By TT.MTGXL
LỜI CHỦ CHĂN
Tháng 05 năm 2020
MẸ MARIA, MẪU GƯƠNG CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ DÂNG HIẾN
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Chúng ta đã bước vào tháng Năm, cũng gọi là tháng Hoa, được dành để tôn kính Đức Mẹ, nhưng vì dịch bệnh Covid-19, các cộng đoàn Giáo xứ và Dòng Tu không thể tổ chức các sinh hoạt đạo đức như Rước kiệu và Dâng Hoa tôn kính Đức Mẹ như mọi năm. Hoàn cảnh này cho chúng ta, các Linh mục và Tu sĩ, có nhiều thời giờ riêng tư để suy gẫm và nâng lòng trí lên chiêm ngắm Đức Mẹ trong vẻ đẹp diệu huyền thần thánh của Ngài, đồng thời cũng trở về cõi lòng mà nhìn ra thực trạng của mình trong đời sống ơn gọi và trong sứ vụ tông đồ. Nhìn lên chiêm ngắm Đức Mẹ và nhìn vào nội tâm để biết mình, chúng ta sẽ được đổi mới và thêm lòng hăng say. Nhờ vậy, hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể trở thành thời gian của ơn phúc cho chính chúng ta và cho đoàn Dân Chúa. Trong ý hướng này, tôi muốn chia sẻ với quí Cha và quí Tu sĩ đôi suy nghĩ với đề tài: “Mẹ Maria, mẫu gương của người tông đồ dâng hiến”.
- Lựa chọn căn bản của đời tông đồ dâng hiến
Người tông đồ dâng hiến luôn phải đứng trước sự lựa chọn giữa hai con đường: con đường dẫn đến sự sống và con đường dẫn đến sự chết. Thánh Inhaxiô Loyola cắt nghĩa vấn đề này dưới đề tài “Hai Ngọn Cờ”. Mỗi ngọn cờ dẫn đầu một con đường, với thủ lãnh và chiến thuật riêng. Con đường dẫn đến sự chết có thủ lãnh là Satan và con đường dẫn đến sự sống có Chúa Giêsu là thủ lãnh.
- Con đường dẫn đến sự chết
Con đường dẫn đến sự chết có chiến thuật giăng ra 3 cạm bẫy:
– Cạm bẫy thứ nhất là ước ao tiền tài và sự giầu có vật chất
Satan khơi dậy trong lòng người tông đồ sự ham muốn không kềm hãm về tiền tài và của cải vật chất; coi sự giầu có như nguồn sức mạnh bảo đảm sự thành công, thậm chí bảo đảm chính cuộc sống. Cái nguy hiểm căn bản của chiến thuật này là nó quyến rũ người tông đồ đặt hy vọng vào của cải vật chất thay vì đặt tin tưởng nơi Chúa. Vấn đề không hệ tại số lượng vật chất mà hệ tại sự dính bén của tâm hồn. Thêm vào đó, trong cuộc đời tông đồ, có một cạm bẫy rất nguy hiểm mà người tông đồ dễ sa vào nếu không tỉnh thức và không nhạy bén thiêng liêng: đó là vì phải lo lắng tìm kiếm phương tiện cho các nhu cầu mục vụ, người tông đồ để lòng mình bị dính bén. Tiền bạc không xấu, nhưng lòng ham muốn và dính bén mới gây ra vấn đề như thánh Phaolô dạy: “Lòng ham muốn tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10). Lúc đó, người tông đồ sẽ dễ sử dụng tiền bạc sai mục đích và lẫn lộn tiền chung, tiền riêng.
– Cạm bẫy thứ hai là khao khát danh vọng và thế lực
Tự nhiên, ai cũng thích danh giá và được người khác biết đến với lòng kính trọng. Lợi dụng bản năng tự nhiên này, ma qủy khéo léo kích thích và thúc dục thêm, nên người tông đồ dễ buông theo lòng thèm khát địa vị cao sang, tìm kiếm bạn bè thế lực, tìm cách lôi kéo chú ý và tình cảm của người đời, để được kính trọng và yêu mến. Hậu quả cũng là lìa bỏ Chúa để tựa dựa vào các thụ tạo và sùng bái chính mình.
– Cạm bẫy thứ ba là tự phụ, kiêu căng
Khi có dư dật phương tiện vật chất, được đám đông thán phục, có bạn bè quyền thế thì cạm bẫy thứ ba cũng rất gần. Đó là sự kiêu căng, tự phụ: cảm thấy mình có khả năng thực hiện mọi chương trình mà không cần ai, có khi chẳng cần cả Chúa. Đây là vấn đề mà Đức Cố Hồng Y Suhard, Tổng Giám mục Paris, đã nói: “Tình trạng Giáo Hội hôm nay rất trầm trọng, không phải vì còn ít giáo hữu đi lễ, đi nhà thờ, nhưng vì có nhiều linh mục và tu sĩ sống và hành độmg như người vô thần, tức là trong suy nghĩ và hành động họ tính toán theo sự khôn ngoan loài người, như thể không có Chúa.” Ở trong tình trạng này, người ta dễ bị chi phối và khống chế bởi đủ thứ dục vọng và có thể phạm đủ thứ tội.
- Con đường dẫn đến sự sống
Con đường dẫn đến sự sống có thủ lãnh là Chúa Giêsu và chiến thuật của Ngài có 3 hướng đi, hoàn toàn trái ngược với chiến thuật của Satan.
– Hướng thứ nhất là tinh thần khó nghèo
Chúa Giêsu dạy cho người tông đồ của Người hiểu được ý nghĩa sâu thẳm của cuộc đời và của muôn loài. Do đó, thay vì tựa dựa vào sự vật, vào bằng cấp và khả năng của mình, người tông đồ tựa dựa vào Chúa. Người tông đồ trân trọng phương tiện vật chất và khả năng Chúa ban, nhưng chỉ xem chúng như phương tiện chứ không coi là mục đích hay nguồn hy vọng.
Giữa cái biết và việc sống theo điều mình biết có cả một khoảng cách mênh mông. Vì vậy, Chúa quan phòng hay để xảy ra những hoàn cảnh trái ngược để huấn luyện và uốn nắn người tông đồ. Nếu có đức tin và nhạy bén thiêng liêng, người tông đồ sẽ nhận ra hành động yêu thương của Chúa muốn huấn luyện mình thành người tự do, thanh thoát khỏi mọi sự trần gian để đặt hy vọng vào một mình Chúa.
– Hướng thứ hai là tinh thần ẩn mình
Thay vì tìm danh vọng, địa vị cao sang, người tông đồ của Chúa muốn sống thầm lặng ẩn mình. Họ kính trọng quyền bính chân chính, trân trọng sự quý mến của dân chúng, nhưng tâm hồn họ thanh thản, không tìm kiếm, cũng không lệ thuộc, vì họ muốn thuộc trọn về Chúa và chỉ tìm thánh ý Ngài.
Nói thì có vẻ đơn sơ dễ dàng, nhưng tập luyện được là cả một công trình và thường tình chẳng mấy ai ưa thích. Khi người tông đồ thành tâm ao ước và gắng sức luyện tập thì Chúa ban ơn trợ giúp và xếp đặt cho cơ hội. Đó là những hoàn cảnh xem ra bị bất công, bị quên lãng, bị hiểu lầm… Trong những hoàn cảnh đó, nếu nhạy bén thiêng liêng, người tông đồ sẽ dễ nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa đang tôi luyện tinh thần và cuộc đời của mình, như lửa thanh luyện vàng thành vàng ròng. Chúa làm cho lòng người tông đồ được thanh thoát thực sự trước tất cả sức hấp dẫn của trần gian để chỉ tựa dựa và hy vọng vào Chúa.
– Hướng thứ ba là lòng khiêm nhượng
Lắm khi người tông đồ không chỉ bị quên lãng mà còn bị bị xỉ nhục vì những lỡ lầm đã vấp phạm, nhưng có khi bị nghi oan hoặc cũng có khi chỉ vì là người tông đồ. Trong hoàn cảnh này, người tông đồ được Chúa hướng dẫn sẽ đi sâu vào lòng mình để tập cậy dựa hoàn toàn vào Chúa, nhờ đó được tự do thanh thoát trước nhân tình thế thái, không phải trong tâm tình khinh miệt người khác, nhưng với tất cả từ tâm của một người biết nhìn với con mắt nội tâm, thường được gọi là “con mắt thứ ba”: nhận ra dấu vết và tiếng gọi của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Với tâm tình và sức mạnh thiêng liêng đó, người tông đồ sẵn sàng chấp nhận sự sỉ nhục, có khi oan uổng vì Đức Kitô, để đền bù tội lỗi của mình, tội lỗi của nhân loại, và “vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Trong cuộc đời tông đồ dâng hiến, nhiều lần chúng ra phải đứng trước hai con đường và phải lựa chọn. Mỗi người có thể đặt ra cho mình câu hỏi: “Tôi đang bước đi trên con đường nào?” Câu trả lời sẽ tùy thuộc mỗi người, nhưng nói chung, người ta thường xiêu vẹo trên cả hai con đường: khi thì theo chiến thuật dẫn đến sự chết, khi thì theo chiến thuật dẫn đến sự sống. Điều quan trọng là cần một quyết định dứt khoát và rõ ràng để chọn lựa con đường dẫn đến sự sống.
- Mẹ Maria, mẫu gương và nguồn trợ lực
Đứng trước cuộc lựa chọn đầy khó khăn và nhiều cạm bẫy, nhất là trong những hoàn cảnh cụ thể, người tông đồ cần phải có một mẫu gương để noi theo, để được soi sáng và khích lệ. Mẫu gương đó chính là Mẹ Maria.
- Tâm tình của Mẹ Maria
Khi nói về tâm tình thiêng liêng của Đức Mẹ, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tóm lược tất cả qua ba động từ diễn tả cách sống động tâm hồn Đức Mẹ: Fiat (câu trả lời Thiên Thần trong ngày Truyền Tin), Magnificat (lời kinh ca tụng khi gặp gỡ thánh Elisabet ngày Thăm Viếng), Stabat (thái độ và tâm tình phó thác bên cạnh Thánh Giá Chúa). Vì giới hạn của bài chia sẻ, tôi chỉ suy gẫm về lời Fiat (Xin Vâng) của Đức Mẹ.
Tại tiệc cưới Cana, khi thấy nguy cơ sắp hết rượu và đó sẽ là bi kịch cho đôi tân hôn, Đức Mẹ đã kêu cầu Chúa Giêsu can thiệp và sau đó đã nói với những người giúp tiệc cưới: “Ngài bảo gì, các anh cứ làm như vậy” (Ga 2,5). Sau đó, Chúa Giêsu bảo họ múc nước đổ đầy các chum đựng nước; rồi lại bảo họ đem nước cho ông quản tiệc và họ đã làm tất cả như Chúa Giêsu nói (x. Ga 2,1-8). Điều đáng ngạc nhiên là Đức Mẹ và Chúa Giêsu đều là khách được mời, nên các Ngài không ở tư thế điều khiển để ra lệnh và lúc đó Chúa Giêsu chưa nổi tiếng vì đây là phép lạ đầu tiên Chúa làm khi bắt đầu cuộc đời công khai (x. Ga 2,11). Dù vậy, những người giúp tiệc cưới đã vâng theo lời Chúa Giêsu bảo. Lý do là vì họ đã được Đức Mẹ chinh phục. Lời mời gọi của Đức Mẹ “Ngài bảo gì, các anh cứ làm như vậy” đã có sức mạnh lôi kéo họ vì tất cả cuộc đời của Đức Mẹ là một cuộc tìm kiếm liên lỉ và thực hiện ý Thiên Chúa, mà đỉnh cao bắt đầu là ngày Truyền Tin (x. Lc 1,38) và tiếp tục trong mọi biến cố của cuộc đời còn lại của Mẹ (x. Lc 2,19; Lc 2,51).
Tinh thần “Xin vâng” đúng là mẫu gương cho mỗi Linh mục, Tu sĩ trong cuộc đời dâng hiến cũng như sứ vụ tông đồ. Cái khó lớn lao nhất trong cuộc đời tông đồ dâng hiến không phải vì công việc tông đồ nặng nhọc, hay vì có nhiều đòi hỏi, hoặc vì có những nguy hiểm. Bởi lẽ, nhiều người trong công việc làm ăn hay trong trách nhiệm xã hội, cũng phải gánh chịu những trách nhiệm nặng nề và rất nguy hiểm. Cái khó căn bản nhất và là cái khó đặc thù của công việc tông đồ là người tông đồ phải cộng tác với Thiên Chúa, làm việc của Thiên Chúa, theo tinh thần và cách thức của Ngài. Do đó, điều căn bản nhất của cuộc đời tông đồ dâng hiến là tìm kiếm và làm theo ý Thiên Chúa. Đây là điều khó khăn, nhưng cũng là nguồn hạnh phúc: “Trong thánh ý Ngài là sự vui mừng của con; con sẽ không bao giờ quên lời Ngài” (Tv 119,16).
- Hành trình tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa
Hiểu biết thánh ý Thiên Chúa không phải là kết quả của một phương pháp, cho dù là phương pháp thiêng liêng, nhưng là khả năng của người tông đồ đã để cho Chúa hướng dẫn, lần theo một hành trình thiêng liêng. Hành trình này có hai loại yếu tố: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài (“trong” hay “ngoài” ở đây là xét trong tương quan với người muốn tìm kiếm ý Thiên Chúa).
