CÓ ĐƯỢC PHÉP KHÔNG(Mt 19,3 -12)- Suy Niệm Thập Giá Thứ Sáu 18.8.2023

By TT. MTGXL

   CÓ ĐƯỢC PHÉP KHÔNG

Mt 19,3-12 Thứ Sáu, 18.8.2023

Tuần XIX Thường Niên A

Trong trích đoạn Tin mừng này, đề tài có vẻ như là chuyện ly dị, nhưng thực ra chuyện này chỉ là một cái cớ người Pharisiêu dùng để thử Đức Giêsu về quan điểm của Ngài đối với luật Môsê. Không cần phân tích nhiều cũng có thể thấy sự tinh tế của Đức Giêsu đối với vấn đề giữ luật. Ngài nghiêm ngặt hơn nhiều so với người Do thái, đến nỗi các môn đệ cho rằng quá khó : nếu như vậy “thì thà đừng lấy vợ còn hơn”. Luật Môsê vừa có ý nghĩa thờ phượng vừa có giá trị pháp lý dân sự. Đức Giêsu không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn.

Đặt vấn đề “có được phép không” tức là đặt vấn đề quy phục một thẩm quyền. Người Pharisiêu nại đến thẩm quyền của Môsê, nhưng Đức Giêsu cho họ thấy có một thẩm quyền lớn hơn và một căn nguyên sâu xa hơn : Ngài nói về Đấng Tạo Hoá và luật Đấng ấy đặt ra để bảo vệ phẩm giá con người từ thuở tạo dựng.

Luật được thiết lập để bảo vệ mọi người, đặc biệt là thành phần yếu kém trong cộng đồng xã hội, vì những kẻ quyền thế không chỉ có điều kiện bảo vệ quyền lợi của họ mà còn biết cách lấn át người yếu đuối, cô thế cô thân. Theo bối cảnh xã hội của đoạn Tin Mừng này thì đàn ông ở thế mạnh còn phụ nữ ở vị trí thiệt thòi; chồng có thể đuổi vợ đơn giản với một tờ giấy ly hôn còn vợ thì phải chịu chế độ đa thê. Đức Giêsu coi thứ luật đó là sản phẩm của con người “lòng chai dạ đá”, không đáng gán cho Môsê.

Một chi tiết thú vị nữa là trong khi khẳng định hôn nhân bất khả phân ly, Chúa Giêsu không tính đến trường hợp “bất hợp pháp”, có nghĩa là không đúng luật thì không được luật bảo vệ.

Chúa Giêsu đã mang lại cho luật Môsê sự cao trọng và tinh toàn. Nhưng con người gian tà và ngu muội đã tố cáo Ngài coi thường, thậm chí vì phạm luật Môsê, viện cớ đó để giết Ngài. Vì vậy luật Môsê bị đặt vào thế xung đột với thập giá Chúa Kitô, như thánh Phaolô đã mạnh mẽ biện bác trong thư Galat.

Nhìn lên thập giá Chúa Kitô, mời bạn suy gẫm :

  1. Luật Chúa, luật Hội thánh, luật Dòng (Hiến chương), là phương thế nhận biết thánh ý Chúa. Không ai được phép đặt mình trên luật dù địa vị có xứng tầm Môsê.
  2. Tình huống bất hợp pháp có thể xảy ra trong đời tu khi làm một việc trái Hiến chương, nó không chỉ vô hiệu hoá lời khấn vâng phục (x. điều 31,1) mà còn hạ thấp giá trị của luật Dòng.
  3. Đường lối tinh toàn của Thiên Chúa tỏ bày qua luật thánh. Nhưng tiếc thay sự thiếu am tường hoặc lòng dạ chai đá đã làm cho biết bao người vô tội trở thành nạn nhân của lề luật, trong số đó có Chúa Giêsu. Đối với chúng ta là nữ tu Mến Thánh Giá, Hiến chương phải được đọc, học, suy niệm để giảm bớt sai lầm và thực sự trở thành kim chỉ nam trên linh đạo của Hội Dòng.

Anna Trần Nguyệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *