By TT. MTGXL
Một trong hai tên gian phi bị treo thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với”. Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ. Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái”. Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên đàng” (Lc 23, 39- 43)
Nhìn bề ngoài, cả ba người đang cùng chịu chung một số phận. Bình thường, các nạn nhân bị đóng đinh thập giá phải vật lộn một cách tuyệt vọng với sự đau đớn của cơn hấp hối kéo dài. Theo các bài tường thuật thương khó của Matthêu và Marcô thì chính Đức Giêsu cũng trải qua cảm giác bị bỏ rơi và đã tắt thở sau một tiếng kêu thảm thiết. Trong lúc đó, tường thuật của Luca đưa vào một cuộc tranh luận ngắn giữa hai tên “gian phi” về Đức Giêsu. Hình như sự hiện diện của Đức Giêsu trong cùng hoàn cảnh làm cho các tử tội cảm thấy có thể cầu mong điều gì đó, cho dù mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau.
Câu chuyện diễn ra chỉ ít phút trước khi Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng. Dưới hình hài tả tơi không còn dáng vẻ người (Is 52, 14) đâu đó còn sót lại chút gì khiến người ta thắc mắc: “Ông không phải là Đấng Kitô sao?”. Lúc sinh thời Đức Giêsu rất dè dặt với tước hiệu Kitô. Người chỉ gián tiếp trả lời câu hỏi của Gioan Tẩy Giả (x. Mt 11, 3) và cũng gián tiếp xác nhận lời tuyên xưng của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Trên thập giá, Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của một trong hai tên gian phi, và cũng không “tự cứu mình” để chứng tỏ mình là Đấng Kitô.
“Ông không phải là Đấng Kitô sao?”. Đức Giêsu phải trả lời thế nào để chúng ta hiểu, bởi vì thực tế đang diễn ra cho Ngài đi ngược lại với tất cả những gì con người mong đợi nơi Đấng Kitô. Ngày xưa người Do Thái chờ đợi một Đấng Kitô uy quyền, khôi phục Israel, giải thoát họ khỏi ách thống trị ngoại bang, đem lại an bình thịnh vượng cho dân tộc. Thế rồi người ta thất vọng về Ngài và quyết định trao nộp Ngài cho người ngoại quốc đóng đinh. Ngày nay, thế giới của chúng ta cũng không e ngại bày tỏ sự thất vọng về Ngài. Hơn hai ngàn năm qua, Đức Kitô đã làm gì cho nhân loại? Hay con người vẫn tiếp tục sống trong đau khổ, sợ hãi, giẫy giụa giữa tranh chấp hận thù? Tiếp tục tin vào Đức Kitô trở thành một thách đố vì không chứng tỏ nổi những giá trị nghịch lý của Tin Mừng. Mặt khác, câu hỏi của tên gian phi là một lời thách thức, hay đúng hơn là một sự phỉ báng vì Đức Kitô như thế thì hoặc là không phải “Kitô” hoặc là quá “vô tích sự”, vô tích sự đến mức mà cả kẻ tội lỗi cũng có quyền lên tiếng nguyền rủa. Đức Giêsu trên thập giá không tự cứu nổi mình thì làm sao có thể cứu người khác?
Nhưng đối lại với thách thức, lăng nhục còn có một thái độ khác đối với Đức Giêsu: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái”. Đúng vậy, Đức Giêsu không làm điều gì trái ý Chúa Cha. Trong tư cách là người, Ngài cũng không làm gì sai trái với nhân phẩm và lương tri. Nhưng có lẽ Ngài đã làm trái ý con người chúng ta. Nhân loại rắp tâm trừng phạt Ngài vì Ngài không thỏa mãn mong chờ của họ, vì Ngài làm cho lương tâm lầm lạc của họ cảm thấy ray rứt khó chịu, vì Ngài gây phiền hà không để cho họ tự do theo đuổi ước muốn bất chính, và nhất là vì Ngài dám tố cáo giới chức quyền mượn danh Thiên Chúa để ức hiếp người nghèo, dọa dẫm người kém hiểu biết, bắt nạt những tâm hồn chất phát đơn sơ. Có quá nhiều lý do để người ta loại trừ Ngài. Phải chăng vì Ngài “công chính” (Mt 27, 19) nên không có chỗ dung thân giữa thế giới loài người?
Thật ra thế giới này không hoàn toàn băng hoại, và thập giá Đức Giêsu đã phơi bày sự phân rẽ đó. Một phần nhân loại vẫn tiếp tục thách thức Thiên Chúa, đòi hỏi Thiên Chúa phải cứu họ khỏi tai họa do chính họ gây ra. Nhưng vẫn có những người nhận ra nơi Đức Giêsu chân dung thật của Đấng Kitô, một Đấng Kitô chỉ được nhận biết trong sự liên đới với con người, để rồi giữa hàng phạm nhân, Ngài xuất hiện như Đấng Cứu Độ. Trong cảnh tối tăm bao phủ đỉnh đồi Calvê, Ngài chiếu tỏa sự rạng ngời của một thế giới khác với thế giới chúng ta đang sống, một thế giới chúng ta chưa hình dung được, nhưng diễn tả với tất cả niềm khát mong trong hai chữ “Thiên Đàng”. Thế mới hiểu thế nào là ơn cứu độ “nhưng không”. Điều khác nhau giữa kẻ được người mất là ở chỗ ta có biết quay lại với Đức Kitô và cầu xin được Ngài nhớ đến hay không.
Sr. Anna Trần Thị Nguyệt
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA- Chúa Nhật 32 Thường niên B
Bảo vệ: THÔNG TIN Tháng 11.2024
RIP Tháng 11.2024
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 31 Thường Niên B