- Yếu tố bên trong
- Lòng ao ước thực sự muốn làm theo ý Thiên Chúa, cháy bỏng đến độ trở thành chương trình của cuộc đời như Chúa Giêsu đã làm: “Này đây, con đến để làm theo ý Cha” (Dt 10,7). Lòng ao ước này phải luôn được nuôi dưỡng bằng đời cầu nguyện, vì không phải hễ nói muốn làm theo ý Thiên Chúa là đã có được lòng ước muốn này (x. Gr ch 42-43).
- Tự do nội tâm: nếu lòng không tự do, người tông đồ không thể hiểu ý Chúa hay có hiểu cũng không đủ sức thực hiện. Để tiến tới tự do nội tâm, cần phải để ý đến ba điểm sau đây:
- Lòng ao ước thực sự muốn làm theo ý Thiên Chúa, cháy bỏng đến độ trở thành chương trình của cuộc đời như Chúa Giêsu đã làm: “Này đây, con đến để làm theo ý Cha” (Dt 10,7). Lòng ao ước này phải luôn được nuôi dưỡng bằng đời cầu nguyện, vì không phải hễ nói muốn làm theo ý Thiên Chúa là đã có được lòng ước muốn này (x. Gr ch 42-43).
* Khiêm nhường thật lòng để nhận ra tâm hồn mình còn nhiều ràng buộc để không ngừng dấn thân trên đường tiến tới tự do: “Phúc cho những tâm hồn trong sạch vì sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).
* Tự do không những đối với những điều xấu, mà cả với những điều tốt, vì nhiều khi Chúa Giêsu đòi người môn đệ của Ngài phải bỏ cả những điều xem ra rất tốt (x. Mt 10,37-39).
* Thành thực với lòng mình: nhìn thấu những tâm tình thầm kín, những lý do bí ẩn trong lòng để gọi mỗi việc với chính tên của nó để không tự dối mình.
- “Đồng bản tính”: muốn phân định được ý Chúa trong hoàn cảnh cụ thể, cần phải suy niệm Lời Chúa để thấm nhuần tâm tư, tình cảm, tiêu chuẩn và cách sống của Chúa. Khi suy niệm Lời Chúa cần nhớ một điều phải làm và hai điều phải tránh. Điều phải làm là lấy Lời Chúa chiếu soi cuộc đời để áp dụng vào đời sống của mình. Hai điều phải tránh là tìm một vài câu thích hợp để bảo vệ ý kiến của mình và chỉ lấy Lời Chúa áp dụng cho người khác. Trong cả hai trường hợp, người tông đồ không để cho Lời Chúa soi sáng, hướng dẫn và thanh tẩy cuộc đời của mình.
- Yếu tố bên ngoài
- Hiệp thông với Giáo Hội trong tất cả truyền thống: giáo lý, kinh nghiệm sống của các thánh và đối thoại với chủ chăn.
- Hoa trái: xem quả thì biết cây (Mt 7,16-18). Nếu là con đường của Chúa thì phải dẫn đến sự thánh thiện, bác ái, quảng đại để xây dựng Giáo Hội. Vì vậy, nếu việc làm hay lời nói khơi lên bạo động, gây chia rẽ, thù hằn và làm lung lay đức tin thì khó lòng có thể đến từ Chúa.
- Linh hướng: đối thoại chân thành với Cha linh hướng sẽ giúp nhìn ra ý Chúa dễ dàng hơn. Trong đối thoại linh hướng, cả Cha linh hướng lẫn người xin được hướng dẫn phải có cùng chủ đích là tìm kiếm ý Thiên Chúa. Do đó, Cha linh hướng phải là người của Chúa, sống theo tinh thần của Chúa chứ không theo sự tính toán thường tình của loài người hay mưu mô thế gian; còn người xin được hướng dẫn, cần nhất phải có chủ đích đi tìm và vâng theo ý Chúa để khỏi rơi vào cạm bẫy đi tìm người xác nhận điều mình muốn.
Kính thưa quí Cha và quí Tu sĩ, chúng ta cùng cầu xin Đức Mẹ là Đấng đã dâng hiến trọn cuộc đời để thực hiện thánh ý Chúa, dẫn dắt chúng ta biết lấy việc thực hiện thánh ý Chúa là lý tưởng và nguồn hạnh phúc cho đời tông đồ dâng hiến của chúng ta. Nhờ đó, mỗi người có thể thân thưa cùng Chúa với lòng yêu mến dạt dào: “Hạnh phúc của con là làm theo ý Chúa”; “Nếu đây là ý Chúa, dù có khó khăn hay phải chết con cũng sẵn sàng đón nhận”.
Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024