By TT. MTGXL
YÊU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU
Tin Mừng Ga 13: 1-15
Thánh Gioan tông đồ khẳng định rằng Thiên Chúa là tình yêu nên mọi tình yêu phải bắt nguồn từ Ngài và cũng phải qui hướng về Ngài như một nguồn suối duy nhất. Nếu tình yêu của chúng ta bắt nguồn từ Ngài thì chúng ta cũng phải yêu Ngài. Chính vì thế Ngài nói : “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi và hãy yêu anh em như chính mình”(Mt 28, 37.39). Ngoài ra, Chúa Giêsu còn nhắc nhở tình yêu này cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn : “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13, 24 ; 15, 12).
Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday) còn gọi là Thứ Năm Giao Ước, Thứ Năm Tuyệt Đối, hoặc Thứ Năm của các Mầu Nhiệm. Theo La ngữ, chữ Maundy nghĩa là “mệnh lệnh”. Thứ Năm Tuần Thánh muốn nói tới mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: “Hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34; Ga 15, 12; Ga 15, 17). Và Ngài gọi đó là Điều Răn Mới. Có thể gọi Thứ Năm Tuần Thánh là Ngày Tình Yêu Thánh của các Kitô hữu.
Chiều hôm nay chúng ta sống lại biến cố Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ và cho cả nhân trần cách đây hơn hai nghìn năm. Chúa rửa chân cho các môn đệ và ban thịt máu mình cho nhân loại.
Chúa Giêsu dạy các tông đồ bài học khiêm nhường hy sinh phục vụ và yêu thương đến cùng, bằng cách rửa chân cho các ông. Ngày xưa, rửa chân là công việc của những đầy tớ, nô lệ trong nhà. Thế mà Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa, mà lại rửa chân cho các môn đệ của mình, cả môn đệ sắp phản bội mình. Qua đó, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ và tất cả mọi người chúng ta hôm nay bài học khiêm nhường và yêu thương phục vụ nhau, dù trong những công việc thấp hèn nhất.
Chúa Giêsu làm tất cả những điều đó cũng chỉ vì yêu và yêu cho đến cùng mà thôi. Và sự yêu thương này, ngày hôm nay Chúa muốn diễn tả thật rõ ràng qua cử chỉ thật ấn tượng là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ khi họ đang tham dự Tiệc Ly. Các ông đã sững sờ trước hành động quá bất ngờ của Thầy Giêsu. Đến nỗi tông đồ Phêrô phải thốt lên rằng : “Không đời nào Thầy phải rửa chân cho con”. Vì sao ông lại phản ứng một cách quyết liệt như vậy?. Bởi vì đối với người Do Thái đây là công việc của một người nô lệ. Vậy mà Thầy Giêsu đã làm điều đó sao? Chúa Giêsu cũng hiểu được nỗi băn khoăn thắc mắc của họ. Cho nên khi rửa chân cho họ xong. Người mới giải thích : “Anh em gọi Ta là Thầy và là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Ta là Thầy, là Chúa. Vì nếu Ta là Thầy là Chúa phải rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng là như Thầy đã làm cho anh em.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa ngồi vào bàn tiếp tục dạy dỗ các môn đệ về yêu thương phục vụ, và nói rõ cho các môn đệ biết mục đích việc Chúa rửa chân cho họ “Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.” Rõ ràng, Chúa muốn dạy chúng ta thể hiện tình yêu thương bằng cách khiêm nhường hy sinh phục vụ.
Ta thấy Tin Mừng nhất lãm không đề cập gì tới việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, nhưng thánh Gioan thì tường thuật lại việc này một cách rất tỉ mỉ, chi tiết. Thánh Gioan đã đưa nhân loại vào khung cảnh, vào câu chuyện: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài ra khỏi thế gian này…Ngài đã yêu mến họ đến cùng. Giờ ở đây có nghĩa là giờ chết, giờ định mệnh của đời Ngài nhưng Ngài đã can đảm đi vào giờ ấy với tất cả lòng quả cảm của mình vì Ngài biết đây là giờ cứu độ. Cái chết của Chúa Giêsu sẽ là sự hoàn thành những lời hứa cho cha ông và đặc biệt là tình yêu đối với các môn đệ. Để diễn tả tình yêu của Ngài, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, bỏ áo xuống và lấy khăn thắt lưng mình…rửa chân cho các môn đệ, rồi lấy khăn thắt lưng mà lau. Chúa Giêsu cho thấy cái tương phản giữa sự cao cả của Ngài và sự yếu hèn tầm thường của các môn đệ. Và việc rửa chân đã xảy ra giữa bữa ăn chứ không phải ngay từ đầu bữa ăn.
Chúa Giêsu đã trao ban cho ta chính con người của Ngài trong phép Thánh Thể, Ngài không bao giờ cô đơn vì Ngài luôn luôn biết cho đi, cho đi một cách quảng đại, cho đi không có giới hạn, cho đi mãi mãi. Nhưng chúng ta không đáp lại sự cho đi của Ngài, chúng ta thờ ơ trước sự trao ban vô vị lợi của Ngài, làm cho Ngài phải cô đơn.
Và rồi ta thấy tính cách ngôn sứ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chỗi dậy ra khỏi bàn ăn. Ở đây nói lên sự vượt qua của Ngài khác nào dân Do Thái khi xưa đi qua biển đỏ. Vượt qua đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là trở về cùng Chúa Cha nhưng còn có nghĩa trao ban thịt máu, là thí mạng vì đoàn chiên. Chính vì thế, Gioan đã tả lại hành vi của Đức Giêsu: Chúa Giêsu chỗi dậy, cởi áo ra. Đây là hành vi lột bỏ tất cả, trở thành nô lệ để phục vụ như người nô lệ.
Hành vi rửa chân của Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh Ngài sẽ hư vô hóa đời Ngài trên thập giá. Việc Ngài cầm chậu quỳ gối rửa chân cho các môn đệ cho thấy sự tự hủy của Ngài như thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Philip: “…Người đã lĩnh lấy thân phận tôi đòi”…Chúa Giêsu cũng trở nên nghèo khó để làm cho người khác nên giầu có. Việc rửa chân của Chúa Giêsu còn diễn tả “tình yêu cho đến cùng của Chúa Giêsu”. Chúa là Thầy và là Chúa mà đã nêu gương và dậy các môn đệ và chúng ta cũng làm như vậy.
Điều đáng lưu ý trong việc rửa chân cho các môn đệ là thái độ của Chúa Giêsu trước Giuđa Iscariốt kẻ phản bội Ngài. Chúa Giêsu đã tỏ ra nhân đạo và tự chủ hết mình trước kẻ phản bội. Ở đây chúng ta nhận ra một điểm sâu xa khác là Ngài hạ mình ngay cả trước kẻ sẽ phản bội Ngài. Cử chỉ này của Chúa Giêsu đã tỏ rõ nét Chúa yêu thương môn đệ cho đến cùng.
Qua hành động của Chúa Giêsu chúng ta rút ra được điều gì ? Bài học thật quá rõ ràng và cụ thể: “Yêu thương và khiêm tốn phục vụ”. Chúng ta làm được điều đó không? Quả thật giữa một xã hội chủ trương hưởng thụ như ngày nay, yêu thương và phục vụ không phải là chuyện dễ dàng. Và rồi ta xin Chúa cho ta thêm ơn để ta biết yêu như Thầy đã yêu.
Huệ Minh
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 34 Thường niên B
ĐỀN THỜ- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 22.11.2024
Ngày Của Con Người- Suy niệm Thập giá Thứ sáu 15.11.2024
Tâm Tình Mục Tử Tháng 11. 2024