Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần I Thường Niên A

By TT. MTGXL

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA GÂY KINH NGẠC

Tin mừng Mc 2: 13 -17

Đức Kitô được sai đến trần gian là để kêu gọi người tội lỗi. Ngài là Đấng Thánh, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Ngài đến để kêu gọi. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Hội thánh và mỗi người chúng ta, cũng được Ngài sai đến để kêu gọi: sống và làm chứng cho muôn dân về Ơn Cứu Độ. Trước tiên là sống Ơn Cứu Độ cho chính mình, nghĩa là phải ý thức mình là người tội lỗi và cần được cứu độ; sau là làm chứng về chương trình này của Thiên Chúa trong Đức Kitô.

Chúa Giêsu dùng bữa tại nhà ông Lêvi cùng với những người thu thuế và tội lỗi. Đây là một điều lạ lẫm và bất thường trong văn hóa của người Do Thái thời bấy giờ, thời mà có sự tách biệt rõ ràng giữa những người công chính, thánh thiện và người tội lỗi. Vì thế, điều này làm chướng tai gai mắt những biệt phái, kinh sư – những người tự cho mình là đạo đức khi tuân giữ một cách nghiêm khắc luật Môsê. Tuy nhiên, chính trong bữa ăn này Chúa Giêsu muốn đưa con người thức tỉnh, trở về đúng với thực trạng của mình. Một thực trạng trong đó ai cũng phải nhận ra rằng, là con người thì bất toàn, tội lỗi và cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. 
Chúa Giêsu kêu gọi một người tội lỗi làm môn đệ và đến nhà dùng bữa với người ấy. Chúa Giêsu kêu gọi ông Lêvi, một người thu thuế, và ông lập tức bỏ mọi thứ mà đi theo Chúa Giêsu. Ông trở thành một người của nhóm các môn đệ. Sách Tin Mừng viết rằng: “Trong khi Chúa Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông.”  Có một số người cho rằng “nhà ông” có nghĩa là nhà của ông Lêvi.  Nhưng đa số các bản phiên dịch lại cho rằng đó là nhà của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là người mời mọi người đến nhà của Chúa dùng bữa: những người tội lỗi và phường thu thuế, chung với các môn đệ.

Với người Do Thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Chẳng khác thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên.

Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài
Chúa Giêsu không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Cử chỉ hay hành động này của Chúa Giêsu khiến cho những giới chức tôn giáo rất tức giận. Luật cấm không được ngồi ăn cùng với phường thu thuế và những kẻ tội lỗi, bởi vì ngồi cùng bàn ăn với ai đó thì cũng có nghĩa là người ấy được coi như là anh em của mình! 
Thay vì nói thẳng với Chúa Giêsu, các kinh sư thuộc nhóm Pharisêu lại nói với các môn đệ: “Sao Ông ấy lại ngồi ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” Chúa Giêsu trả lời họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”, như đã nói trước đó với các môn đệ (Mc1: 38), trọng tâm của sứ vụ của Ngài đã giúp Chúa Giêsu tìm ra câu trả lời và chỉ ra con đường cho việc công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta mang những cặp mắt kính định kiến để phê bình người này hoặc lên án người kia, mà lại không ý thức chính mình cũng đầy khiếm khuyết và tội lỗi. Những xích mích, đụng độ và căng thẳng trong đời sống gia đình, hàng xóm láng giềng vẫn thường xảy ra. Nguyên nhân cũng chỉ vì chúng ta chỉ thấy những tật xấu, những mặt tiêu cực của nhau chứ không nhận ra những điều thiện hảo tốt đẹp nơi những người mà chúng ta gặp gỡ.
Và như vậy, Lời Chúa ngày hôm nay như là một ngọn đèn soi chiếu cõi không gian tâm hồn còn u tối của chúng ta, để chính Chúa chứ không ai khác nói với mỗi người hãy yêu thương nhau, đừng chấp nhất nhau vì những tội lỗi của quá khứ, nhưng biết đón nhận nhau như chính Chúa đã đón nhận chúng ta. 

Huệ Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *