By TT. MTGXL
Thứ Sáu, 10.02.2023
TUẦN V THƯỜNG NIÊN
Mc 7,31-37 HÃY MỞ RA
Câu chuyện chữa lành hôm nay có mấy điểm khác thường: trước tiên là việc Chúa Giêsu kéo người thiểu năng ra khỏi đám đông rồi thực hiện một sự tiếp xúc tương đối nhạy cảm lên tai và lưỡi anh ta; kế đến là chi tiết Ngài thở dài. Thở dài có thể phát xuất từ một cảm xúc tiêu cực hoặc một trạng thái căng thẳng cần tập trung sinh lực.
Đám đông vẫn ở đó, chứng kiến việc chữa lành, nhưng Tin Mừng muốn tách Chúa Giêsu riêng ra với người cần được chữa lành, làm cho sự việc trở thành một sự kiện trước mắt mọi người.
Lời có hiệu quả làm cho người điếc và ngọng nghe nói bình thường là : “Hãy mở ra”. Như vậy nguyên nhân khiến anh ta không nghe nói được là bị đóng, bị khoá, bị ngăn chặn. Anh cần được giải thoát khỏi sự đóng, khoá, khép lại đó về phương diện thể lý. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không làm phép lạ chỉ để chữa bệnh thể xác, mà quan trọng hơn là chữa lành tâm linh. Người được chữa lành là nhân vật của câu chuyện nhưng không phải đối tượng của câu chuyện. Đối tượng của sự kiện là đám đông, là tất cả chúng ta.
Nghe, nói là những khả năng làm cho ta trở thành một chủ thể có giá trị trong tương quan với mọi người. Thế mà thực trạng xã hội đã biến không ít người trở thành câm điếc : những người không có tiếng nói trong cộng đồng, những người nói không ai nghe, những người chán nản không còn muốn nói; những người không có khả năng nghe, những người mà việc nghe trở thành cay đắng, tủi nhục, khổ hình, …
Chúa Giêsu là nạn nhân của một thực trạng xã hội đáng buồn như vậy. Trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu hầu như thinh lặng. Những câu nói ít ỏi của Ngài không được nghe, hoặc nghe sai.
Có lẽ tiếng thở dài của Chúa Giêsu diễn tả sự liên đới của Ngài với nhiều người trong chúng ta.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thập giá, mời bạn suy gẫm:
1. Người câm điếc là hình ảnh của mỗi người chúng ta trong những tình huống mà khả năng nghe nói của chúng ta trở thành vô nghĩa, bất lực.
2. Thử ngẫm xem xung quanh ta có bao nhiêu người đang sống như những sinh vật không có tiếng nói, không được lắng nghe. Nếu có chuyện phải nói thì thực ra còn tệ hơn cuộc đối thoại giữa những người câm điếc.
3. Hãy cám ơn Chúa Giêsu vì Ngài là người duy nhất hiểu bạn trong những tình cảnh ngộp thở của một sự thinh lặng hủy diệt. Nhờ vậy bạn mới có thể vượt qua để còn có ngày hôm nay.
Anna Trần Nguyệt
MTGXL
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 28 Thường Niên B
Bảo vệ: CHẦU THÁNH THỂ – Thiếu Nhi- Chúa Nhật 27-34 Thường Niên B
KHÔNG CÒN PHÉP LẠ – Lc 10,13-16 – Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 04.10.2024
RIP Tháng 10.2024