By TT. MTGXL
Công đồng Vaticano II đã nói: “Công cuộc canh tân thích ứng cho đời sống tu trì bao gồm cùng lúc sự liên tục trở về nguồn mạch đời sống Kitô hữu và ơn linh hứng nguyên thủy của Hội dòng, cũng như sự thích nghi với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại. Phải tiến hành công cuộc canh tân dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và sự hướng dẫn của Giáo Hội”. Người tu sĩ muốn sống trọn vẹn và triển nở trong ơn gọi của mình cần phải luôn trung thành với Tin Mừng, Giáo huấn của Giáo Hội, đồng thời đón nhận và tuân giữ giá trị tinh thần cũng như ý hướng đặc biệt của Đấng Sáng Lập, cùng với truyền thống của dòng. Đó như là Kim chỉ nam cho người tu sĩ, càng thấm nhuần thì họ biết đường để đi, không bị lạc lối, không mơ hồ. Đó là những gia sản mà họ được hưởng từ các thế hệ đi trước, là “điều ta không vất vả làm ra, người khác làm lụng vất vả, còn ta được hưởng kết quả công lao của họ”[1].
“Một cái gì đó đã mất, không còn trở lại nữa. Viết sử là cách để tang của người đương thời”[2]. Chúng ta nhớ về Đức Cha Lambert với tất cả lòng tri ân chân thành đồng thời cùng tiếp bước trên con đường mà chính Ngài đã nhận được ơn linh hứng. Chúng ta trở về nguồn để học lại các bút tích của Ngài ta có thể đi từ thái độ ngạc nhiên, thán phục và đôi khi là phản cảm, khó chấp nhận.
Ngài sinh ra trong môi trường có nhiều biến loạn: chiến tranh, dịch bệnh,… Nhưng Ngài được lớn lên trong một gia đình quyền quý, danh giá, học thức và đạo đức, ngay từ nhỏ Ngài đã có một giáo sĩ đến dạy riêng. Ngài thừa hưởng nơi người cha lý trí, cương nghị, thông minh, nội tâm, đạo đức, thêm vào đó cha mẹ mất sớm, là trưởng nam trong gia đình, nên ngài đã tự lập từ rất sớm “một thanh niên đẹp trai, giàu có, đi đứng oai vệ, quen ăn mặc lịch sự, làm nhiều người để ý, nhưng lại tự buộc mình sống khiết tịnh như những người tu kín”[3]. Hành trình ơn gọi của Ngài cũng trải qua nhiều truân chuyên, nhưng mỗi bước đi của Ngài dường như luôn nằm trong ý định của Thiên Chúa. Ngay từ bé, Ngài đã có ý định dâng mình cho Chúa nhưng vì môi trường và hoàn cảnh gia đình, Ngài phải gánh vác việc nhà nên tạm gác lại ơn gọi tu trì. Với thiên hướng có sẵn, ngài có thói quen nguyện ngẫm mỗi ngày hai giờ, ăn chay nhiều lần trong tuần, rước lễ mỗi ngày. Đây là điều hiếm thấy trong thế kỷ XVII[4]. Ngài tốt nghiệp ngành luật sư, tham gia vào tòa án thuế vụ và tham gia vào cuộc nổi loạn chống lại triều đình. Sau khi tham gia vào hoạt động chính trị để đòi quyền lợi cho nhân dân, ngài đã rút ra nhiều bài học, ngài nhận thấy tất cả mọi sự đều là phù vân, chán ngán với thói đời xua nịnh, ngài không tin vào hoạt động chính trị để đem ra thực thi những giá trị Kitô giáo đích thực và cải thiện tình trạng những người bất hạnh. Ngài muốn từ bỏ thế gian để chỉ tìm kiếm Thiên Chúa. Sau biến cố ngã ngựa trên đường đến tham dự lễ kết hôn của người em gái, Chúa đã cất khỏi lòng Đức Cha tính ưa chuộng sĩ diện trong một tai nạn bất ngờ và ngài đã vượt thắng được chính mình, vì ngài vốn vẫn thích ăn mặc đàng hoàng[5] nhưng ngài chấp nhận bị khinh chê vì quần áo không tươm tất, bẩn thỉu. Việc ngã ngựa như một dấu chỉ đến từ Thiên Chúa, đã đưa ngài tới chỗ hoán cải sâu xa, ngài không còn tha thiết với danh vọng trần gian. Ngài đã làm một cuộc tĩnh tâm để đưa ra một quyết định táo bạo, đời của Ngài bước qua một trang mới: bỏ nghề luật sư, gia nhập hàng giáo sĩ và tham gia truyền giáo ở Canada.
Cuộc đời của Ngài như đã tìm được một viên ngọc quý để rồi ngài sẵn sàng bán đi tất cả những gì mình có để mua cho được viên ngọc đó. Chúa sử dụng ngài như khí cụ để ban phát hồng ân của Thiên Chúa, bằng cách Chúa tiếp tục sử dụng khả năng của ngài: khả năng lý luận, con người lý trí, đạo đức, cương nghị…: cương nghị để đưa ra một quyết định và theo đuổi đến cùng mục tiêu ấy, thẳng thắn để nói lên sự thật mà không sợ bị thiệt thân, đời sống nội tâm luôn tìm thánh ý Chúa trong những giờ nguyện ngắm, tĩnh tâm, các biến cố, qua Đức Giáo Hoàng, vị linh hướng. Ở nơi Ngài toát lên một nghị lực phi thường biết bao.
Những người sống lý trí thường sẽ có lập trường riêng và điểm yếu chính là khó để cho người khác sắp đặt cuộc đời mình. Thế nhưng, nơi Đức Cha đã hoàn toàn bỏ đi được ý riêng và sống sự vâng phục cách trọn hảo nhất, dâng tất cả cho Thiên Chúa. Ngài đã sẵn sàng bỏ lại tất cả: gia đình, sự nghiệp, bạn bè, quê hương để lên đường đến một vùng đất xa lạ, con người và văn hóa đều khác biệt. Hành trình đi đến cũng gặp nhiều gian truân: bão tố, cướp biển, hoạn nạn,…Đến nơi, Ngài phải luôn tìm hiểu, tìm sáng kiến để thích nghi, tìm phương án sáng tạo cho việc truyền giáo. Dù có khó khăn thì cũng chẳng làm Ngài nản chí, Chúa đã trở nên “đối tượng duy nhất” của Ngài, đối với Ngài “tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô”[6]. Ngài còn xin Chúa ban thêm cho Ngài thập giá trong những giây phút cuối đời khi phải chống chọi với bệnh tật: “Lạy Chúa, xin gia tăng sự đau đớn, xin ban thêm sức chịu đựng cho con”[7].
Có thể nói ngài như một Phaolô của thế kỷ XVII, là người của lý trí, tìm kiếm Chúa qua suy tư, lý luận, tham gia các hoạt động chính trị, bị té ngựa, tìm được con đường cho đời mình, lên đường truyền giáo cho những đất nước xa xôi, bị đắm thuyền, bị bắt bớ, đói khát…Nhưng càng gặp nhiều thử thách, gian nan thì đức tin của Đức cha càng mạnh mẽ hơn, tình yêu dành cho Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh đạt đến đỉnh cao, bởi vì ngài đón nhận thập giá đời thường với một tình yêu phi thường. Linh đạo Mến Thánh Giá đã đi sâu, thấm nhập vào trong tâm hồn, trong đời sống và trong trái tim của ngài. Ngài đã khuyên nhủ rằng: “Đó là đường lối thông thường các thánh đã theo và là gương Chúa Giêsu để lại cho ta. Thế nên, nếu Cha thấy một Kitô hữu nào kêu ca vì những thánh giá của mình, thì phải nói: dường như người đó chê bai chính những phương thế chắc chắn Chúa trao cho để đạt hạnh phúc muôn đời”[8]. Ngài sống triệt để tình yêu dành cho Đức Kitô và ước ao cho có nhiều người biết và sống linh đạo này. Linh đạo mà ngài đã luôn nung nấu trong trái tim và đời sống của ngài.
Đức Cha là người đã có công rất lớn trong việc xây dựng giáo hội tại Việt Nam trong thời kỳ đầu trong việc tổ chức nội bộ giáo xứ, đời sống thiêng liêng. Đồng thời ngài cũng được ơn linh hứng và khai sinh ra dòng Mến Thánh Giá, một hội dòng gắn bó với giáo hội địa phương nhằm bổ túc cho hàng giáo sĩ trong những công việc phù hợp với đức tính của người nữ tu[9]. Những gì ngài đã làm cho thấy một lòng nhiệt huyết, “Tình yêu Đức Kitô luôn thôi thúc ngài”[10], ngài sẵn sàng cho đi mà không tính toán, chiến đấu mà không sợ thương tích, làm việc không cần nghỉ ngơi, hiến thân mà không mong đợi phần thưởng nào hơn là để cho danh Chúa được rạng sáng. Hạt giống mà ngài đã gieo trồng tuy nhỏ nhoi nhưng lại có sức mạnh rất lớn “như hạt cải nhỏ bé nhưng khi lớn lên nó trở thành nơi cho chim trời đến làm tổ, như men vùi trong bột làm cho cả khối bột dậy men”[11], hạt giống ấy nay đã đơm bông kết trái.
Mỗi lần học hỏi về Đức Cha, em lại được thêm một cơ hội khám phá những điều mới mẻ về người Cha của mình, khiến em yêu mến và thán phục nhiều hơn. Ngài dạy cho em biết bao nhiêu điều:
Về đời sống nội tâm sâu sắc: luôn đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa và trung thành với tác động ân sủng Người[12]. Ngài luôn lắng nghe Thánh Ý Chúa, mọi quyết định quan trọng của đời ngài đều đến sau hành trình tĩnh tâm, trong các giờ nguyện ngắm.
Về tinh thần: Ngài luôn hướng về Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất và dám dâng cho Chúa tất cả những gì đẹp nhất, đó là: “nghị lực yêu thương, nhu cầu chiếm hữu và quyền tự do điều khiển đời mình”[13], can đảm đi theo Chúa đến cùng, dám bước vào cuộc phiêu lưu với Chúa: đi đến nơi Chúa muốn, làm những việc Chúa cần, sống cùng những người Chúa gởi đến.
Về thái độ đón nhận Thập giá: khi phải đối diện với một lời mời gọi mới, một môi trường, một công việc mới, em không biết điều gì đang đợi em phía trước, em cũng sẽ có tâm trạng như Đức Cha: “Con cảm thấy rùng mình khi thấy thập giá dọn sẵn cho con tại đó”[14]. Con người thường thích sự an toàn, sợ đau khổ. Nhưng trong sự thử thách lại ẩn chứa những cơ hội, những bài học sâu sắc để ta hiểu biết mình sâu sắc, giúp cho trái tim ta được rộng mở. Đức cha hướng em về một tầm nhìn xa hơn, không giới hạn vào những thực tại chóng qua ở đời này nhưng hướng về “kho tàng trên trời nên mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi”[15].
Cám ơn Đức Cha về con đường thiêng liêng mà ngài đã hướng dẫn em, đó là con đường mà em vẫn cần phải khám phá mỗi ngày. Tuy có nhiều người được mời gọi bước đi trên con đường đó, nhưng trong cái chung, em cũng phải sống cái riêng của chính mình, điều mà Chúa đã đặt vào trong tâm hồn của em, để ơn gọi của em ngày càng triển nở, để vườn hoa của hội dòng luôn phong phú, sống động. Em đã nhận lãnh rất nhiều từ các vị tiền bối đi trước, thì em cũng phải xây dựng và phát triển hội dòng mỗi ngày đi lên. Sống trọn vẹn ơn gọi của mình, đó là lời biết ơn sâu sắc nhất để em tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Cha và biết ơn Hội dòng.
Anna Kiều Hạnh
MTGXL
[1] Ga 4, 38.
[2] Fancoise Fauconnet – buzelin, người dịch Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quang, TÌM VỀ NGUỒN GỐC HỘI THỪA SAI HẢI NGOẠI, tr 25.
[3] Ibid, tr 36.
[4] Tâm Hồn Truyền Giáo, Tóm lược Tiểu Sử Đức Cha Lambert de Lamotte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, tr 12.
[5] Fancoise Fauconnet – buzelin, người dịch Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quang, TÌM VỀ NGUỒN GỐC HỘI THỪA SAI HẢI NGOẠI, tr. 41.
[6] Pl 3, 8.
[7] Tâm Hồn Truyền Giáo, Tóm lược Tiểu Sử Đức Cha Lambert de Lamotte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, tr 37.
[8] Nhóm nghiên cứu Lịch Sử Mến Thánh Giá, Tiểu Sử Bút Tích Đấng Sáng Lập Đức Cha Lambert De La Motte, tr. 97.
[9] Hiến Chương, điều 6.
[10] 2Cr 5, 14.
[11] Lc 13,18-21.
[12] Hiến Chương, điều 54.
[13] Hiến Chương, điều 35.
[14] Thư Gửi Cha Halle, câu 9.
[15] Mt 6, 19.
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: Vui Học Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng C
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Khối Thiếu Nhi Tháng 12.2024
RIP Tháng 12.2024
Bảo vệ: THÔNG TIN Tháng 12.2024