By TT. MTGXL
THI HÀNH SỨ VỤ
Tin Mừng Lc 9: 1- 6
Trong hành trình sứ vụ nơi dương thế, Chúa Giêsu đã kêu gọi và tuyển chọn cách đặc biệt nhóm Mười Hai để các ông cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài ban cho các ông lời chân lý đem lại ơn cứu độ, quyền năng trên ma quỷ và bệnh tật. Ngài sai các ông ra đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành những bệnh nhân.
Lẽ thường, khi giao phó một công việc quan trọng cho ai đó thực hiện, chúng ta phải biết rõ khả năng và thật sự tin tưởng vào người ấy. Chúa Giêsu biết rõ từng người trong các Tông Đồ, họ không xứng đáng về tài năng lẫn đức độ để có thể đảm nhận những công việc trọng đại của Nước Trời. Thế nhưng, vì yêu thương và để các ông là những người đầu tiên đón nhận ơn cứu độ, Ngài đã tin tưởng giao phó cho các ông sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Ðược Chúa Giêsu tuyển chọn và sống với Chúa, các Tông đồ cũng đã nghe Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, tác giả Luca thuật lại biến cố Chúa Giêsu sai các ông đi rao giảng Tin Mừng, Ngài nhắc nhở các ông phải sống khó nghèo và hoàn toàn tin tưởng vào Chúa quan phòng.
Người Môn đệ theo Thầy không chỉ tin Thầy, đón nhận Thầy mà còn ở với Thầy, đón nhận sự dạy dỗ của Thầy, nên giống Thầy, thuộc trọn về Thầy, làm công việc của Thầy, trung thành cộng tác với sứ mạng của Thầy cách trọn vẹn. Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các môn đệ của Ngài như vậy, và còn đòi hỏi dứt khoát hơn nữa, mới trung thành thi hành sứ mạng Chúa trao phó được. Suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhìn lại ơn gọi của mình, và kiểm lại phẩm chất của ơn gọi ấy mà sửa sai để trở nên người môn đệ của Chúa Giêsu cách trung thành và trọn vẹn hơn.
So với lần Chúa sai các môn đệ thì lần này có điểm khác biệt là thay vì được sai đi từng hai người, các Tông đồ được sai đi từng người một và được ban cho sức mạnh và quyền năng để trừ ma quỉ và chữa lành bệnh tật.
Tuy nhiên, các ông cũng chỉ được sai đi trước để loan báo Ngài sắp đến. Huấn lệnh cho các Tông Đồ trước khi lên đường có thể gồm 3 phần:
Thứ nhất, trên đường đi các ông không được mang theo gì cả, mặc dù sứ vụ của các ông kéo dài một thời gian, chứ không phải chỉ có một vài ngày; điều đó có nghĩa là các ông phải hoàn toàn từ bỏ chính mình và chỉ tin vào sức mạnh của Lời Chúa.
Thứ hai: khi tới nhà nào thì phải kiên trì, không được lùi bước; nói khác đi, các ông phải tin vào sứ mệnh của mình, tin vào sự quan phòng và chờ đợi thời giờ của Chúa.
Thứ ba: các ông phải có can đảm trước sự cứng đầu của những kẻ chống đối các ông.
Khi Chúa gọi chúng ta hay khi chúng ta muốn theo Chúa, Chúa đòi hỏi chúng ta sống thanh thoát, tự do, thong dong cách tuyệt đối về những sự thế gian không còn lo toan hay bám víu sự gì kể cả gia đình ruột thịt của chúng ta để hoàn toàn theo Chúa và chăm lo việc của Chúa mà thôi. Sống đời sống tông đồ là sống đức tin, sống tin thần phó thác, chấp nhận bấp bênh gắn liền với thân phận Đức Kitô ở trần gian “Con người không có nơi tựa đầu”, luôn gắn bó với Đức Kitô và sứ mạng của Ngài. Chúng ta thực lòng sống theo Chúa Kitô, làm môn đệ Ngài chúng ta luôn quyết chí, sẵn sàng và dấn thân để bảo vệ sự trung thành với Chúa, chúng ta luôn bảo vệ phẩm chất của chúng ta là muối, là men, là ánh sáng cho thế gian.
Chúa Giêsu không muốn các môn đệ bị phân tâm bởi những hành trang vật chất và tiện nghi, dù chỉ là những thứ thiết yếu như chiếc gậy để tự vệ và vài món đồ để dự trữ, phòng xa. Ngài muốn họ hoàn toàn cậy trông vào tình yêu toàn năng và sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài muốn họ đón nhận sự bấp bênh, sự thiếu an toàn, sự lệ thuộc vào Thiên Chúa và vào con người. Lại nữa, trong tương quan với anh chị em, Chúa Giêsu muốn các môn đệ không tìm kiếm tiện nghi hay sự trọng vọng khác biệt. Ngài muốn các ông trở nên mọi sự cho mọi người qua lối sống gần gũi, hòa mình vào cuộc sống của dân để giúp dân dễ đón nhận Tin Mừng.
Là những Kitô hữu, chúng ta được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa Tội, được tham dự vào ba chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Người. Hội thánh luôn thiết tha mời gọi chúng ta thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình bằng việc phúc âm hóa, nghĩa là loan báo Đức Kitô là Đấng Cứu Độ, bằng chính chứng từ đời sống qua lời nói, hành động và việc làm cụ thể.
Loan báo Tin Mừng hệ tại ở việc “đi”: đi vào giữa lòng đời và đi ra vùng ngoại biên. Loan báo còn là làm chứng, thực hiện những dấu chỉ, trong đó có dấu chỉ chữa trị những vết thương tinh thần và cả thể lý của những kẻ môn đệ Chúa Kitô được sai đến. Lời loan báo, giới thiệu Tin Mừng được đón nhận dễ dàng hơn khi có các dấu chỉ yêu thương, hy sinh, quảng đại kèm theo. Điều này đòi hỏi các môn đệ phải nỗ lực thích nghi, sáng kiến trong sứ vụ. Nói cách khác, để chu toàn sứ mệnh, người Môn đệ không thể ở yên một chỗ, nhưng phải di chuyển và đưa ra những kế hoạch cụ thể, thích hợp.
Việc loan báo Tin Mừng phải khởi đi từ việc chúng ta xác tín rằng: Ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô chính là cùng đích cuộc đời mỗi chúng ta. Thánh Phaolô giúp chúng ta thêm xác tín vào sự cao trọng của ơn cứu độ: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô.” (Pl 3, 8). Từ đây, chúng ta hãy luôn ý thức, ra sức sống sao cho được ơn cứu độ. Chính lúc chúng ta đặt trọn niềm hy vọng đời mình nơi thập giá Đức Kitô là lúc chúng ta đang giới thiệu Ngài cho những người chung quanh bằng chính đời sống của mình.
Huệ Minh
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024