By TT. MTGXL
TÌNH TRỜI THẬP TỰ
Is 52, 13 – 53, 12; Dt 4, 14-16; 5, 7-9; Ga 18: 1 – 19, 42
Thiên Chúa là Tình Yêu ! Qủa thế, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27), tiến trình tạo dựng đang đi tới kết thúc trong sự thông hiệp với Chúa Giêsu, Đấng dám tuyên bố: “Mọi sự đã hoàn tất.”(Ga 19, 30) Việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa “thí mạng mình” đã thể hiện tính cao độ nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.
Ta đọc ra rằng Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người, chỉ có con người thường dửng dưng, vô cảm với nhau và dửng dưng, vô cảm với Thiên Chúa. Sự dửng dưng, vô cảm ấy bắt đầu từ lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, đến lợi ích cá nhân mà bỏ quên người bên cạnh. Lối sống này cũng đang diễn ra ngay trong các gia đình, khi các thành viên chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến những người khác.
Có nhiều người cha, người mẹ hoặc con cái bị bỏ quên trong gia đình, bị gạt ra khỏi sự quan tâm, chăm sóc, có khi còn lạnh lùng gây đau khổ cho nhau. Trong xã hội, nhiều người đã cố tình làm ngơ trước sự dữ, sự ác; nhiều người đã cộng tác với những bất công mà loại trừ những anh chị em đau khổ.
Thiên Chúa yêu ta không vì ta tốt lành, đạo đức hay hữu ích cho Người. Người yêu ta cả khi ta trong dáng dấp rách nát của đứa con hoang đàng không một chút đáng yêu. Vì thế, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, bằng cách bước ra khỏi quỹ đạo khép kín của mình để đi vào quỹ đạo tình yêu của Chúa, Đấng là trung tâm và động lực của tất cả hoạt động chúng ta.
Chính vì Đức Kitô đã chết bằng cái chết hướng về Chúa Cha cho tất cả mọi người, nên mọi người tín hữu cũng được mời gọi bước vào cái chết của Chúa, đó là một cái chết vì yêu, bởi duy tình yêu mới làm cho con người vượt qua thời gian đi lên Chúa Cha, để bước vào mối tình vĩnh cửu bằng lòng yêu mến, nhờ bởi quyền năng tình yêu là Thần Khí.
Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi phải mang trên mình những đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa được Isaia mô tả: “Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến Người.
Thật sự, Người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta” (Is 53, 2-6).
Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình qua cái chết, hơn nữa, vì yêu thương nhân loại, nên Ngài đã bị liệt vào hàng tội lỗi và sẵn sàng mang lấy tội lỗi của nhân loại trên thân mình Ngài để cầu nguyện và đền tội thay cho mọi người (Is 53,4-11). Vì thế, Ngài đã trở thành Chiên vượt qua (1Cr 5, 7), đến gánh tội trần gian (Ga 1, 29), thành vật hiến tế (1Ga 4, 10), để làm của lễ “chuộc tội đời đời” (Dt 9, 12.10,10).
Chúa Giêsu đã tự vác thập giá, từ dinh quan Philatô đến núi Canvê. Theo những khám phá từ tấm khăn liệm thành Turinô và những nghiên cứu sử học, thì người bị kết án tử hình phải vác cây gỗ ngang, còn cây gỗ dọc thì đóng sẵn trên đồi. Việc vác cây gỗ ngang nhằm tránh tử tội trốn thoát, đồng thời cũng là một nhục hình để trừng phạt.
Bài Thương khó hôm nay cho thấy tình yêu hy sinh đến cùng của Thiên Chúa. Vì yêu con người, muốn cho con người hạnh phúc, Chúa Giêsu đã chấp nhận một cuộc hành hình đau đớn và cuối cùng là cái chết nhục nhã trên thánh giá. Cũng qua bài thương khó này, tác giả còn cho thấy sự dửng dưng, vô cảm của con người, của xã hội trước bản án bất công mà giới lãnh đạo đã cố tình áp đặt trên một người công chính.
Truyền thống Giáo hội diễn tả con đường thập giá của Chúa Giêsu qua 14 hình ảnh được gọi là “Mười bốn chặng đàng Thánh Giá”. Trên con đường này, nhiều biến cố đã xảy đến với Chúa Giêsu. Từ cuộc gặp gỡ với Đức Mẹ đến cuộc gặp gỡ với những người dân thành Giêrusalem. Từ những người ghen ghét chê bai nhạo cười đến những người cảm thương và giúp đỡ. Ông Simon và bà Vêrônica là hai người xa lạ và có địa vị thấp kém trong xã hội, lại là những người giúp Chúa, một người vác đỡ thập giá, một người lau mặt Chúa đang đầm đìa mồ hôi và máu.
Khi chấp nhận mang lấy những khổ đau và nhục nhã của cái chết nơi thập giá, Đức Giêsu đã trở nên như hạt lúa phải mục nát đi để, từ đó, sự sống mới phát sinh, như thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6- 8). Điều này có nghĩa là: Đức Giêsu Kitô, khi tự hạ làm nô lệ, khi tự để mình bị trói buộc trong cuộc khổ nạn và từ bỏ chính mạng sống của mình, chính lúc ấy, Ngài đã thể hiện một tình yêu vẹn toàn, một tình yêu đi đến tận cùng của tình yêu, là cái chết. Nhờ đó, sự sống đời đời xuất hiện cho chúng ta. Đó chính là con đường nối kết giữa sự chết và sự sống: chấp nhận khổ đau và chết vì yêu thương sẽ mở ra con đường dẫn đến sự sống muôn đời.
Khi thập giá được dựng lên, và khi Chúa Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh thường. Họ coi thập giá như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm… Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Chúa Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ chế độ và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Chúa Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội!
Trong hành trình thập giá, Chúa ngã ba lần, nhưng Người lại gượng dạy bước đi. Có lẽ, lời nguyện cùng Chúa Cha trong vườn Cây Dầu luôn vang lên trong tâm trí Chúa: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Đó là một cuộc giằng co khốc liệt giữa sự yếu đuối của con người và sự mạnh mẽ của Ngôi Hai Nhập Thể. Chúa Giêsu đã dứt khoát thi hành ý Chúa Cha, chấp nhận mọi nhục hình và gian nan khốn khó. Thập giá chính là bằng chứng của sự tuân phục và hy sinh của Người.
Huệ Minh
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: Vui Học Lời Chúa Chúa Nhật II Mùa Vọng C
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Khối Thiếu Nhi Tháng 12.2024
RIP Tháng 12.2024
Bảo vệ: THÔNG TIN Tháng 12.2024