By TT. MTGXL
KHIÊM NHƯỜNG THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU
Tin Mừng Lc 14:1.7- 14
Lời Chúa dạy trong Tin Mừng hôm nay xem ra đảo lộn mọi trật tự hay ít ra cũng cho thấy có sự khác biệt giữa thế gian và Nước Trời. Ai tự tôn mình lên ở đời này sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống trong Nước Ngài và ngược lại. Chính kinh nghiệm đức tin của dân Do Thái đã minh chứng điều ấy: Thiên Chúa sẽ nâng cao người phận nhỏ, người quyền thế bị lật đổ, người giàu có trở về tay không và nghèo đói sẽ no đầy ơn phúc. Từ lời tiên báo của Tiên tri Êdêkien, đến lời kinh Magnificat của Đức Maria và nay lời dạy của Chúa Giêsu đều minh nhiên nói lên chân lý: Thiên Chúa đứng về phía những người thấp hèn trong địa vị xã hội, những người bị áp bức bất công ,những người khiêm nhường.
Khi dạy chúng ta bài học về sự khiêm nhường, về sự tự hạ và khi mời gọi mọi người hãy đến học cùng Người là Đấng hiền lành và khiêm nhường, Chúa Giêsu đã đi bước trước thực hiện triệt để những gì Người giảng dạy. Người thực sự là con người của sự khiêm nhu tự hạ: Từ một vị Thiên Chúa, Người đã hạ mình làm người bần cùng trong thế gian; từ một người Thầy, Người đã tự hạ rửa chân cho các môn đệ; từ một Đấng phán một Lời mọi sự liền có, Người đã tự hạ vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Không ai có thể khiêm hạ hơn Người được nữa. Nơi Chúa Giêsu, sự khiêm hạ đã đi đến tột cùng. Chính nhờ thế mà Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Người (Pl 2, 6- 9). Theo lời Chúa dạy, con đường đi tới Nước Trời, được Thiên Chúa Cha yêu thương nâng lên chính là thái độ sống khiêm nhu tự hạ. Sự khiêm nhu tự hạ mà Chúa dạy không phải là sự chịu lụy, nhịn nhục theo kiểu cố chịu đựng nhưng là một sự chọn lựa tự do trong tinh thần yêu thương và phục vụ; và mặc cho tất cả đời sống là tình yêu dành cho Thiên Chúa. Bởi vì sự khiêm hạ chỉ có thể có nơi những tâm hồn biết yêu mến Thiên Chúa mà thôi. Chính vì yêu Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã vâng lời hạ mình. Mỗi người cũng sẽ chỉ đạt được sự khiêm hạ trong tình yêu mến Chúa và tha nhân mà thôi. Yêu thì sẽ tôn trọng, đón nhật và không ngần ngại coi người khác trọng hơn mình. Chúa Giêsu đã tự hạ mình để ở cùng mọi người, đã tự hạ mình để phục vụ mọi người. Người hạ mình để trở nên người của mọi người.
Sau khi trình bày dụ ngôn về việc chọn chỗ nhất để dạy về đức khiêm nhường, Chúa Giêsu tiếp tục khuyên về việc mời khách dự tiệc. Qua lời khuyên dạy, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến chính tình bác ái vô vị lợi. Ngay cả trong việc thiết tiệc cũng phải giữ cho được tình bác ái. Phải quan tâm đến người nghèo khổ, đến người bất hạnh. Như thế, có sự tương quan giữa sự khiêm nhu tự hạ và lòng bác ái. Khiêm hạ mà không bác ái, không phục vụ thì chả ích lợi gì. Khiêm hạ là phương thế để thể hiện tình yêu sẵn sàng dấn thân đến với người khổ đau, phục vụ chăm sóc họ. Khiêm hạ không phải là việc đơn giản nhún nhường nơi bữa tiệc, nơi chốn đông người. Khiêm hạ không chỉ thuần túy là việc tự nhận mình yếu kém, bất tài rồi trốn tránh trách nhiệm. Khiêm hạ chính là thái độ biết quên mình để yêu thương, hiện diện và phục vụ mọi người như Chúa Giêsu. Đón nhận hồng ân cá nhân Chúa ban để chia sẻ cho mọi người. Khiêm nhu tự hạ muôn đời là một nhân đức cần thiết để trưởng thành, để nên Kitô hữu thánh thiện.
Lạy Chúa, chúng con chẳng là gì nếu không có Chúa và mãi là hư vô nếu không có Chúa trong chúng con. Chúng con chẳng có gì mà không bởi ơn Chúa ban. Tất cả là do tình yêu của Chúa mà thôi, Đó là sự thật và chỉ thật sự có khi chúng con khiêm nhường và chân thành nhận biết chính mình.
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 34 Thường niên B
ĐỀN THỜ- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 22.11.2024
Ngày Của Con Người- Suy niệm Thập giá Thứ sáu 15.11.2024
Tâm Tình Mục Tử Tháng 11. 2024