Suy Niệm Mầu Nhiệm Thập Giá- CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG BỊ BỎ RƠI

By TT. MTGXL

Trên thập giá, Đức Giêsu Kitô đã chịu đau khổ và có kinh nghiệm bị bỏ rơi. Sự thật đó làm cho Ngài phải thốt lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao Ngài bỏ rơi con?”. (Mc 15, 34 / Tv 22, 2).

Thật vậy, Đức Giêsu đã đau vì đòn roi trên thân xác; Ngài đã khổ vì bị chế nhạo và oan khiên trong tâm hồn; bị tổn thương vì trong giây phút sinh tử ấy, có cảm giác bị Thiên Chúa – Cha của Ngài bỏ rơi (Thần học thập giá, tr.123). Chính kinh nghiệm “bị bỏ rơi” này, làm cho Ngài chết thật sự vì bị cắt đứt tương giao với Chúa Cha. Nếu như trước đây, cảm thức “thuộc về Cha”, “ở trong Cha” và được “kết hiệp với Cha” làm cho Ngài được sống thì khoảng khắc thập giá làm cho Ngài chết thật. Nếu như hành động tự hạ của Con Thiên Chúa làm người vì một sứ vụ cứu độ thì giây phút thập giá để lại một cảm giác bế tắc vì sứ vụ chưa hoàn thành.

Tiếng kêu “sao Ngài bỏ rơi con?” như một lời gọi hỏi về quyền năng và sự trung tín trong hành động của Chúa Cha (Thần học thập giá, tr.124). Thật ra, Thiên Chúa vẫn có đó và hiệp thông với Con của Ngài trong biến cố thập giá. Trong hoàn cảnh ấy, Cha vẫn hợp nhất với Con trong tình yêu. Như thế, “tình yêu” và “sự hiệp thông” của Cha làm cho “Đức Giêsu” và “đau khổ” hòa hợp được với nhau. Mặc cảm “bị bỏ rơi” trở nên có ý nghĩa cứu độ nhờ Đấng Chịu Đóng Đinh (Jurgen Moltmann).

Nhìn từ phía con người, đau khổ tự bản chất chẳng bao giờ là hữu ích, mặc cảm bị bỏ rơi chẳng có giá trị gì trong trong cuộc sống nhưng nó cứ đeo bám chúng ta trong hai chữ “phận người”. Đó là một nghịch lý làm cho ta khó chấp nhận nhưng vẫn phải đối diện. Đối diện để được chữa lành, vết thương được băng bó trong mối tương giao với Đấng đã từng nếm trải kinh nghiệm đó trên thập giá.

Cuộc sống đời thường để lại cho ta không ít những kinh nghiệm “bị bỏ rơi” như thế. Có lúc tự thân chúng ta cố gắng hết sức mà sao vẫn chưa được đón nhận, hy sinh thêm chút nữa mà vẫn chưa thấy đủ, hòa đồng mà sao vẫn lạc lõng, liên tục cho đi sự niềm nở mà nhận lại một sự lạnh lùng dai dẳng. Có thể, trong hành động của ta nhen nhúm một trái tim chẳng mấy tinh tuyền. Có thể, phía bên kia chưa mở lòng để đón nhận và thấu cảm. Đó là dấu vết của sự bất an, của mặc cảm bị bỏ rơi. Thập giá, nơi có Đức Giêsu sẽ cứu ta khỏi tình trạng đó. Một lúc nào đó trong cuộc đời, làm cho ta cảm thấy không có ai bên cạnh mình, thì thập giá cho chúng ta một Đấng chịu đóng đinh hiện diện ngay bên. Từ độ cao của thập giá, Ngài vẫn dõi ánh nhìn về phía ta để vực ta lên khỏi những thất vọng và chán trường. Ngài yêu ta với tấy cả sự trân trọng và quý mến. Vì thế, yêu thập giá là yêu Đấng chịu đóng đinh trên đó, liên kết với Ngài là liên kết với sự sống chảy trào từ Cha.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, xin cho chúng con biết yêu Chúa bằng tình yêu cảm ái trong ước muốn làm đẹp lòng Người, liên lỉ trong suy ngắm về mầu nhiệm thập giá và tưởng nhớ Đấng chịu đóng đinh trong tâm trí và trái tim. Qua đó, chúng con muốn được tiến sâu hơn nữa bằng tình yêu thực tiễn để hiến thân trọn vẹn cho Người. Xin cho bước tiến của chị em chúng con đi đến xác quyết: dám mang trên mình cuộc thương khó của Đức Giêsu (2Cr 4,10), dám hoàn tất nơi thân xác những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội thánh (Cl 1,24). Xin Chúa thánh hoá mặc cảm bị bỏ rơi của chúng con thành cảm thức thuộc về Chúa và được Chúa yêu, thuộc về Hội dòng và được Hội dòng bao dung đón nhận. Xin thánh hiến tình yêu bé mọn của chúng con bằng trái tim của Đấng chịu đâm thâu trên thập giá. Amen.

           Nữ tu Anna Mạc Thị Lan

Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *