VÁC CHÕNG MÀ ĐI VỀ NHÀ- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 13-01-2023

By TT. MTGXL

Thứ Sáu, 13.01.2023

TUẦN I THƯỜNG NIÊN

Mc 2,1-12 VÁC CHÕNG MÀ ĐI VỀ NHÀ

 

Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ tại Ca-phác-na-um, nhưng phép lạ chữa người bại liệt hôm nay thường được nhắc đến vì chi tiết độc đáo là bệnh nhân được thả xuống từ mái nhà, ngay trên chỗ Chúa Giêsu ngồi. Một chi tiết khác cho biết là Chúa Giêsu lưu trú khá thường xuyên ở đây, coi như nhà của Ngài. Hôm đó người ta biết Chúa Giêsu “ở nhà” nên tụ tập lại rất đông.

Người được hưởng ơn chữa lành trong câu chuyện mắc bệnh bại liệt, vì vậy không cách nào tự mình đến nhà Chúa Giêsu. Đó là một tình trạng hoàn toàn lệ thuộc : trước tiên là bị trói chặt với cái chõng, kế đến là tùy thuộc vào sự giúp đỡ và sáng kiến của những người khác, và nhất là họ đặt tất cả hy vọng vào Chúa Giêsu. Cách họ xoay xở mái nhà để đưa người bại liệt đến trước mặt Chúa Giêsu cho thấy động lực từ niềm hy vọng đó là vô cùng mạnh mẽ.

Sau khi được chữa lành, người bại liệt được giải thoát khỏi mọi lệ thuộc:  người này rời khỏi nhà Chúa Giêsu để về nhà mình, bốn người khiêng không được nhắc đến nữa vì không cần sự giúp đỡ của họ nữa. Tuy nhiên, người được chữa lành vẫn không bỏ được cái chõng của mình, chỉ khác một điều là thay vì nằm bẹp dí trên nó thì bây giờ người này có thể vác nó đi. Không phải vô cớ mà trong một câu chuyện ngắn như vậy cụm từ “vác chõng (mà) đi” được nhắc lại đến ba lần (cc 9.11.12). Nếu chú ý đọc Tin Mừng, ta sẽ thấy động từ “vác” có vẻ thông thường này được sử dụng ở những chỗ rất có ý nghĩa : một là khi Chúa Giêsu vác thập giá trong cuộc khổ nạn, hai là khi Chúa Giêsu ra điều kiện cho các môn đệ nếu muốn theo Ngài thì phải vác thập giá mình mà theo.

Từ sự liên tưởng với thập giá Chúa Giêsu, ta có thể suy gẫm để nhận ra những hình thái khác nhau của thập giá trong cuộc đời :

  1. Bệnh tật thể xác, tinh thần cùng với những hệ lụy của nó là một loại thập giá được cảm nhận rất rõ vì nó đau đớn, khổ cực, lệ thuộc, làm giảm chất lượng sống và không hiếm khi gây nên tủi nhục.
  2. Loại thập giá thứ hai là cái “chõng”, cái “giường” của mình; cái chỗ tối thiểu ta có thể đặt mình trên cõi đời này. Nó là một thứ biểu tượng cho thân phận người, không bỏ đi được. Người được chữa lành vẫn mang thân phận ấy nhưng từ nay được bước đi trên đôi chân của chính mình. Hoàn thành ơn gọi làm người là một việc khó nhọc, đòi hỏi kiên trì và cố gắng. Loại thập giá này không phải ai cũng muốn vác nhất là khi người ta đã quen sống trong sự lệ thuộc, bám nhờ, thiếu trách nhiệm với bản thân.
  3. Loại thập giá thứ ba là hy sinh vất vả vì người khác. Hình ảnh này được thấy nơi bốn người khiêng và nhất là nơi Chúa Giêsu. Kết quả sự việc là người bại liệt được chữa lành còn Chúa Giêsu lại chuốc thêm rắc rối với các kinh sư.   

     Ta không thể chối bỏ thập giá đời mình, nhưng ta có thể quyết định vác lấy nó như một nạn nhân,                 như một tác nhân, hay như một thánh nhân.

Anna Trần Nguyệt

MTGXL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *