By TT.MTGXL
Noi gương Chúa Giêsu để chiến đấu với Ba Thù
Lc 4, 1-13
Lễ Tro, với nghi thức truyền thống bỏ Tro lên đầu, khai mạc Mùa Chay Thánh. Ba việc phải làm là : ăn chay, cầu nguyện và bố thí, vì nó diễn tả ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu.
Mùa Chay là thời gian thuận tiện để thay đổi hướng đi, lấy lại khả năng phản ứng trước thực tại sự dữ luôn thách thức chúng ta. Đây là thời gian hoán cải trở về với tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân, canh tân cá nhân và cộng đoàn, sống thái độ sự nhưng không và lòng thương xót của Chúa.
Tin Mừng Chúa nhật I Mùa Chay trình bày cho chúng ta biến cố “Chúa Giêsu…được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2). Theo Luca thì chính Chúa Thánh Thần là Ðấng dẫn đưa Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (x. Lc 4,1-13). Đời sống người Kitô hữu chúng ta được hướng dẫn bởi cùng một Chúa Thánh Thần, đã được lãnh nhận trong Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, được mời gọi đương đầu với cuộc chiến đấu hằng ngày của đức tin, nhờ ân sủng của Chúa Kitô nâng đỡ. Chúng ta cùng xem Chúa Giêsu bị cám dỗ thế nào và Người đã chiến thắng tên cám dỗ ra làm sao.
Tên Cám Dỗ tìm cách kéo Chúa Giêsu ra khỏi kế hoạch của Chúa Cha, khỏi con đường hiến tế và tình yêu để đảm nhận một con đường dễ dàng hơn của thành công và quyền lực. Cả Chúa Giêsu và Satan đều trích dẫn Kinh Thánh. Thực ra, để kéo Chúa Giêsu ra khỏi con đường thập giá, quỷ đã bày ra trước mắt Chúa Giêsu một niềm hy vọng sai lạc về Ðấng Messia : sung túc về kinh tế, trong lời xúi giục hóa đá thành bánh; một kiểu biểu diễn và phép lạ, với ý tưởng gieo mình xuống từ nóc đền thờ Giêrusalem và để Thiên Thần cứu mình; và cuối cùng là đánh đổi quyền lực và sự thống trị với việc thờ phượng Satan. Các chiêu ma quỷ dùng để cám dỗ Ađam và Evà (x. St 3,1-7), nó cũng dùng để cám dỗ Chúa Giêsu và chúng ta ngày hôm nay nữa.
Cám dỗ thứ nhất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho đá này biến thành bánh” (Lc 4,3). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Từ “nếu” của Satan gợi lên sự không tin như khi cám dỗ Ađam và Evà ( x. St 3,1-7). Chúa Giêsu có thể hoàn tất các phép lạ là lẽ đương nhiên. Nhưng, cuộc đối đầu với Satan ở đây là rơi vào bẫy chết nó đề nghị Chúa Giêsu làm một phép lạ theo ý mình. Cám dỗ nằm ở chỗ : dùng sức mạnh của mình để làm phép lạ, nhưng với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không làm thế, Người trích dẫn sách Đệ Nhị Luật “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa” (Đnl 8,3).
Quyền lực là để phụng sự Thiên Chúa Cha và phục vụ anh em. Cách nào đó, tất cả chúng ta đều bị cám dỗ tương tự. Chúng ta có ơn huệ, nhưng sống ích kỷ, không phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Điều quan trọng đối với chúng ta không phải là của ăn vật chất, ý riêng mình, nhưng là vâng theo ý Chúa tình yêu và tìm kiếm thánh ý Người …
Cám dỗ thứ hai: liên quan đến sứ mệnh của Chúa Giêsu. Ma quỷ cung cấp cho Người một phương thế đơn giản để hoàn thành Nước Chúa. Nó chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian cũng như vinh quang của nước ấy và nói: “Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!” (Lc 4). Với chiêu cám dỗ này, Chúa Giêsu phán : “Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi” (Đnl 6,16).
Cám dỗ thứ ba: Nó vừa nghe Chúa Giêsu trích dẫn Kinh Thánh, nó cũng làm như vậy : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: “Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!” Và còn thêm rằng: “Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá” (Tv 91,11). Tất nhiên, chúng ta có thể tự hỏi, cám dỗ ở đâu khi mà Satan khơi lên niềm tin vào Thiên Chúa và trích dẫn Kinh Thánh?
Với chiêu cám dỗ này, Chúa Giêsu thấy ngay lập tức và chiến đấu với nó bằng đoạn khác của Kinh Thánh: “Ngươi đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa ngươi” (Đnl 6,16). Trong thực tế, những điều ma quỷ yêu cầu Chúa, không gì khác hơn ngoài việc nhằm cám dỗ Chúa, buộc Chúa Cha phải làm một phép lạ. Điều này có nghĩa là bắt Thiên Chúa phải phục vụ chúng ta khi mà chúng ta là kẻ phục vụ!
Rõ ràng, mục đích không biện minh cho phương tiện ! Mục đích của Chúa Giêsu là mang đến cho chúng ta Triều đại Nước Thiên Chúa, nhưng không theo kiểu thế gian, Nước Chúa không thuộc về thế gian. Cám dỗ này liên quan đến điểm trên, vì để đi đến cùng đích của chúng ta là tốt, nhưng đôi khi dùng những phương tiện, có thể chôn vùi hay cắt đứt sự sống… thế giới hôm nay, có quá nhiều tà thần chiếm vị trí trung tâm, khiến Thiên Chúa bị đẩy ra ngoài… cần biết các tà thần trong ta để chiến đấu, cần có Chúa Thánh Thần. Với ơn Chúa giúp, có Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta bước vào trận chiến thiêng liêng này, cuộc chiến mới hòng chiến thắng.
Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay 2019, Đức Giáo hoàng nhắc nhớ chúng ta rằng :“Mùa Chay” trong bốn mươi ngày của Con Thiên Chúa trong sa mạc thiên nhiên là nhằm biến nó một lần nữa trở thành khu vườn hiệp thông với Thiên Chúa như trước khi xảy ra tội nguyên tổ (x. Mc 1, 12-13; là 51, 3). Cầu xin Mùa Chay năm nay của chúng ta là một hành trình trên cùng con đường đó, mang lại niềm hy vọng của Chúa Kitô cho sáng tạo, để thiên nhiên có thể “được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8, 21). Chúng ta đừng để mùa hồng ân này trôi qua vô ích! Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con đường hoán cải thực sự.
Lạy Mẹ Maria, xin trợ giúp chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 34 Thường niên B
ĐỀN THỜ- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 22.11.2024
Ngày Của Con Người- Suy niệm Thập giá Thứ sáu 15.11.2024
Tâm Tình Mục Tử Tháng 11. 2024