Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh

By TT. MTGXL

BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI 

Tin Mừng Ga 6: 60- 69

Trong kho tàng tục ngữ Việt Nam ta thấy có câu rất hay: “Sự thật mất lòng”.

Và với Chúa Giêsu cũng vậy, Chúa Giêsu không sợ mất lòng mà sợ mất sự thật. Vì thế Ngài khẳng định sự thật: Ngài chính là Bánh đem lại sự sống đời đời, bất chấp cho lời đó chướng tai gây ‘sốc’ khiến các môn đệ rời bỏ Ngài. Trước tình huống phải chọn lựa một trong hai ấy, Phêrô đã không ‘a dua’ theo đám đông mà bỏ Thầy; trái lại ông dám khảng khái tuyên xưng đức tin: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai,” dù cho ông không thấy, không hiểu hết nội dung điều ông vừa tuyên xưng. Ông chỉ biết một điều là luôn bám chặt vào con người Thầy Giêsu, Đấng mà ông tin tưởng ngay cả trong lúc tối tăm vô định nhất, tin tưởng ngay cả khi không có gì để kiểm chứng, để bám víu, ngay cả khi con người ông vẫn còn những yếu đuối khuyết điểm.

Qua lời tuyên tín chọn  Chúa, Phêrô nêu ra ba lý do khiến các ông và các bạn ở lại với Đức Giêsu chứ không rút lui bỏ Ngài như đa số,
Ta thấy trước tiên “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai” nghĩa là chúng con không thể bỏ đi kiểu mù quáng, hơn hớt niềm tin. Khi bỏ đi, chúng con cần phải biết chúng con muốn bỏ ai, và gặp được điều gì tốt hơn và thuyết phục hơn Ngài, điều này không có gì bảo đảm chắn chắn khi bỏ Ngài. Suy tư sáng suốt khi tránh những quyết định vội vã, theo tình cảm. Bởi vì không tìm được một vị thầy nào dứt khoát khá hơn, cho nên khôn ngoan là ở lại với Đức Giêsu.

Kế đến, ta thấy tâm tư thật sâu lắng: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” lời tuyên tín nhắc lại đặc tính của các lời Đức Giêsu như chính Người đã nói: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6, 63). Phêrô chấp nhận lời Thầy mang Thần Khí và sự sống nên tuyên tín: “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Dù ông vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa trọn vẹn những lời Đức Giêsu, nhưng ông đã tin tưởng vào điều chính yếu nhất: sứ điệp của Đức Giêsu đem đến sự sống đời đời.  Đức Giêsu không chỉ nói về điều đó, Người còn mang sứ điệp chắc chắn về sự sống đời đời và mở đường vào sự sống đó. Đó là ân ban cao trọng nhất của Đức Giêsu như Ngài nhấn mạnh thường xuyên trong diễn từ Thánh Thể.

Và tiếp theo ta thấy xác tín của Thánh Phêrô khi Ngài chọn Chúa: “chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Phêrô và nhóm Mười Hai hiểu và nhận biết  Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 69). “Thánh” chính là điều thuộc về Thiên Chúa. Nếu Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, có nghĩa là Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và được kết nối với Thiên Chúa trọn vẹn. Phêrô lập lại danh hiệu này theo thánh vịnh 16: ca tụng tình thân mật sâu xa giữa Thiên Chúa và người cầu nguyện, trong đó có nói đến danh hiệu “Đấng Thánh của Ngài”, theo bản dịch Bảy mươi (Cv 2, 27) như Đức Giêsu đã công bố sự kết hợp giữa Ngài với Chúa Cha (Ga 5,19-30),  Ngài còn loan báo mình đã được “Thiên Chúa thánh hiến” (Ga 10, 6;17, 19).

Danh hiệu “Đấng Thánh Của Thiên Chúa” cao vượt hơn danh hiệu “Thiên Sai” rất nhiều và thích hợp với danh hiệu “Con Thiên Chúa” mà Simon-Phêrô tuyên xưng trong Mátthêu 16,16″. Cho nên, chính vì Đức Giêsu có một tương quan đặc biệt với Thiên Chúa, Người hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, mà Người có những lời ban sự sống vĩnh cửu. Chính vì thế các ông đã ký thác và tín nhiệm hoàn toàn vào Đức Giêsu.

Một số lớn các môn đệ thiếu đức tin và theo cảm xúc và hời hợt, lý trí của con người trước mạc khải mầu nhiệm Thánh Thể, nên không thể chấp nhận được các lời Đức Giêsu. Trong lúc Ngài Giêsu luôn nhắc các môn đệ là Ngài không đến, không nói như một người thường, nhưng là Người đến từ Thiên Chúa và sẽ trở về với Thiên Chúa. Trong bài Diễn từ về Bánh trường sinh, Đức Giêsu đã nhiều lần nêu bật Con Người – Người được Thiên Chúa cử đến và có sự sống phát xuất từ Thiên Chúa (x. Ga 6, 27.57). Điều kiện tiên quyết để hiểu được các lời của Đức Giêsu, trên sự hiểu và nhìn nhận bản thân Người. Nhưng đám đông dân chúng trong số có các môn đệ đáp lại bằng sự thiếu lòng tin, sự từ khước, sự ngờ vực đối với Ngài và đối với lời Ngài. Vì thế nhiều môn đệ “rút lui, không còn ở với Người nữa” (Ga 6,66).

