Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần II Mùa Chay

By TT. MTGXL

XIN ĐỪNG VÔ CẢM
Tin Mừng Lc 16:19-31

 

Vô cảm mà có thể chúng ta vướng phải trong cuộc đời, khi chúng ta dửng dưng trước những con người đáng thương. Đó cũng là thực trạng nơi trái tim chai cứng của nhân loại thời nay trước những đau khổ của đồng loại quanh mình. Suy nghĩ của bạn sinh viên một lần nữa lại gợi lên trong chúng ta hình ảnh của Tin mừng Lc 16, 19-31: Người phú hộ giàu có, ngày ngày yến tiệc linh đình, cao lương mỹ vị, nhưng ngay bên lại tồn tại một anh Lazarô nghèo nàn chết trong đói khổ, không được trợ giúp.

Ta thấy rằng không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với anh em. Khi mắt ta không để ‎ý sự đau khổ, tâm hồn ta không chút xót thương đến những người phận nhỏ, lòng trắc ẩn không hề rung động trước bi thương của anh em đồng loại sẽ tạo nên hố ngăn cách sâu thẳm giữa ta với tha nhân và với nguồn tình yêu là chính Thiên Chúa. Và như cành nho không gắn liền với thân nho, nó sẽ bị khô héo mà chết đi, mất đi sự sống thần linh, sự sống viên mãn.
Trang bài Tin Mừng hôm nay, sở dĩ người phú hộ không được vào Nước Trời, vì ông đã không tỏ lòng thương xót đối với Ladarô, cho dù đó chỉ là một chút nhỏ nhoi dành cho con người khốn khổ ngày ngày lê lết ăn mày trước cổng nhà ông.
Người phú hộ phải “chịu cực hình” không phải vì ông còn nhiều của cải, nhưng vì ông đã không biết “sử dụng của cải mà mua lấy bạn hữu Nước Trời”, mà bạn hữu ở đây không ai khác là chính Lazarô nghèo khó mà ông gặp hằng ngày. Thực sự, tiêu chuẩn để vào Nước Trời không phải ở chỗ giàu hay nghèo, nhưng hệ tại nơi việc sống bác ái với anh chị em.
Thực tế trong cuộc sống ta thấy thay vì sống thương yêu, cảm thông, con người lại trở nên vô cảm, ích kỷ. Câu chuyện anh Ladarô nghèo khó và người phú hộ giàu sang là một hiện trạng rất thực tế của xã hội chúng ta hôm nay: dửng dưng, thiếu lòng thương xót. Chính sự vô cảm đã tạo ra những vực thẳm ngăn cách trong mối tương quan giữa con người với nhau, dẫn đến chia rẽ, hận thù… Nếu cuộc sống không có đức ái, con người chẳng khác gì một cỗ máy vô tri. Thiếu lòng xót thương, con người tự đóng khung cuộc đời mình trong sự cô độc. Mất lòng thương cảm, con người tự tách biệt mình ra khỏi cộng đồng và nhất là tự mình tách lìa khỏi lòng thương xót của Chúa. Vì ai không biết yêu thương, thì không ở lại trong tình thương của Thiên Chúa (1 Ga 4, 16b).
Tội của người phú hộ chính là tội vô tâm, làm ngơ, phớt lờ, không nhìn, không nghe, không thấy người nghèo, Ladarô đang van xin cứu giúp trong cơn đói khổ. Tội của người phú hộ chính là tội thiếu sót, tội đã không làm những gì lẽ ra mình phải làm cho người đang cần mình trợ giúp. Sẽ có một ngày tất cả chúng ta bước vào một thế giới mà giấy thông hành không phải là tiền của nhưng chính là tình yêu. Chỉ có những ai yêu mến Thiên Chúa và thương yêu anh em mới được bước vào.
Thánh Augustinô có lần đã nói rằng tất cả chúng ta đều là những người ăn mày đang cần đến hồng ân Thiên Chúa: “Anh em giàu có với những của cải tạm bợ, nhưng anh em cần những thứ vĩnh cửu. Điều mà anh em làm với những ai khẩn cầu anh em thì Thiên Chúa cũng sẽ thực hiện như thế với anh em… Hãy đong đầy cho những người anh em đang túng thiếu, để sự túng thiếu của anh em cũng được đong đầy”.
Là những người cần đến lòng thương xót và nhân từ của Thiên Chúa, những người cầu nguyện với đôi bàn tay mở ra như những cái bát của người ăn mày, tôi và bạn đến lượt mình, ta phải cố gắng sống nhân từ, quảng đại và thương xót những người khác, bởi vì mức độ ta cho sẽ trở thành mức độ mà ta nhận.
Quả thực tình yêu thương, lòng trắc ẩn là những đức tính làm cho chúng ta trở thành con người đúng nghĩa. Khi tâm hồn thiếu vắng tình yêu thì phải thấy rằng chúng ta đang tụt hậu. Còn ai biết sống yêu thương thì lại là những người đang cùng nhau tiến nhanh trên hành trình của ơn cứu độ. Đây chính là những người mà Chúa Giêsu nói đến trong bài giảng trên núi: “Phúc thay ai có lòng thương xót vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Thiên Chúa không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn thấu tâm can. Ngài dựa vào những công việc đẹp, những hành động tốt lành mà chúng ta dành cho Chúa và cho nhau. Thật vậy, tác giả Luca diễn tả hai con người, hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau từ đời sống này cho đến đời sống sau. Họ khác nhau từ cách thức họ dành cho nhau và dành cho Chúa. Sự khác biệt, tương phản ấy khởi đi từ đời sống vật chất. Anh nhà giàu, vinh hoa phú quý, ngày ngày yến tiệc linh đình. Sống trong nhung lụa, thưởng thức sơn hào hải vị. Anh ta rất hạnh phúc và sung sướng với những gì mà mình đang có. Trái lại, anh nhà nghèo Lazaro, khố rách áo ôm, người đầy những ghẻ lở hôi thối, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đang đau đớn vì bệnh tật, mong được hưởng chút canh thừa cơm cặn từ ông chủ nhà này…
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương nhưng cũng rất mực công bằng vô cùng. Người ghét tội nhưng Người thương kẻ có tội. Người vui khi thấy kẻ có tội thật lòng thống hối ăn năn. Người còn vui hơn khi chứng kiến con người biết yêu thương và quan tâm đến nhau, xót thương nhau. Anh nhà giàu trong tin mừng Mátthêu đã giữ luật “mến Chúa yêu người” rất hoàn trọn, anh muốn được nên trọn lành giống như Chúa; thế nhưng khi Ngài đề nghị anh bán tất cả tài sản cho người nghèo, anh đã bỏ đi. Anh không biết cảm thương người khác. Anh không thể nên trọn lành như Cha trên trời.

Và rồi ta thấy người phú hộ giàu có ấy có thể là hình ảnh của mỗi chúng ta hôm nay. Mỗi khi ta sống dửng dưng, thờ ơ trước những nhu cầu của người xung quanh hay khi ta sống ích kỷ, ghen ghét làm mất phẩm giá của người khác… là lúc chúng ta cũng đang tự đẩy mình xuống nơi cùng cực, đau đớn như người phú hộ hôm nay phải chịu. Xin cho chúng ta ý thức rằng: chính lúc cho đi là khi nhận lãnh. Gieo nụ cười sẽ gặt về niềm vui. Gieo tình thân, sẽ được ân tình…

Huệ Minh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *