By TT.MTGXL
“Là con” được diễn tả bởi động từ to be trong tiếng Anh, động từ être trong tiếng Pháp.
“Làm công” được diễn tả bởi động từ to do trong tiếng Anh, động từ faire trong tiếng Pháp.
Động từ “ LÀ” chỉ bản chất : là con, là tu sỹ, là nữ tu… ; động từ “LÀM” diễn tả hành động: làm việc, mục vụ, bác ái… “Là con” thuộc về căn tính gắn liền với bản chất người, có giá trị vững bền. Trong khi “làm công” thuộc về sứ mạng được trao và chỉ có giá trị trong khoảng thời gian nhất định. Nếu sứ mạng đó hoàn thành thì ta lại được trao một sứ mạng khác, nếu sứ mạng đó không phù hợp thì ta thay đổi sao cho hiệu quả mà vẫn không đánh mất chính mình. Trong trường hợp chúng ta phải đối diện với chọn lựa “là con” hay “làm công” đòi buộc ta phải xét trên thứ tự ưu tiên để đưa đến quyết định chấp nhận hay chối từ. Công việc này có phù hợp với căn tính của người nữ tu hay không? Nếu phải lao động vất vả hơn, thu nhập ít hơn mà phẩm chất đời tu của tôi được đảm bảo thì tôi có vui lòng đón nhận không? Đó là sự khác biệt giữa “là con” và “làm công”. Sự khác biệt ấy được tìm thấy trên nền tảng Thánh Kinh.
Thật vậy, Kinh Thánh là một bộ sách rất dài, có thể chúng ta không nhớ hết mọi chuyện, cũng có thể chúng ta không thuộc nổi từng câu chữ. Đó là một câu chuyện rất hay xuyên suốt lịch sử của một đoàn dân được Thiên Chúa tuyển chọn : lịch sử của lạc mất và tìm kiếm. Trong cuộc tìm kiếm ấy, con người ra sức tìm lại những gì họ đã đánh mất. Mặc dù, có lúc chúng ta ở trong tình trạng không biết mình đang mất gì. Lời Chúa giúp chúng ta khám phá ra cái mất đó thật sự là cái gì. Ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy có cái gì đó bị mất và người ta bắt đầu đi tìm, cả thế giới cùng đi tìm, mỗi người đều tìm, tất cả chúng ta đều tham dự vào cuộc tìm kiếm đó… Bởi vì, cả nhân loại đã đánh mất « địa đàng ». Cho nên, ngày nay cả nhân loại đang khao khát tìm kiếm cái gọi là « Thiên Đàng ».
Câu chuyện đầu Kinh Thánh kể: Hôm ấy, bà Eva đã đánh mất địa đàng vì một trái cây bị cấm. Hôm ấy, bà Eva đã làm một việc mà ngày nay chúng ta cho là không đáng kể, cũng như những gì chúng ta mất đều luôn luôn do một nguyên nhân không đáng kể : ăn một quả táo đâu đáng để mất vườn địa đàng ! Thật ra, trong vườn địa đàng năm ấy có rất nhiều cây. Trong số cây không bị cấm có cây « sự sống ». Eva được ăn hết mọi trái cây trong vườn kể cả trái cây sự sống nhưng tiếc thay bà đã đưa tay hái trái cây biết lành biết dữ kia. Có một giới hạn không thể vượt qua thì con người đã vượt qua ; có một cây không hề bị cấm thì con người lại không đụng đến. Hậu quả, con người từ nay không thể đụng vào cây sự sống nữa. Vì chưa đụng được nó nên con người luôn ước mơ, tìm kiếm : “cây sự sống” biểu tượng cho Thiên đàng.
Tương tự như vậy, lịch sử Israel lặp lại chuyện đó khi họ mất Đất Hứa. Từ đó về sau người ta lại mơ ước một cái khác gọi là Nước Thiên Chúa – Nước Trời. Cho nên trong sứ vụ rao giảng của Đức Giêsu, Ngài luôn luôn rao giảng về Nước Thiên Chúa. Ngài ví Nước ấy giống như cái này, giống như cái kia. Bởi vì, đó là một thực tại mà người ta vẫn còn ước mơ… Khi dân Israel hoàn toàn mất quê hương cũng chính là lúc họ bắt đầu hình thành ý niệm Nước Thiên Chúa.
Một cách khác, dụ ngôn người cha nhân hậu cho chúng ta thấy cả hai người con đều mất một cái gì đó : mất tình nghĩa cha – con, anh – em, mất một mái nhà. Chọn rời xa mái nhà là chọn ở trong tình trạng lưu vong vì không quê hương, không tổ quốc, không nơi nương tựa. Chọn “mất tình cha” là chọn mất quyền “là con” để trở thành người “làm công”, như Adam và Eva khi đánh mất Địa Đàng thì ngay lập tức trở thành người “làm công” cho chính mình. Họ phải tìm lại địa vị, bản chất “là con” của mình.
Trong cuộc tìm kiếm ấy, chúng ta gặp rất nhiều gian khổ và chông gai. Đó hành trình của mồ hôi, nước mắt. “Làm công” đổi lấy sức lao nhọc để sống. Câu chuyện địa đàng cho thấy chết là cái gì mà Thiên Chúa không hề tạo dựng nên, nó len lỏi vào trong thế gian do trách nhiệm của con người. Sách Sáng Thế cho thấy, con người có quyền thừa kế, quyền cai quản mọi sự. Khi mất tương quan với Thiên Chúa, quyền đó gặp vô vàn chống đối, cản trở : đất đai trở nên khô cằn, gai góc, chống lại sự lao nhọc của chúng ta. Sau chuỗi ngày đổ mồ hôi sôi nước mắt để tìm sự sống, bám víu lấy sự sống, sự chết đến kết thúc mọi sự, con người trở về bụi đất. Công sức chúng ta bỏ ra để có được miếng ăn lại hết sức phù du. Những gì chúng ta kiếm được hôm nay sẽ mất ngày mai.
Điều trớ trêu ở chỗ là làm công lâu dần cũng quen đến nỗi khi được giải thoát khỏi Ai Cập, trên con đường tìm lại tự do, dân Do thái lại có một ước muốn điên rồ vì gặp đôi chút khó khăn : “Thà rằng chúng tôi trở về Ai Cập, ở đó có lao động cực nhọc nhưng vẫn còn có miếng ăn.” Lời ấy diễn tả tình trạng quen dần với chế độ làm công, chế độ nô lệ, quen đến mức mà người ta cảm thấy bình thường, không muốn tìm cách thoát ra. Đó là lịch sử của dân Israel, dân được Thiên Chúa tuyển chọn và gọi bằng danh xưng : “Con là con của Ta. Hôm nay, Ta đã sinh ra con” (Tv 119).
Tin Mừng Thánh Luca cho thấy một thực tế khác Từ chỗ “là con” chuyển sang chỗ “làm công” là một tình trạng tệ hại khủng khiếp : trở thành kẻ chăn heo đói khát. Nói như vậy, không có nghĩa “là con” thì không phải làm lụng, có thể họ còn làm nhiều hơn vì họ làm cho chính mình. .Người “là con” mà có tâm trạng “làm công” thì luôn luôn thấy mình vất vả, thiệt thòi. Lẽ ra, người con thứ mà không trở về thì người con trưởng không so đo vì không bị đe dọa bởi đứa em đã tiêu tán hết tài sản mà vẫn được đối xử tử tế. Bao lâu chúng ta cảm thấy trong tâm tư có cái cảm tưởng vất vả và thiệt thòi thì đó là tình trạng của người “làm công”. “Là con” cũng làm việc nhưng làm việc nhà mình, không cần tính thời gian, không so đo hơn thiệt. “Làm công” tính toán tiền lương theo giá trị thời gian. Người “là con” thì làm nhiều hơn người “làm công” mà không thấy vất vả thiệt thòi.
Tìm lại khó hơn làm mất. Ly nước đổ không bao giờ vớt lại đầy. Tình nghĩa sứt mẻ khó làm lành như trước. Hành trình “trở về” bao giờ cũng khó hơn chuyện “ra đi”.
Khi chọn “ra đi” là chọn sống cảnh lưu vong với chính mình. Vì vậy, Thánh Phaolo nói: “Điều mà tôi muốn làm thì tôi không làm. Điều tôi không muốn làm thì tôi lại làm” (Rm 7,19). Mình không còn là chủ của mình nữa, mình trở thành nô lệ cho chính mình mà không hay biết. Lịch sử cứu độ kéo dài vì người ta không nhận ra sự mất mát này để trở về, để nhận biết chính mình, nhận biết phẩm chất ơn gọi “là con” của mình.
Có rất hiếm nô lệ sống như người con nhưng có rất nhiều người con sống như nô lệ. Chúng ta được mời gọi để tự xét lại mình trước mặt Chúa. Chúng ta đối xử với Chúa như thế nào : “Là con” hay “làm công”?. Chúng ta đã đáp tình Chúa vì những ơn huệ mình đã lãnh nhận được ra sao? Khi chúng ta cảm thấy trong tâm tư dấy lên cơn cám dỗ của sự so bì chính là lúc chúng ta đang “làm công” cho Thiên Chúa, làm công cho cộng đoàn. Người “là con” thì làm tất cả những gì Chúa muốn làm, Cha muốn làm, Hội dòng muốn làm như là việc của chính mình. “Là con” thì vâng phục trở nên tự do thực sự. “Là con” là trở nên giống Chúa Giêsu, đồng hình đồng dạng với Ngài : “Cha Ta làm việc liên lỉ và Ta cũng làm việc liên lỉ”.
Hành trình tìm về Thiên Đàng là hành trình tìm kiếm Nước Thiên Chúa, nơi đó ta coi mọi người là anh em. Người ta thấy Chúa Giêsu trong những người đói khổ nhất, đau yếu nhất, thiếu tự do nhất. Vào nhà cha là đón nhận lại một người em đã mất ; về nhà cha không phải để được cái này cái kia, không phải để tính chuyện làm ít làm nhiều, nhưng để sống yêu thương với một người cha và với anh chị em.
Hành trình trở về nhà Cha là hành trình thập giá, sẵn sàng làm những gì Cha muốn dù có phải thiệt thân. Chúa Giêsu là con đích thực, con yêu dấu còn chúng ta tựa như người con đi hoang, chưa bao giờ hiểu thấu tình Cha.
Có lẽ chúng ta cũng đang đánh mất danh phận “là con” nên nhiều khi thấy mình vất vả, thiệt thòi, trống vắng. Xin Chúa cho chúng ta hiểu LÀ NỮ TU Mến Thánh Giá khác với LÀM NỮ TU Mến Thánh Giá. Xin cho chúng ta tìm được con đường trở về với Cha, với anh chị em và với bản thân mình nhờ sự khôn ngoan của Thập giá Chúa Giêsu.
Ngọc Yến – MTGXL
Viết theo bài giảng tĩnh tâm của chị TPT Anna Trần Thị Nguyệt
Chúa nhật 7/4/2019
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA- Chúa Nhật 32 Thường niên B
Bảo vệ: THÔNG TIN Tháng 11.2024
RIP Tháng 11.2024
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 31 Thường Niên B