By TT. MTGXL
Thứ Sáu, 18.11.2022
TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 19,45-48 ĐỀN THỜ
Hình ảnh Đức Giêsu tại Đền thờ Giêrusalem gây chú ý một mặt vì sự mạnh bạo, mặt khác vì sự khác thường. Cảnh tượng buôn bán, đổi tiền ở đây được giải thích là dịch vụ gắn liền với sinh hoạt tôn giáo như nộp thuế Đền thờ, dâng lễ vật theo luật Môsê, … Trong trường hợp đó, việc Đức Giêsu dùng những từ “sào huyệt bọn cướp”, cho dù đó là một câu trưng dẫn Kinh Thánh, thật sự là rất khó nghe.
Một điểm khác đáng ngạc nhiên là những người này không phản ứng lại, và những người có trách nhiệm quản lý sinh hoạt Đền thờ cũng không bảo vệ họ. Có vẻ như cách hành xử của Đức Giêsu không sai, chỉ có điều là Ngài không có quyền. Tuy nhiên, trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, các thượng tế và kinh sư không chất vấn Đức Giêsu lấy quyền gì mà làm như vậy, mặc dù họ rất tức giận. Chúng ta biết rằng câu chuyện này làm cho sự xung đột giữa Đức Giêsu với giới chức Do thái lên tới đỉnh điểm, kết cuộc là Ngài bị hành quyết ngay tại thành thánh Giêrusalem huy hoàng tráng lệ. Tin mừng cho biết điều đó nhưng không nhấn mạnh nó. Điều mà tác giả Luca muốn làm nổi bật là Đức Giêsu đã thành công trong việc trả lại cho Đền thờ quang cảnh thánh thiện xứng hợp.
Bốn câu Tin Mừng được chia làm hai phần đều nhau, hoàn toàn tương phản. Hình ảnh Đức Giêsu giận dữ chỉ diễn ra trong chốc lát : “khi ấy”, còn hình ảnh Ngài giảng dạy trong Đền thờ thì được thấy “hằng ngày”. Gắn liền với việc Đức Giêsu giảng dạy trong Đền thờ là một số chi tiết của sự tương phản: cảnh tượng ồn ào náo nhiệt của chuyện mua bán được thay thế bằng bầu khí “say mê nghe” lời Chúa ; sự hiện diện trong Đền thờ của những người bị gọi là “bọn cướp” được thay thế bởi “toàn dân”; và cuối cùng là sự bực tức âm ỉ, không phải của một người mà là tất cả thành phần thế lực: “các thượng tế, kinh sư và cả các thân hào trong dân”, đối lại với cơn giận bộc phát của Đức Giêsu.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thập giá, mời bạn suy gẫm:
- Chúa Giêsu đã đi đến tận cùng của mầu nhiệm Nhập thể, đã đối diện với những vấn đề trong cuộc sống bằng cảm xúc chân thật. Ngài buồn giận, phẫn nộ như tất cả mọi người, nhưng không vì bản thân mà vì Đền thờ : hình ảnh Thiên Chúa đang hiện diện.
- Nơi nào Thiên Chúa hiện diện nơi đó là Đền thờ. Có biết bao Đền thờ đang bị xúc phạm, làm cho ra ô uế, mà chúng ta không hề nhận ra, cứ thấy là bình thường. Đó là Đền thờ tâm hồn, Đền thờ cộng đoàn, Đền thờ Hội Thánh. Nơi mà lẽ ra ta có thể say mê lắng nghe và thực hành giáo huấn Phúc Âm lại trở thành nơi chỉ còn lo toan kinh tế: cơm áo gạo tiền,…
- Ai trong chúng ta cũng đã từng phẫn nộ nhưng phần lớn vì quyền lợi bản thân. Người phẫn nộ vì công ích, vì Tin Mừng thì rất hiếm, bởi lẽ hậu quả trước mắt là phải chịu thiệt thân. Nhưng nếu không có những hạt lúa chấp nhận mục nát như vậy thì làm sao có thể hy vọng cuộc sống hiện tại lành thánh và một tương lai tươi sáng, trù phú, phong nhiêu.
Anna Trần Nguyệt
MTGXL
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024