By TT. MTGXL
Lời Chủ Chăn tháng – 01 – năm 2023
‘Tất cả là để nên trọn điều Chúa đã phán…’ (Mt 1: 22)
Quý Cha và quý Tu Sĩ thân mến,
Giáo hội dẫn các con cái của Giáo hội đến đại lễ Chúa Giáng Sinh qua hai nhịp mùa Vọng. Nhịp thứ nhất từ đầu mùa Vọng đến ngày 16 tháng 12 và nhịp thứ hai, tuần bát nhật, từ 17 tháng 12 đến đại lễ. Trong nhịp đầu, lời kinh Tiền Tụng nhấn mạnh lòng tin về hai lần Chúa đến: Chúa đã đến lần thứ nhất, nhập thể trong khiêm hạ, xót thương và lần thứ hai trong vinh quang của Đấng là Vua vũ trụ. Các thánh Giáo phụ còn đề cập Chúa đến giữa hai lần đến ấy, tái sinh từng tâm hồn làm nên dân được tuyển chọn, nên người nhà-người con của Thiên Chúa, và nên người đồng hương với các Thánh.
Một
Những gì con người nói về tương lai thường là những dự kiến. Chỉ Thiên Chúa mới thực sự đủ uy tín tiên báo những biến cố sẽ đến trong lịch sử, đặc biệt những những biến cố cuộc đời Chúa Giêsu. Hiện hữu tại thế của Đấng là Con Một Thiên Chúa không phải là sự thêu dệt tài tình của một ai, nhưng được Thiên Chúa chuẩn bị từ cả một dân tộc, từ một lịch sử thấm nhuần hiện diện của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, và từ sự vén màn qua những lời tiên tri tiệm tiến theo sức lãnh hội của dân tộc ấy.
Lần mở chiêm niệm từng trang Kinh Thánh, những lời tiên tri từng nét họa nên hiện hữu tuyệt vời của Đấng mang đôi chân ‘đẹp thay’ của người loan Tin Mừng, mang khuôn mặt ‘méo mó những máu vành gai’ của tình yêu thập giá, mang hơi thở ‘Phục Sinh’ cho các Tông đồ làm nên Giáo hội đem Thiên Chúa nguồn sống cho nhân loại.
Tại hội đường quê hương Nazaret, Chúa Giêsu đọc Kinh Thánh và công bố: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm…’ (Lc 4: 21). Chúng ta có thể đếm được khoảng 300 lần những lời tiên tri ứng nghiệm về Chúa…
Từ buổi đầu lịch sử nhân loại, đã có lời tiên tri: ‘Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống người ấy, Dòng giống người ấy sẽ đạp đầu ngươi…’ (Kn 3: 15). Nơi Thiên Chúa không có hận thù, có chăng là ‘hận thù’ triệt tiêu tội lỗi. Thiên Chúa xót thương tội nhân nhưng diệt trừ tội lỗi.
Hai
Đứng trước kỳ công Thiên Chúa cứu con người, Thánh cả Giuse, ‘thuộc nhà Đavit’ (Lc 1: 26) và Đức Maria đều ngỡ ngàng. Khi được Thiên Chúa qua Thiên Thần Gabriel truyền tin, Đức Maria xao xuyến trước lời chào ‘Vui lên! Hỡi Đầy ơn phúc! Chúa ở cùng người!’ và thưa nỗi băn khoăn ‘Điều ấy sẽ làm sao được vì việc phu thê tôi không nghĩ tới!’. Đáp lại Thiên Thần nói: Thánh Thần sẽ đến trên người, và quyền năng Đấng Tối Cao trên người rợp bóng…’ Mầu nhiệm nhập thể quá lớn lao, vượt tầm trí con người. Trước sự việc Mẹ ‘đã có thai do tự Thánh Thần’, Thánh cả băn khoăn, vừa độ lượng ‘không muốn tố giác’ Maria, vừa định âm thầm chia tay…
Đặt mình vào khoảnh khắc này, như Thánh Bênađô chiêm niệm, cả nhân loại hồi hộp đợi chờ… và bừng lên tin vui khi Đức Maria thưa cùng Thiên Chúa qua Thiên Thần Gabriel: ‘Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài’ (Lc 1: 38) và ‘khi tỉnh giấc, Thánh cả đã làm như lời Thiên Thần Chúa truyền cho ông’…
‘Tất cả là để được nên trọn điều Chúa đã phán nhờ vị Tiên Tri nói rằng: ‘Này, nữ trinh sẽ thụ thai và sinh con và người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, dịch được là Thiên Chúa ở cùng chúng ta’ (Mt 1: 22.23).
‘Tất cả là để được nên trọn…’ : ‘Phủ việt sẽ không rời khỏi Giuđa và quyền trượng khỏi bệ chân nó, cho đến khi nào Vị cái thế lâm trào, Đấng muôn dân bái phục’ (Kn 49: 10).
‘Tất cả là để được nên trọn…’ : ‘Phần ngươi, hỡi Bethlem, Ephrata, nhỏ bé nhất trong hàng các bộ tộc Giuđa. Chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho Ta vị có mệnh thống lĩnh sơn hà Israel’ (Mi 5: 1).
Ba
Thánh Tông đồ Gioan bộc bạch mầu nhiệm nhập thể thẳm sâu bằng một câu gọn gàng súc tích: ‘Và Lời đã thành xác phàm’ (Ga 1: 14). Thánh nhân nối kết hai Danh Thánh của Chúa Kitô: ‘Lời’ và ‘Con’, được soi sáng bởi ý tưởng ‘xác phàm’.
Trước tiên, ‘Lời’ chỉ về ‘Lời tiên tri’ ghi dấu sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử và mạc khải tấm lòng của Người, ‘Đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với cha ông nơi các tiên tri. Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một Người Con…’ (Hr 1: 1). Thứ đến, ‘Lời’ cũng hướng về ‘Lời khôn ngoan’ nơi Thiên Chúa trong công trình tạo dựng thế giới và trong lịch sử Israel, ‘Lời khôn ngoan’ dần dần biểu lộ phẩm tính ngôi vị mà Thánh Phaolô xác nhận thể hiện nơi Chúa Kitô: ‘Vì chưng, trong khi Dothái đòi có dấu lạ, và Hylạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Vì Kitô chịu đóng đinh Thập giá, cớ vấp phạm cho Dothái, sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những ai được kêu gọi, dù là Dothái hay Hylạp, thì lại là chính Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa’ (1Cr 1: 22-24).
‘Và Lời đã thành xác phàm’ (Ga 1: 14) là gốc của từ nhập thể (incarnation) diễn tả thực tại sâu xa hơn cả ý nghĩa sự hợp một giữa ‘Lời’ và nhân tính. ‘Xác phàm’ nói lên nỗi bấp bênh của phận người, nay còn mai mất và đồng phận với loài người đang trên hành trình lịch sử cứu độ.
Danh Thánh ‘Con’ là nội hàm của ‘Lời’, được Gioan đặt vào tính từ độc đáo, chữ của riêng Thánh nhân ‘Con Một’ tự nơi Cha’ (Ga 1: 14). Từ ‘Con’, một trật diễn tả ‘Lời’ duy nhất của Thiên Chúa duy nhất, nên từ ‘Con’ này cũng chỉ sự khác biệt với những ‘người con’ của ‘những ai đón nhận Ngài, thì Ngài đã ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, ấy là cho những kẻ tin vào Danh Ngài’ (Ga 1: 12). ‘Con Một’ Đấng ở nơi cung lòng Cha’ (in sinu Patris, Ga 1: 18) sẽ thông tri cho chúng ta mầu nhiệm sâu thẳm và tình yêu hải hà của Cha.
‘Điều từ thuở ban đầu đã có. Điều chúng tôi đã từng nghe. Điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt. Điều chúng tôi đã cung chiêm, và tay chúng tôi đã rờ đến về Lời sự sống, và sự sống đã tỏ hiện, chúng tôi đã từng thấy và chúng tôi làm chứng cùng loan báo cho anh em sự sống đời đời’ (1Ga 1: 1.2).
Bốn
Khi Giáo hội cử hành Phụng vụ Thánh, Giáo hội cầu nguyện, diễn tả và sống đức Tin. Giáo hội rất ý tứ đặt lễ Thánh tử đạo đầu tiên Stêphanô liền sau đại lễ Chúa Giáng sinh. Từ đỉnh cao Thập giá Giáo hội nhận biết mầu nhiệm Giáng Sinh, nhận biết lễ dâng mộc dược của ba Đạo Sĩ phương Đông, nhận biết sự tự hạ thẳm sâu của biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể. Thập giá đi liền với biến cố Phục Sinh làm nên lễ Vượt Qua của Chúa. Giáo hội tin Đức Giêsu nhập thể, Đấng Emmanuel cùng là một Chúa Kitô phục sinh vinh hiển, nhiệm mầu siêu phàm. Đức Giêsu làm người như chúng ta, hội nhập trọn vẹn ‘cái thật’ người và cũng chính Đức Giêsu biểu lộ là một ‘Đấng Khác’, là Thiên Chúa đi vào cõi ‘trở thành’ của nhân thế, đồng thời biến đổi cái ‘trở thành’ của nhân thế vào cõi ‘đời đời’ thường hằng của Người.
Năm
Anh chị em rất thân mến,
Trước máng cỏ, thân phận nhỏ lại vô cùng lớn lao, đồng thời Đấng siêu phàm trở nên bé nhỏ…
Nhờ sự chuyển cầu của hai Đấng thiết thân bên Chúa Hài Nhi, Chúng ta xin ơn nghiệm ra sách lược nhập thể, chịu đóng đinh thập giá, và phục sinh của Chúa… mà ứng dụng vào đời sống hiến dâng và hoạt động mục vụ của chúng ta.
Gioan Đỗ Văn Ngân
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024