Tuy nhiên, nhóm Mười Hai chọn lựa ở lại (Ga 6, 67-69: ) Nhóm Mười Hai – các môn đệ gần gũi với Chúa Giêsu, cũng bị cám dỗ, bị lay động, bị thách thức bởi mầu nhiệm của mạc khải Thánh Thể và những lời đòi hỏi của Ngài. Trước những thử thách cao độ, Chúa Giêsu đặt câu hỏi với họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6, 67).  Simôn Phêrô đã nhân danh nhóm khi tuyên xưng “chúng con”: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6, 68-69)

Còn với chúng ta, những người thân tín nhất của Chúa, hôm nay và mỗi giây phút trong đời, Chúa cũng nói với chúng ta: “Còn chúng con, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi nữa không”? Chọn lựa thì dễ, còn sống theo điều đã chọn lựa lại là chuyện khác. Tất cả chúng ta đều là người đã chọn lựa Chúa. Nhưng điểm lại những năm tháng của đời chúng ta, chúng ta sống thế nào? 

Theo bước chân của Phêrô và các môn đệ chúng ta xác tín: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Chọn và sống theo Chúa Kitô là cùng Ngài đi trong ban ngày của bình yên cuộc sống hay giữa đêm tối của phong ba thử thách như Phêrô và các môn đệ. Sống với niềm tin vào Ngài là khước từ cách hiểu biết, giác quan và lý luận thông thường, hơn hớt bên ngoài, nhưng là tin mà không thấy (Ga 20, 29) là vững bước với sự chọn lựa và xác tín theo Thầy.

Nếu như ta đi tìm Chúa chỉ vì những cái lợi lộc trước mắt, những lời bùi tai, những giàu sang vật chất thì sẽ không thể gặp Chúa, vì Chúa không đến để ru ngủ, phỉnh phờ. Chúa không chủ trương nói cho bùi tai, mật ngọt chết ruồi. Bản thân Chúa hiền hậu và khiêm nhường (Mt 11, 29) nhưng lời nói thì thẳng thật, mất lòng trước được lòng sau. Những lời chướng tai không thiếu gì trong Phúc âm: Tám mối phúc thật, yêu kẻ thù, bước qua cửa hẹp, vác thập giá, mất mạng sống…và ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời.” Nhưng Chúa không rút lời, không nói nhẹ đi, vì thế có nhiều môn đệ “lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi.” Và họ rút lui, bỏ đi không theo Chúa.

Lời Chúa và nhất là bước theo Chúa luôn đòi hỏi con người phải lột xác, phải dấn thân hy sinh. Chúa đến với ta bằng cách trở nên xác phàm, làm thân phận con người hèn yếu, sinh trong máng cỏ hang lừa, sống bằng nghè thợ mộc, cưa đục nhọc nhằn và chết trên thập giá. Đó là con đường Chúa chọn để cứu độ loài người.

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Đức tin cũng là một thứ vàng cần phải được thanh luyện. Những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống đòi chúng ta phải chọn lựa dứt khoát theo Chúa hay là không theo Chúa; đó chính là hòn đá thử xem chất vàng đức tin của chúng ta đã ‘đủ tuổi’ hay chưa ngõ hầu ‘trụ’ được trước những thách đố của tinh thần thế tục, hưởng thụ lạc thú, quyền lực… đang làm xói mòn, hoen rỉ đức tin.

Và rồi Chúa Giêsu cũng hỏi chúng ta, một lần nữa chúng ta phải quyết định. Người mời gọi các môn đệ chọn lựa. Nhiều người đã thấy chói tai khi nghe người nói: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi”. Chúa Giêsu quét sạch những lời giải thích thô thiển. “Chính Thần Khí mới làm cho sống. Xác thịt không làm được gì. Lời của Tôi là Thần Khí và Sự Sống. Vấn đề là gặp gỡ Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, là đón nhận ân ban của  “Chúa Cha và đồng hành với Người”. Không bao giờ có một con đường vạch sẵn. Thông thường ta phải định hướng lại cuộc đời mình và phải quyết định. Chúa Giêsu không để lại cho chúng ta một mật mã. Người đã ban cho chúng ta Thần Khí. Điều còn lại là nối dài hành vi tự do và sáng tạo của con người. Người đã phán: “Thầy là Đường”.

Đứng trước thách đố của nhiều người và một số môn đệ bỏ Chúa, Phêrô đại diện cho nhóm 12 và cả chúng ta. Và rồi mỗi người chúng ta hôm nay cũng có thể bắt chước Phêrô, đại diện cho toàn thể những anh chị em để nói lên lời quyết tâm theo Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống”.
 
Huệ Minh

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *