Thánh Catarina Siena- VỊ THÁNH LÀM NÊN SỰ BIẾN ĐỔI VÀ TÁI SINH

By TT. MTGXL

VỊ THÁNH LÀM NÊN SỰ BIẾN ĐỔI VÀ TÁI SINH

Ngày hôm nay, tôi muốn nói với anh chị em về một người phụ nữ đã đóng một vai trò nổi bật trong lịch sử Giáo hội: Thánh nữ Catarina thành Siena. Thế kỷ mà Thánh Nữ đã sống- thế kỷ 14- là một thời kỳ thật khó khăn trong đời sống Giáo Hội và trong bối cảnh của xã hội nước Ý. Tuy nhiên ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất, Chúa vẫn không ngừng ban ơn lành cho Dân của Ngài, đưa đến cho dân các vị Thánh, là những người đưa đến một sự ngạc nhiên, gây choáng váng cho tâm trí và trái tim của dân, làm nên sự biến đổi và tái sinh.

Catarina là một trong những vị Thánh đó, và cho đến ngày hôm nay, Thánh nữ vẫn nói với chúng ta, và thúc đẩy chúng ta bước đi thật can đảm hướng đến sự thánh thiện, để trở thành những môn đệ trọn vẹn hơn của Chúa.

Thánh Catarina sinh năm 1347, tại Siena, trong một gia đình rất đông con, và mất năm 1380 tại Roma. Khi được 16 tuổi, nhìn thấy tầm nhìn của Thánh Đa Minh, Catarina đã được thúc đẩy để gia nhập Dòng Ba Đa Minh, một nhánh nữ được biết đến với tên gọi Mantellate. Trong thời gian sống tại gia đình, khi còn trong tuổi vị thành niên, Thánh Catarina đã khấn hứa với tính cách riêng tư với lời khấn trinh khiết và dâng hiến đời mình để cầu nguyện, sám hối và làm việc bác ái, đặc biệt là vì lợi ích của những người đau khổ, bệnh tật.

Khi danh tiếng về sự thánh thiện của Thánh nữ được lan truyền, Catarina đã trở thành người giữ vai trò chính của một hoạt động rất mạnh mẽ của việc hướng dẫn tâm linh cho mọi người thuộc mọi tầng lớp: từ giới quý tộc đến chính trị gia, nghệ sĩ và giới bình dân, những tu sĩ nam nữ và người thánh hiến, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Giegorio XI đang sống tại Avignon mà trong khoảng thời gian đó, Thánh Catarina đã rất hăng hái để khẩn nài Đức Giáo Hoàng trở về Roma.

Thánh nữ đã đi nhiều nơi để đẩy mạnh việc cải tổ Giáo hội và thúc đẩy hoà bình giữa các Quốc gia. Đó cũng là lý do mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã chọn và tuyên bố Thánh nữ là đấng bảo trợ của Châu Âu: nơi mà có thể lục địa cũ chẳng bao giờ quên được những gốc rễ Kitô giáo là nguồn gốc của tiến bộ, và vẫn tiếp tục rút ra từ Tin Mừng những giá trị nền tảng làm đảm bảo cho công lý và hài hoà.

Giống như nhiều vị Thánh, Catarina cũng gặp phải những đau khổ lớn lao. Thậm chí nhiều người nghĩ rằng họ không nên tin tưởng thánh nữ, đến độ vào năm 1374, 6 năm trước khi qua đời, Tổng Hội của Dòng Đa Minh đã triệu tập Thánh nữ đến Florence để thẩm vấn Người. Tổng hội đã chỉ định cha Raymundo Capua, một linh mục dòng Đa Minh có học thức và sự khiêm nhường- sau này làm Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, làm vị hướng dẫn tâm linh cho Catarina. Trở thành vị giải tội cho Catarina, và cũng là “đứa con tinh thần” của Thánh nữ, cha Raymundo đã viết một tiểu sử đầu tiên rất đầy đủ về Thánh nữ. Catarina đã được phong thánh năm 1461.

Dù rất vất vả để học đọc và học viết trong tuổi trưởng thành, tuy nhiên, những gì Thánh nữ giảng dạy, được chứa đựng trong cuốn “Đối Thoại về đạo lý” hoặc “Sách nói về Chúa mặc khải”, lại là một tác phản kiệt xuất về tâm linh, trong các thư và trong tuyển tập các lời cầu nguyện của Thánh nữ.

Với sự giảng dạy rất uyên bác đó, Đức Paul VI, vị tôi tớ của Thiên Chúa đã tuyên bố Thánh Catarina là Tiến sĩ Hội thánh, một tước hiệu được thêm vào cho các vị bảo trợ của Thành phố Roma- như mong ước của Chân Phước Piô IX- và là Bảo Trợ của nước Ý- như theo quyết định của vị đáng kính Piô XII.

Trong một thị kiến xuất hiện trong trái tim và tâm trí của Catarina, Đức Mẹ đã trình diện Catarina với Chúa Giêsu, Đấng đã trao tặng cho Thánh nữ một chiếc nhẫn lộng lẫy và nói với Catarina rằng “Ta, Đấng Tạo Dựng và là Đấng Cứu độ của con, đã chọn con trong đức tin, để con sẽ giữ sự trinh khiết của con cho đến khi con cử hành hôn lễ vĩnh cửu với Ta trên Thiên Đàng”[1]Chiếc nhẫn mà Chúa Giêsu trao cho Thánh nữ trong thị kiến, chỉ có mình Thánh Catarina nhìn thấy mà thôi. Trong phần này, chúng ta nhận ra tâm điểm của sự sống còn nơi cảm thức tôn giáo của Catarina, và của tất cả tâm linh đích thực chính là: Chúa Cứu Thế. Với Catarina, Đức Kitô giống như người bạn đời trong một mối quan hệ thân tình, hiệp nhất và trung thành hiện có; Đức Kitô là Đấng mà Catarina yêu quý nhất vượt lên trên tất cả mọi điều tốt đẹp khác. Sự liên kết sâu sắc này của Catarina với Chúa được minh hoạ nơi cảnh khác trong cuộc đời nhà thần bí này: sự trao đổi của trái tim. Chân phước Raymondo Capua đã kể lại qua những tâm sự mà Thánh nữ Catarina chia sẻ, Chúa Giêsu đã hiện ra với Catarina “với bàn tay đang nắm giữ một trái tim của con người, đỏ rực và chiếu sáng”. Và Chúa Giêsu đã mở cạnh sườn của Thánh nữ, đặt trái tim đó vào bên trong Catarina, nói với Thánh nữ rằng” Con yêu dấu, vào một ngày, Ta đã lấy khỏi con trái tim của con, và giờ đây, như con thấy đó, Ta đang trao tặng lại cho con trái tim đó của con, để nhờ vậy, con có thể tiếp tục sống với trái tim đó mãi mãi.”[2] Quả thực, Thánh Catarina đã thực sự sống như những lời của Thánh Phaolô “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20)

Giống như Thánh Catarina, mỗi người tín hữu cần phải để cho chính đời sống mình thuận theo những tình cảm của trái tim nơi Đức Kitô để chúng ta yêu Thiên Chúa và yêu anh chị em mình như chính Đức Kitô đã yêu. Và tất cả chúng ta hãy để cho trái tim mình được biến đổi, và học biết cách yêu giống như Đức Kitô trong cùng một sự quen thuộc với Ngài, sự quen thuộc thân tình được nuôi dưỡng bằng đời cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và các Bí tích, trên hết tất cả là lãnh nhận Thánh Thể thường xuyên và tâm tình. Catarina cũng thuộc về nhóm các Thánh đã dâng hiến cuộc đời các ngài cho Thánh Thể như tôi đã kết thúc trong Tông huấn về Bí tích Thánh Thể.[3] Anh chị em thân mến, Thánh Thể là quà tặng đặc biệt của tình yêu mà Thiên Chúa làm mới liên tục để nuôi dưỡng hành trình đức tin của chúng ta, củng cố niềm hy vọng của chúng ta và thổi bùng lên lòng nhân ái nơi chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng giống Người hơn.

Một gia đình tinh thần đúng nghĩa và đích thực được xây dựng bởi một nhân cách mạnh mẽ và chân thật; và điều này đã làm cho mọi người bị cuốn hút bởi sức mạnh đạo đức của người phụ nữ trẻ này từ một lối sống cao quý nhất, cũng như vào những thời điểm mà mọi người bị ấn tượng vì chứng kiến hiện tượng thần bí, cũng như những trạng thái xuất thần của Catarina. Nhiều người cũng đã tự nguyện để phục vụ Catarina nhằm để được Catarina hướng dẫn tâm linh cho mình. Họ gọi Catarina là “mẹ” bởi vì, như là những đứa con của Catarina, họ đã được thu hút và nuôi dưỡng nhờ bởi tinh thần, tâm linh của Catarina. Ngày hôm nay, Giáo Hội cũng nhận được nhiều ơn ích lớn lao từ những việc thực hành tinh thần làm mẹ của nhiều người phụ nữ, giáo dân và những người tu trì, những người nuôi dưỡng nhiều linh hồn với những ý muốn của Thiên Chúa, Đấng củng cố lòng tin của con người và hướng dẫn đời sống Kitô hữu hướng đến những đỉnh cao hơn. “Con, Ta nói với con và gọi con”, Catarina đã viết với một người trong số những người con thiêng liêng của Thánh nữ là Giovani Sabbatini, một tu sĩ dòng Carthusian “ hầu như là Mẹ sinh con trong cầu nguyện liên lỉ và khao khát trong sự hiện diện của Thiên Chúa, cũng giống như người mẹ sinh ra đứa con mình”[4] Catarina cũng thường nói chuyện với Cha Bartolomeo Dominici, tu sĩ dòng Đa Minh với những lời này “Người anh em và con rất yêu dấu trong Đức Giêsu Kitô yêu thương.”

Điểm đặc sắc khác trong tinh thần của Thánh Catarina được nối kết với quà tặng là những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt này thể hiện một sự nhạy cảm sâu sắc, tinh tế, một khả năng của việc động lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Nhiều vị Thánh cũng có quà tặng nước mắt này. Chúa Giêsu cũng đã có những giọt nước mắt này khi Ngài đã không thể cầm giữ hay che giấu những giọt nước mắt của mình khi đứng trước ngôi mộ của Lazaro, bạn của Ngài, và nỗi đau của Maria và Matta, hay đứng trước cảnh tượng của Giêrusalem trong những ngày cuối Ngài còn ở trên trần gian này. Theo Catarina, những giọt nước mắt của các thánh được trộn lẫn với máu của Chúa Kitô, mà Catarina đã nói bằng những giọng điệu mạnh mẽ và với những hình ảnh biểu tượng rất ấn tượng: “Hãy nhớ Đức Kitô đã bị đóng đinh, Thiên Chúa và con người… Hãy đạt được những mục đích của bạn trong Đức Kitô chịu đóng đinh, giấu ẩn trong những vết thương của Đức Kitô chịu đóng đinh và hãy dìm mình trong máu của Đức Kitô chịu đóng đinh.”[5] Ở đây chúng ta có thể hiểu tại sao, mặc dù nhận thức của Catarina về những thiếu sót của các linh mục, nhưng Catarina vẫn luôn có một sự tôn trọng, tôn kính với các linh mục: vì qua các ngài, những bí tích và lời sức mạnh cứu rỗi của Máu Đức Kitô được phân phát. Thánh Catarina Siena luôn mời gọi các thừa tác viên chức thánh, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng, người mà Catarina gọi là “Chúa Kitô trên trần gian” trung tín với trách nhiệm của các ngài, vì thế các ngài luôn và chỉ được thúc đẩy bởi sự tình yêu sâu sắc và liên lỉ với Giáo hội nơi Thánh nữ. Trước khi qua đời, Thánh Nữ đã nói” Việc lìa bỏ thân xác này của tôi, mà tôi đã thực sự hao mòn và trao ban đời sống tôi cho Giáo hội, là một ân huệ rất độc đáo.”[6] Như thế, chúng ta học được từ nơi Thánh Catarina khoa học tuyệt vời nhất: biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô và Giáo hội của Người. Trong cuốn Đối Thoại về Đạo lý, Thánh nữ mô tả Đức Kitô, với một hình ảnh rất đặc biệt, như là một cây cầu lơ lửng giữa trời và đất. Cây cầu này bao gồm ba bậc thang lớn được cấu tạo bởi đôi chân, cạnh sườn và miệng của Đức Giêsu. Được nâng lên bởi ba bậc thang này, linh hồn đi qua ba giai đoạn củacon đường nên thánh: lìa xa tội lỗi, thực hành các nhân đức và tình yêu, hiệp thông mật thiết và tràn đầy tình yêu với Thiên Chúa.

Anh Chị Em thân mến

Chúng ta hãy học từ nơi Thánh Catarina để yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội bằng sự can đảm, mãnh liệt và lòng chân thành. Vì thế, chúng ta hãy lấy những lời của Thánh nữ Catarina để trở thành lời của mình như chúng ta đọc thấy trong cuốn Đối Thoại về Đạo lý ở phần cuối của chương khi Catarina nói về Chúa Kitô như là một cây cầu “Từ lòng thương xót của Chúa, xin hãy rửa sạch chúng con bằng máu của Ngài, từ lòng thương xót của Chúa, xin Chúa khao khát nói chuyện với các tạo vật của Chúa. Ôi sự say mê bằng tình yêu! Điều đó vẫn chưa đủ để Ngài trao ban thân mình Ngài cho chúng con, nhưng Chúa còn muốn chết cho chúng con nữa!…Ôi lòng thương xót! Trái tim của con chìm đắm trong suy tư về Ngài: cho dù có đi đến đâu, con chỉ tìm thấy lòng thương xót nơi Ngài mà thôi.” (chương 30, trang 79-80)

Biên dịch: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P- Nguồn: https://w2.vatican.va


[1] Chân phước Raymundo Capua, Thánh Catarian Siena, Legenda maior, số 115, Siena 1998.

[2] Chân phước Raymundo Capua, Thánh Catarian Siena, Legenda maior, số 115, Siena 1998.

[3] X. Số 94

[4] Thư gửi Cha Giovanni Sabbatini, số 141

[5] Thư Epistolario, số 21

[6] Raymundo Capus, Thánh Catarina Siena, Legenda maior, số 363.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *