Niềm Xác Tín từ ‘Đại Chúa Nhật – Mùa Phục Sinh’ – Lời Chủ Chăn Tháng 06 – 2021

By TT. MTGXL

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Giáo hội là Mẹ, lấy kinh nghiệm gặp Chúa của mình dẫn dắt con cái gặp Chúa. ‘Năm mươi ngày từ Chúa Nhật Phục Sinh đến Chúa Nhật Hiện Xuống, được cử hành trong niềm hân hoan phấn khởi, như một ngày lễ duy nhất, hơn thế, như một ‘Đại Chúa Nhật’ (AC 22).

Con người có khả năng nhận thức và suy tư trên những dữ kiện. Triết gia Quinton định nghĩa triết học là ‘nghiền ngẫm trên những suy tư’ (thinking about thinhking).

Giáo hội đã nghiền ngẫm những gì trong mùa ‘Đại Chúa Nhật?’ Thánh Lêô Cả: ‘Những ngày từ khi Chúa sống lại cho tới lúc Người lên trời đã không trôi qua lặng lờ vô ích. Nhưng trong thời gian đó, những sự kiện lớn lao đã được chứng nghiệm và những mầu nhiệm cao cả đã được mạc khải’.

  1.       ‘Chúa đã sống lại thật. Halleluia’

Các Tông đồ đã trải qua cơn thử thách đức Tin dữ dội… Thầy của các ông đã bị bêu trên thập giá trước bàn dân thiên hạ… Từ ‘giờ thứ sáu, xảy có tối tăm trên cả cõi đất’ (Mc 15: 33)… Khi ấy Đức Giêsu ‘thốt ra một tiếng lớn mà tắt thở’ (Mc 15: 37), ‘màn Đền thờ bị xé làm hai từ trên xuống dưới’ (Mc 15: 38)…

Giữa cái chết chóc bao trùm vũ trụ, thiên hạ… chết chóc tận đáy lòng người môn đệ… thì ngay ngày thứ nhất trong tuần, ‘khởi nguyên tuần lễ mới’, đã vang reo ‘tôi đã thấy Chúa’ (Ga 20: 18), ‘chúng tôi đã thấy Chúa’ (Ga 20: 25)… lòng đã ‘cháy bừng bừng’… ‘thực thế, Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho Simon’ (Lc 24: 34)…

Tuy nhiên lòng tin Chúa đã sống lại không trỗi dậy đương nhiên nơi các Tông đồ và nơi các tín hữu trong dòng lịch sử… Con cái Giáo hội không khỏi những trường hợp ‘không ở với họ khi Đức Giêsu đến’ (Ga 20: 24), không theo kịp đồng đội, cũng không tiếp nhận lời chứng ‘chúng tôi đã thấy Chúa’ (Ga 20: 25)… buồn phiền nản lòng về quê ‘bộ mặt ảo não’ (Lc 24: 17), ‘hoảng hồn’ (Lc 24: 22) và ứa nước mắt… trước tâm tư riêng hay các tin tức ‘vượt tầm’ của những chứng nhân… (x. Ga 20: 11-18)…

Bất chấp thái độ cứng cỏi… nếu tôi… tôi không tin (x. Ga 20: 25)… Giữa tâm tư ngổn ngang… Chúa đến ngay bên hỏi han ân cần mỗi người, như đã dành cho Maria Magđala‘Này bà, tại sao bà khóc?’ (Ga 20: 15)… Chúa thấu tỏ trong nước mắt hàm ẩn sự kiếm tìm thiết tha: ‘Bà tìm ai?’ (Ga 20: 15)… như đã dành cho Tôma… Chúa thâm nhập cõi lòng Giáo hội… cõi lòng con cái Giáo hội…

Đời sống Giáo hội ban đầu xoay quanh Tông đồ Phêrô: Phêrô kiện toàn nhóm 12 thay thế Giuđa bằng Matthia để làm chứng Chúa đã sống lại (CvTđ 1: 15.26), hiệp thông với anh em thể hiện trách nhiệm loan Tin Mừng Phục Sinh trước toàn dân và nhà cầm quyền đối kháng (CvTđ 2: 14; 4: 8). ‘Ông ngang qua mọi nơi’ (CvTđ 9: 32) đón nhận gia đính dân ngoại đầu tiên Cornêliô (x. CvTđ 10) mở đường đến với muôn dân cho Thánh Tông đồ Phaolô là người đã đem Tin Mừng cho muôn dân. Phaolô khéo léo loan Tin Mừng Phục Sinh tại trung tâm triết lý khôn ngoan Athena dù sứ điệp chưa được đón nhận ngay: ‘Họ vừa nghe đến việc người chết sống lại, thì có kẻ cười nhạo, có kẻ lại rằng: chúng tôi mong được nghe ông lại khi khác nữa về điều ấy…’ (CvTđ 17: 32).

Thánh Lêô Cả chia sẻ: ‘Trong những ngày ấy, nỗi lo sợ trước cái chết dữ dằn đã tiêu tan, phúc trường sinh bất tử dành cho cả hồn lẫn xác đã được công bố (Kinh Sách, thứ Tư, tuần VI, Phục Sinh).

  1. ‘Người chăn chiên tốt, chính là Ta’

Phụng vụ Lời Chúa tuần IV khắc sâu phẩm hạnh ‘Người chăn chiên tốt’ của Chúa Giêsu với ba đặc điểm:

Trước hết, Người chăn chiên tốt nếm trải mùi chiên, ‘chiên của mình’, ‘gọi tên từng con’, ‘đi trước’ dẫn chiên, ‘chiên theo sau’ và chiên ‘nhận biết tiếng’ người chăn chiên tốt của mình chứ ‘không nhận biết tiếng những người xa lạ’…

Đặc điểm thứ hai, người chăn chiên tốt khát khao qui tụ ‘những chiên khác nữa, không thuộc ràn này’ ‘các con chiên ấy, Ta cũng phải chăn dắt’, và ‘chúng sẽ nghe tiếng Ta, sẽ thành một đàn chiên, một chủ chiên’.

Đặc điểm thứ ba, người chăn chiên tốt ‘thí mạng sống vì chiên…’ không bao giờ chúng sẽ bị diệt vong, không ai giật chúng khỏi tay Ta được’, Cha, Đấng đã ban chúng cho Ta thì lớn lao hơn tất cả mọi sự, và không ai giật khỏi tay Cha được’, ‘Ta đã đến, là để chúng được có sự sống, và có một cách dồi dào’…

Chính thời gian này, Phụng vụ gởi đến chúng ta sứ điệp sâu xa,  công bố huấn từ ‘Bánh bởi trời’ ‘bánh sự sống’ (Ga 6), ‘lương thực không hư nát’, ‘lương thực lưu lại mãi đến sự sống đời đời’, Người chăn chiên tốt ân cần xác nhận: ‘ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời’, ‘Cha, Đấng hằng sống, đã sai Ta, và Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta cũng vậy, nó sẽ sống nhờ Ta’

Thánh Tông đồ Phaolô tiếp bước người chăn chiên tốt lành nếm trải mùi chiên: ‘tôi lại phải quặn đau mà sinh ra mãi cho đến khi nào Đức Kitô được thành hình trong anh em’ (Gal 4:19). Thánh nhân mải mê đưa toàn thiên hạ về hợp đoàn: ‘những gì xảy đến cho tôi, phải hơn đã nên cơ hội để Tin Mừng tiến thêm…’ (Phil 1: 12) ‘mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng: Giêsu Kitô là Chúa mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha’ (Phil 2: 11). Người sẵn lòng bước theo Thầy ‘ước gì tôi đừng có vinh vang nơi một điều gì trừ phi là nơi Thập giá của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô’ (Gal 6: 14), ‘Mạng sống tôi, tôi kể như không đáng nói tới… (CvTđ 20: 24).

  1. ‘Cây nho đích thật, chính là Ta’

Tông đồ Chúa yêu sau một đời nghiền ngẫm về Thầy mình, đã công bố xác tín: ‘Lúc khởi nguyên đã có Lời’ (Ga 1: 1)…’ Lời-Thực hữu’ là ‘Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha’ (in sinu Patris) (Ga 1: 18), mà tông đồ Chúa yêu xác nhận mình được ‘cùng nằm giường ăn, sát lòng Đức Giêsu (in sinu Jesu)…’ (Ga 13: 23). Cần trải nghiệm này mới hiểu tầm sâu ‘điệp khúc’ 70 lần trong sách Tin Mừng và 26 lần trong các lá thư: ‘Hãy ở lại’ trong tình yêu của Thầy… Điệp khúc này được ca lên dầy dặn nhất vào trung tâm bữa tiệc ly thánh từ miệng Thầy: ‘Cây nho đích thật, chính là Ta’ (Ga 15: 1)…’ ‘Cây nho, chính là Ta, các ngươi là nhánh’ (Ga 15: 5). ‘Như Cha đã yêu mến Ta, Ta đã yêu mến các ngươi… lưu lại trong lòng mến của Người’ (Ga 15: 9.10)…Cùng một ‘lòng mến-Thánh Thần’ của Cha và Con nơi người lưu lại… làm cho người ấy khỏi bị khô héo tàn lụi (x. Ga 15: 6)…’ Cha Ta là người canh tác… Người tỉa sạch… để nó sinh quả nhiều hơn…’ (Ga 15: 1.6). Lưu lại trong ta nhờ ‘lời của Ta’…’ giữ các lịnh truyền’… như Ta giữ các lịnh truyền của Cha Ta…’ (Ga 15: 7. 10). ‘Điều Ta truyền… là hãy yêu mến nhau’ (Ga 15: 17).

Tông đồ lương dân, ta đừng quên, đã trải thời gian dài ‘hãy ở lại’… Giáo hội tại Damas, vâng ý Chúa,  đỡ Phaolô  đứng dậy… Phaolô bước vào khung trời mới, ở lại trong tình yêu, trong thầm lặng, trong mái nhà ‘Nazareth riêng của Phaolô’ trải dài 18 năm, từ năm 35 đến 53… ‘Cây nho, chính là Ta, các ngươi là nhánh’ (Ga 15: 5). Tương quan cây-nhánh là cõi riêng, cực kỳ riêng… Mối liên kết Chúa Cha-Giêsu-tín hữu là cùng một ‘nhựa’ Thánh Thần tình yêu…

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Triết học đương đại nhấn mạnh tương quan liên chủ thể, liên nhân vị, hiện sinh, trong thực tại sống động, thể hiện nổi bật ‘ánh sáng’ lý trí và ‘quyền tự do’. ‘Hữu thể người’ (être-humain) được quan niệm ‘hữu thể đang làm người’ (devenir-humain). Nhưng người có làm người ‘nổi’ không? Có chung sống ‘cùng với’ được không?… Đã xuất hiện những ‘người dang dở’…’ ‘người dị dạng’… những ‘thượng đế què quặt’ (Jean-Paul Sartre)…

  1. Heideggerđề xuất nền triết lý: ‘người thiết yếu hiện hữu trong thế giớivới cung cách  mở ra cho thế giới’, ‘hữu thể-cùng với’ (être-avec) (celui qui existe nécessairement dans le monde sur le mode de l’ouverture au monde). Nhưng ngần ấy đã đủ chưa…?

      Cha Karl Rahner:

Với tất cả tâm lý chiều sâu, phâm tâm, triết học hiện sinh và khoa nhân học, trong đó mọi khoa học quy về để phát huy hiểu biết hiện sinh con người, trong tất cả chiều sâu của con người, bao hàm cả vô thức, họ khám phá tại mức sâu nhất của hữu thể mình, rằng họ chẳng là mình mà là những hỗn độn rộng lớn và gây kinh hãi của từng và mỗi sự việc, trong đó những hữu thể người thực sự chỉ là những sự giao thoa cơ hội của bóng tối, của những quyền lực bâng quơ, nổi lên từ máu và vết nhơ, hoặc từ cấu trúc di truyền, từ tinh thần tập thể, hay từ hư vô – phải rồi, tại sao không là ngay từ hư vô? – hội tụ ngẫu nhiên trong một khoảng thời gian và bay đi ngoài tầm kiểm soát… từ một kẻ vô danh này tới một kẻ khác. Tất cả còn lại cái tôi, tự hào, vinh vang, cá nhân, quyền lực mù quáng, tự căn cội vô danh, tăm tối tựa như nút bấc bập bềnh trên biển cả trôi dạt đây đó. Phải chăng dân chúng ngày nay nhận biết về chính mình hơn là, chính họ là một vấn nạn trong bóng tối thăm thẳm, một vấn nạn là chỉ nhận biết rằng gánh nặng của tính chất có thể tra vấn mình thì quá đắng cay để có thể mang nổi trong bất cứ khoảnh khắc nào?

Những người cố dựa vào chính mình sẽ rơi vào vực thẳm thăm thẳm”…

Con người còn một ‘phần đời’ vượt trên cõi đời này, ngay hôm nay… và còn ‘phần đời’ vượt qua cõi đời này, ngay sau cuộc sống tại thế… chúng ta là những hữu thể hướng về Thiên Chúa ‘esse ad Deum’ và đang được thần hoá ‘fieri Dei’… Suy niệm theo Thánh Augustino, con người, hữu thể ở chóp đỉnh, vượt mọi hữu thể, vì mang trong hữu thể mình ‘ơn gọi’ (être de vocation), có khả năng hướng về Tuyệt Đối… và như nhận định của triết gia Jérôme de Gramont, người là hữu thể thông dự ‘thực tại Chúa Kitô phục sinh’.

Và mùa Phục sinh, quả thực là ‘Mùa Cực Thánh’ (Kinh Tiền Tụng)… mùa của Lòng Thương Xót đưa vào Đức Cậy của người tín hữu…

Kính xin Đức Trinh Mẫu, Thánh Cả và Mẹ Giáo hội, chuyển cầu trước Thánh Nhan Thiên Chúa cho các con cái, lòng vốn mãi ‘bâng khuông’… trong cái ‘vực thẳm thăm thẳm’ của cái nông cạn cố hữuđạt niềm xác tín hồng phúc của ‘Mùa Cực Thánh’

 

                                          Gioan Đỗ Văn Ngân

                                 Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *