By TT. MTGXL
HÃY YÊU THƯƠNG NHAU
Tin Mừng: Ga 15:9- 17
Xem niên lịch Phụng Vụ, ta thấy Lễ kính Thánh Mátthia (Matthias) Tông Đồ được Giáo hội Công giáo mừng kính vào ngày 14-5. Thánh nhân dù được mệnh danh là Tông Đồ nhưng ông không thuộc Nhóm Mười Hai. Chúng ta không biết rõ tông tích của Tông Đồ Mátthia là người được chọn làm Tông Đồ thay cho ông Giuđa, nghĩa là ông chỉ là người được “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”. Rất có thể vì lý do đó mà không thấy ông được nhắc đến nhiều, và chắc hẳn ông “biết người, biết ta” nên ông không hề nói gì.
Trong Kinh thánh, chỉ thấy sách Công Vụ nhắc đến ông thoáng qua mà thôi, còn trong Phúc Âm không hề nhắc đến tên Mátthia.
Mathia theo tiếng Hybalai có nghĩa là “được trao ban”, Tin Mừng không hề nhắc đến nhưng hầu chắc ngài đã từng là một trong số bảy mươi hai người môn đệ đã theo và sống với Chúa Giêsu, từ lúc Chúa chịu phép rửa cho đến lúc Chúa lên trời và như vậy đã chứng kiến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nếu cộng đoàn đã đồng thanh chọn ngài để thế chỗ cho Giuđa, thì cũng để ngài trở nên nhân chứng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ðây chính là ý nghĩa của tước hiệu Tông Ðồ.
Trong Công Vụ Tông Đồ 1, 15- 26 cho biết: Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em, có khoảng 120 người đang họp mặt. Ông nói: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đavít để nói trước về Giuđa, kẻ dẫn đường cho những người bắt Đức Giêsu. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra. Điều đó, mọi người ở Giêrusalem đều biết, khiến họ đặt tên cho thửa đất ấy là Khakenđơma, theo tiếng của họ nghĩa là Đất Máu” (Cv 1,19). Thật thế, trong sách Thánh Vịnh có chép rằng: “Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ, và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó” (Cv 1, 20).
Ông Phêrô đề nghị: “Có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh” (Cv 1: 21- 22). Như vậy, chọn một Tông đồ là chọn một Giám mục, một người có khả năng phù hợp, có nhiệt huyết “vác tù và hàng tổng”, sẵn sàng xả thân làm việc “vô lương” (không nhận lương bổng).
Và họ đề cử hai người: Ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Mátthia. Họ cùng cầu nguyện để xin Ý Chúa: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y” (Cv 1: 24- 25). Sách Công Vụ cho biết kết quả: “Họ rút thăm, thăm trúng ông Mátthia, thế là ông được kể thêm vào số mười một Tông đồ” (Cv 1: 26). Nghĩa là ông Mátthia được thêm cho đủ số 12 người. Ý Chúa đã được thể hiện qua con người.
Tên ông chỉ được nhắc đến hai lần trong đoạn sách Công Vụ vừa nêu. Có vẻ ông là một người rất trầm tư, hoàn cảnh lại như vậy nên ông chỉ biết im lặng chăng? Có thể lắm, chúng ta là hậu sinh nên không thể biết chính xác vì sử sách không ghi lại rạch ròi.
Hình Thánh Mátthia được họa sĩ nào đó vẽ thấy có nét “nhạy cảm” thật: Ngài quay đi chứ không nhìn thẳng như hình họa các Tông đồ khác, đôi mắt rất xa xăm, nét mặt “sáng” nhưng có vẻ trầm tư lắm!
Tin Mừng không nói thêm gì về Mátthia nhưng rồi lời Chúa trong Lễ kính ngài ta bắt gặp tâm tình của Chúa Giêsu : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.
Đây là điều răn của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
Ai đã từng cảm nghiệm hương vị ngọt ngào khi yêu và được yêu hẳn cũng nhìn nhận tình yêu như một động lực “đột biến” khiến những người vốn cứng cỏi lạnh lùng có thể trở nên “từ bi bất ngờ” như thế. “Từ bi” ở đây bao hàm niềm khao khát vươn đến tận cùng của Chân-Thiện- Mỹ. Nó không bằng lòng với việc độc chiếm để thoả mãn khát vọng, thèm muốn của bản thân. Nó cũng không dừng lại ở thứ tình yêu vị tha, quan tâm nhau trong tình bằng hữu; song động lực “đột biến” ấy còn thúc đẩy người ta tiến đến một thứ tình yêu mà Kinh Thánh gọi là “agapê”, là thứ tình yêu hy sinh trao hiến cả mạng sống cho người mình yêu. Tình yêu ấy người ta thấy được từ tình yêu của Thiên Chúa. Đây chính là tình yêu mà Chúa Giêsu trao ban tròn đầy cho các môn đệ hôm nay. Hơn nữa, Ngài còn mời gọi các ông ở lại trong tình thương đó để mãi mãi là bạn hữu của Thầy, là người môn đệ của “tình thương’”: người dám thí mạng vì người mình thương (c. 13).
Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu chính là nền tảng của niềm tin, là chìa khóa mở ra chiếc cầu của ơn cứu độ giữa Thiên Chúa và con người, giữa thời gian vĩnh cửu. Chính nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh mà các Tông đồ đã hoán cải các dân tộc, rửa tội cho kẻ tin và thực thi những phép lạ. Sau ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ đã làm chứng về sự phục sinh của Chúa khắp nơi, từ Palestina đến Hy Lạp, từ Rôma đến Ai Cập và Siri. Các ngài thiết lập các Giáo hội, các Cộng đoàn những kẻ tin Chúa Kitô Phục Sinh. Ðược Cộng đoàn ủy thác cho sứ mệnh khi chọn làm Tông đồ, thánh Mathia đã làm chứng cho sự phục sinh của Chúa đến cùng. Có nhiều truyền thuyết về nơi hoạt động và cách thế tử đạo của thánh Mathia. Tất cả đều hội tụ vào một điểm nổi bật là ngài đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô.
Việc Đức Giêsu sống lại đã làm cho các Tông đồ nhớ lại cách rõ rệt tất cả những gì mà họ đã nghe Ngài nói…Ngài đã tuyên bố cho họ biết rằng “tất cả những gì Thầy đã nghe nơi Cha Thầy thì Thầy đã cho chúng con biết”, điều này bảo đảm rằng Ngài đã chọn họ, và giờ đây chính Ngài cũng hướng dẫn sự chọn lựa của họ. Cần phải thay thế chỗ của Giuđa vì muốn giữ lại con số 12 vị mà Đức Giêsu đã tuyển chọn giữa nhiều người làm nền móng Giáo hội. Họ đưa ra những tiêu chuẩn: phải là người cùng đi theo Chúa Giêsu từ khi Ngài chịu phép rửa, một chứng nhân về suốt cuộc đời của Đức Kitô…có lẽ là một trong số 72 môn đệ đã được Đức Giêsu sai đi làm phép lạ và loan báo nhân danh Ngài và rồi trở về hân hoan vì thấy các quỷ dữ cũng bị trừ khử, rồi được nghe những lời của Thầy: “Hãy vui mừng vì tên các con được ghi trên trời”.
Chúa Giêsu chọn các Tông đồ, không phải các ông chọn Ngài trước: Con người cần nhớ rõ điều này: Thiên Chúa luôn là người khởi sự trong tình yêu, trong sự tạo dựng, trong sự dạy dỗ và ban ơn Cứu Độ, trong sự chọn lựa và sai đi như Chúa Giêsu xác nhận: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”
Huệ Minh
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 34 Thường niên B
ĐỀN THỜ- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 22.11.2024
Ngày Của Con Người- Suy niệm Thập giá Thứ sáu 15.11.2024
Tâm Tình Mục Tử Tháng 11. 2024