thống của cha Teihard de Chardin. Là nhà địa chất và khảo cổ chuyên nghiệp giảng dạy tại Học viện Công giáo Paris, cha Teihard đã góp phần quyết định khám phá Homo erectus gần Bắc Kinh. Những thành quả khảo cổ khơi lên nơi cha những suy tư triết lý và thần học. Cha Teihard đi vào quan niệm tiến hóa trong nhãn quan vũ trụ (cosmique) với tầm vóc phổ quát (universelle), như một ‘siêu thức’ (hyperscience) để tiếp nhận sự lớn lên không thể đảo ngược của ‘tính duy nhất (unité) trong tính phức tạp (complexité)’, ở mọi cấp độ của sự tiến triển (devenir) ‘hai mặt’ (biface) vật chất và tinh thần, với tập hợp ‘complexité-conscience’ (Càng tăng phức tạp vật chất-càng giàu ý thức tinh thần). Đây quả là vũ trụ luận thiết thực, nặng chất tín lý hơn chất phê bình, làm nên định luật ‘phức tạp-ý thức’, sự quy tụ tiến dần lên trong đó ‘sự kết hợp làm thành đa dạng’.
Năm
‘Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện’ (Ga 14: 8)
Các dữ kiện khoa học, những phương pháp khoa học… nếu giữ đúng tính chất khoa học, thì chúng vẫn hiển nhiên hiện hữu đó với những ‘khoảng trống…’. C.R. Darwin và cha T.de Chardin đều muốn lấp đầy khoảng trống… và đối với cả hai, vẫn chưa có những bằng chứng khoa học khả dĩ lấp đầy, nhưng đã có những suy tư triết lý và tôn giáo… mở ngỏ cho những lựa chọn…
Điều ghi nhận cơ bản, C.R. Darwin chưa thể giải thích ‘dòng lịch sử’ tiến hóa, liên quan sự sắp đặt hiện hữu lớp lang các tầng hữu thể, sự phân ngành của từng giống loại… tới nay, chưa có được những minh chứng thực nghiệm khoa học.
Suy tư của cha Teihard de Chardin còn chừng mực trong phạm vi khoa học… Dữ kiện vật chất vũ trụ và phổ quát ấy cho thấy một ‘siêu thức’ hiện hữu trong sự ‘tiến triển’ hai mặt vật chất và tinh thần, với tập hợp ‘càng tăng phức tạp vật chất-càng giàu ý thức tinh thần’ (complexité-conscience).
Khoa học gia hiện đại F. Collins, người chủ trì nhóm nghiên cứu bộ gène con người, tường thuật cảm xúc thời khắc cuối cuộc khám phá vĩ đại đó là: ‘một kinh nghiệm vừa của tôn vinh khoa học, vừa của lòng phụng thờ tôn giáo’. Chính F. Collins tự thuật trong tác phẩm ‘Ngôn Ngữ của Thiên Chúa’:
‘Vẻ đẹp và sự hùng vĩ nơi tạo vật của Thiên Chúa khuất phục sự chống cự của tôi. Tôi biết cuộc tìm kiếm đã kết thúc… Tôi quỳ gối trên thảm cỏ đẫm sương lúc hừng đông và tôi đầu hàng Chúa Giêsu Kitô’.
Anh chị em thân mến,
Lòng tin vào Đấng là Đức Chúa ẩn mình là trung tâm của kinh nghiệm của dân Israel (Is 45: 15). Tự mình, con người vô phương nhận biết Đức Chúa. Đức Chúa chỉ có thể được nhận biết khi Người tự mạc khải qua vũ trụ, qua các sứ ngôn, qua việc chọn dân riêng, qua kỳ công thượng trí, qua tình yêu xót thương cứu độ… Nhưng Đức Chúa vẫn là Đấng vuột khỏi tầm hình dung của con người, là Đấng siêu việt không thể định Danh ‘Ta là Đấng Ta là’ (Xh 3: 14).
Đã hiện hữu giữa nhân loại Tin Mừng: ‘Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi, và chúng tôi đã được ngắm vinh quang của Người, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha, tràn đầy ơn nghĩa và sự thật’ (Ga 1: 14). Gioan trải nghiệm Giêsu-Lời… Phaolô trải nghiệm Giêsu đưa ta vào mầu nhiệm… ‘Đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri: Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một Người Con’ (He 1: 1.2).
Nathanael, một trong những môn đồ tiên khởi gặp Chúa Giêsu, nghe Chúa nói về mình, ngạc nhiên: ‘Bởi đâu mà Ngài biết tôi ?’ Nỗi ngạc nhiên cho thấy một ‘khoảng trống’ và ‘khoảng trống’ đã được lấp đầy: ‘Trước khi Philip gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi ở dưới cây vả’ (Ga 1: 48). Đấng thấu tỏ những dữ kiện cá nhân, rất riêng tư… quả thực là Đấng được tin cậy để lấp đầy ‘khoảng trống’ đường đời.
Vào thời khắc tâm hồn các môn đệ ‘rúng động’ (Ga 14: 1), Chúa Giêsu ban cho các ông ‘liều thuốc’: ‘Hãy tin vào Thiên Chúa, mà cũng hãy tin vào Ta’. Những ‘khoảng trống’ ngăn trở các ông uống ‘liều thuốc’: “Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao mà biết được con đàng ?’… (Ga 14: 5) Và ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện’… (Ga 14: 8). Chúa Giêsu đã giúp các môn đệ tiêu hóa ‘liều thuốc lòng tin’, khi ưu ái ngỏ lời với Philip: ‘Đã bao lâu rồi, Thầy ở với các con ! Thế mà Philip, con đã không biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là đã thấy Cha’ (Ga 14: 9).
Chúa Giêsu lấp đầy những khoảng trống, nhịp cầu nối của mọi nghi vấn trong đời…
+ Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
[1] Cha R. Cantalamessa, Giải đáp của niềm tin Kitô trước chủ nghĩa khoa học vô thần.
[2] X. Marc Leclerc, Évolution, in Dictionnaire critique de Théologie, Presses Universitaires de France, 1998.
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024