Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XIX Thường Niên C

By TT. MTGXL

CHUNG THỦY VÀ THỦY CHUNG
Tin Mừng Mt 19:3- 12

Hôn nhân là bí tích Chúa thiết lập để nối kết hai tâm hồn nam nữ trong đời sống vợ chồng. Họ sẽ tự do đến với nhau, yêu thương nhau. Họ sẽ sinh con cái và giáo dục chúng nên những Kitô hữu đạo đức.

Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau. Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp. Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay. Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn. Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay. Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu, khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã, khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được, khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian… khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Ngày mỗi ngày qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết trên thế giới, tình trạng vợ chồng ly dị xảy ra ngày càng nhiều. Ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới, hôn nhân gia đình luôn được đề cao, vì đó là yếu tố quan trọng cấu thành xã hội: Hôn nhân tốt đẹp thì xã hội ổn định; gia đình tan vỡ thì xã hội bất an. Vì thế, các quốc gia đều có những bộ luật để bảo vệ và cổ võ giá trị cao đẹp của hôn nhân.
Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Môsê được ghi lại trong sách Tl 14, 1- 4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phái Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi.

Những người Biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.
Người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1) để biện minh cho việc được phép ly dị đúng theo Luật Môsê (c. 7). Còn Chúa Giêsu lại trích sách Sáng Thế (2, 24) để nhấn mạnh cho sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng. “Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác, mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động. Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (cc. 4. 8) và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa. Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 8). Chúa Giêsu đến để hoàn chỉnh Luật Môsê và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.

Lề Luật chỉ giới hạn và ngăn cản, như cái đê chắn sóng nước hung dữ, chứ không thể giải quyết tận căn sự dữ có trong lòng con người, gây tai hại cho đời sống con người, trong đó có đời sống hôn nhân và gia đình; hơn nữa, trong thực tế, chính khi nại đến Luật, để biết được phép hay không được phép, thì giao ước, tình yêu, lòng trung thành, tương quan hiệp nhất đang bị tổn thương và có nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ.
Và ta thấy khi nói đến Luật, thì sự dữ đã có đó rồi, tương tự như khi người ta thiết lập luật li dị hay nói đến luật li dị. Điều lạ lùng là khi có lề luật, cái xấu không bớt, nhưng lại càng sinh sôi (Rm 7, 7- 13), như chúng ta thấy hiện nay trong mọi lĩnh vực, bởi vì tương quan tình yêu, tình bạn, tình đồng bào và đồng loại đã bị đỗ vỡ (hay nghiêm trọng hơn, không được xây dựng từ khởi đầu) ngay trong lòng con người.

Chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái, các môn đệ phản ứng: “Nếu sự việc vợ chồng là như thế, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Trong câu trả lời, Chúa Giêsu cho các ông biết là cần phải có ơn Chúa, con người mới có thể hiểu rõ ơn gọi cao cả của đời sống hôn nhân cũng như của đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình, không phải thuần túy tùy thuộc ý định con người, nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa.
Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. “Ai có thể hiểu được thì hiểu,” ơn ban của Thiên Chúa tùy thuộc tự do của con người. Con người thời nay đã lạm dụng tự do để quyết định những điều nghịch lại chương trình của Thiên Chúa. Con người đã trần tục hóa cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân và gia đình. Tất cả đều được phép, kể cả việc hai người cùng phái tính được luật pháp cho phép sống với nhau như vợ chồng, để rồi tình thương của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp này cũng bị hạ thấp.

Chúa Giêsu trả lời không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Ðời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không do con người thiết định. Môsê cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy.

Ngày nay ta thấy nhiều người bị cuốn theo lối sống của thời đại: sống vội, yêu vội. Hôn nhân đôi khi là sự toan tính, đổi chác hay tìm sự thỏa mãn xác thịt…Tất cả những điều đó làm mất đi ý nghĩa của hôn nhân. Vì thế, người ta thường dễ dàng ly thân, thậm chí ly dị, kể cả đối với người có niềm tin kitô giáo. Để sống trọn ơn gọi hôn nhân, không có con đường nào khác là chạy đến với Chúa là nguồn mạch của tình yêu, và thực thi ý muốn ban đầu của Thiên Chúa khi tạo dựng con người : “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Điều này đòi hỏi nhiều cố gắng và hy sinh, nhưng đó là bí quyết để đời sống hôn nhân nên trọn hảo.
Tỉ lệ các cặp vợ chồng ly dị liên tục tăng cao, đặc biệt nơi các đôi vợ chồng trẻ. Vợ chồng ly dị, gia đình tan nát, gây ra không những cho nhau mà còn cho con cái những vết thương tâm lý khó lành trong suốt cuộc đời. Người ta đưa ra những lý lẽ giải thích hoặc tìm kiếm những giải pháp chữa trị tình trạng này trên bình diện tâm lý hoặc xã hội. Thế nhưng tất cả những điều đó chỉ là tương đối nếu sự bền vững của giao ước hôn nhân không dựa trên nền tảng sâu xa là sống tín trung như Thiên Chúa là Đấng trung tín.

Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra, nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người. Ðiều này đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh, nhưng đó là bí quyết để con người sống trọn ơn gọi của mình và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta đừng sợ cố gắng hy sinh, bởi vì Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài và để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Huệ Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *