Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Tuần III Mùa Chay

By TT. MTGXL

CHÚA ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN LỀ LUẬT

Tin Mừng Mt 5: 17-19

Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm. Cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới pháp luật càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được pháp luật bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị luật pháp đe dọa. Và sự đe dọa đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người biết đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Giá trị và quy luật ấy chính là tình yêu.

Với trang Tin Mừng hôm nay, Chúa đã khẳng định một cách rõ ràng rằng Ngài đến không phải để hủy bỏ nhưng để kiện toàn lề luật. Chúa Giêsu đến dạy cho con người biết tình yêu là giá trị và quy luật cao cả nhất của cuộc sống. Chỉ khi có tình yêu thì lề luật mới làm cho con người cảm thấy tự do đích thực. Ngài dạy chúng ta biết giữ luật không phải vì bổn phận nhưng là vì lòng mến. Chúng ta phải giữ luật theo ý hướng của Chúa Giêsu thì mới trở thành công dân Nước Trời.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c. 17). Thật vậy, Chúa Giêsu đã đẩy luật Môsê đi sâu vào phẩm chất của luật. Có lẽ vì thấy người Do Thái giữ luật chỉ theo hình thức bên ngoài “mã tô vôi” mà quên đi điều cốt lõi là sự yêu thương và lòng bác ái… “Lề luật hay lời các ngôn sứ” được nói ở đây ý chỉ là tất cả Cựu Ước, chứ không chỉ là những cuốn sách.

Vì Đức Giêsu là đích điểm của tất cả lịch sử dân Chúa, là trung tâm lịch sử cứu độ, là ý nghĩa mà toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước nói tới. Ngài khẳng định: Ngài đến để kiện toàn luật, nghĩa là Ngài đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa đích thực của nó.
“Thầy bảo thật: Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm, một phết trong lề luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”. (c.18) Một chấm, một phết ở đây không là dấu chấm phẩy trong câu văn tiếng việt của chúng ta, nhưng là những nét chấm, phết trong mẫu tự Do Thái. Đó là những nét nhỏ để phân biệt chữ này với chữ khác.

Vậy tại sao một dấu nét nhỏ trong lề luật không thể qua đi? Chúa Giêsu nhấn mạnh và nêu lên hình ảnh này để nói lên tầm quan trọng đích thực của luật. Vì lề luật được xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa. Và những gì là Thánh ý Chúa thì không được xem là nhỏ bé, tầm thường. “cho đến khi mọi sự hoàn thành”. Chúng ta thấy ngôn từ này quen thuộc như lời Chúa Giêsu đã nói khi ở trên cây Thánh giá trước khi trút hơi thở cuối cùng: Mọi sự đã hoàn tất… Đấng ban lề luật, Đấng xét xử lề luật đã hoàn tất công trình cứu chuộc, Ngài đã kiện toàn luật Môsê bằng chính sự hiến dâng thân xác của mình, để từ nay đưa con người vào sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, phá bỏ mọi gánh nặng của lề luật trói buộc con người.

Đức Giêsu đến thế gian này để kiện toàn, thăng hoa và khoác cho luật một chiếc áo mới: Luật yêu thương. Đức Giêsu đến với nhân loại này, Ngài như một luồng gió mát nhân danh Thần Khí và Sự thật phá tan mọi rào cản của những người làm luật và sống luật một cách cứng nhắc, khô cứng thời đó. Đồng thời Ngài dạy con cái mình tự do trong thi hành luật với tinh thần yêu thương, tha thứ cũng như đón nhận những yếu đuối, sa ngã nơi anh chị em mình. Ngài dùng luật tự do trong bác ái để tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình, Ngài dùng luật yêu thương để chữa bệnh ngày sa-bát. Ngài dùng luật công bằng mà đến với hết thảy mọi người không phân biệt Do Thái, Hy Lạp hay Dân ngoại…

Trái lại, những Luật sĩ, những thầy Pha-ri-sêu, những Rabbi là người am hiểu luật pháp, thi hành và sống luật một cách máy móc, vụ lợi, thậm chí dùng luật để ngăn chặn và cản trở tha nhân đến với tình yêu. Vụ luật, sống với nghĩa đen của nó, tự bản chất, họ đã giết chết luật cũng như đồng loại. Họ tự ví mình như những chiếc “dây luật” tự quấn vào chân mình và còn dùng dây ấy trói buộc và kèm cặp không cho anh chị em của mình thực thi giới răn yêu thương. Họ thiếu hẳn tinh thần sống lạc quan, không có sự tự do trong Chân lý để hướng dẫn, đồng hành với tha nhân trên con đường tiến về quê hương Nước Trời.
Và rồi ta thấy “Ai bãi bỏ luật là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân giữ và dạy người khác thì gọi là lớn trong Nước Trời”. Vì sao vậy? Vì luật là ý muốn của Thiên Chúa. Ai nghe và tuân giữ Lời Chúa thì được gọi là mẹ, anh em, chị em của Chúa Giêsu (Lc 8,,21). Và môn đệ chân chính là người thi hành ý muốn của Chúa Cha. (Mt 7,21). Chúa Giêsu còn đưa ra ví dụ dẫn chứng về việc nghe và thực hành Lời Chúa qua dụ ngôn: xây nhà trên cát hoặc trên đá và hậu quả sự khác nhau đó sẽ xảy ra khi mưa to, bão lớn. (7, 24tt).

Xã hội chúng ta đang sống cũng có biết bao nhiêu thứ luật lệ. Luật lệ được đặt ra nhằm đảm bảo cũng như phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của con người. Nhưng ngày nay cũng có những điều luật phá vỡ tình người, làm băng hoại đạo đức và đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa như: cho phép ly dị, phá thai, hay chấp nhận hôn nhân đồng tính… Giáo hội không đồng tình với những đạo luật này. Là những người Kitô hữu, chúng ta có chọn đứng về phía Giáo hội? Chúng ta có thấy những luật lệ của Giáo hội làm mất sự tự do của chúng ta chăng? Luật giữ ngày Chúa Nhật hay luật hôn nhân Công giáo có làm mất đi sự thoải mái của chúng ta trong cuộc sống không? Thái độ của chúng ta trong việc thực thi những điều luật này như thế nào?

Chúa Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban, nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài. Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở, cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại. Người Kitô hữu gốc Do Thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo, bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông, Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi. 

Huệ Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *