By TT. MTGXL
Thứ Sáu, 09.6.2023
TUẦN IX THƯỜNG NIÊN
Mc 12,35-37 NGHE CÁCH THÍCH THÚ
Chúa Giêsu khi còn tại thế phải là một nhân vật có tài nói chuyện mới có thể thu hút mọi người như vậy. Lời Ngài dạy từng được công nhận là có uy quyền, đã quy tụ những đám đông có khi hơn năm ngàn người, đã khiến Nicôđêmô tìm gặp nói chuyện dù là ban đêm, đã làm cho các thượng tế phải nghe ngóng thăm dò, đã khiến nhóm Pharisiêu và nhóm Sađốc thử tài tranh luận, các luật sĩ có khi gài bẫy nhưng cũng có khi tham vấn, … Bài Tin Mừng hôm nay nhận xét đơn giản rằng “Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú”.
Tài nói chuyện còn được gọi là ơn ngôn ngữ, là đặc sủng của bậc ngôn sứ. Một ngôn sứ xuất hiện không phải để nói điều người ta thích nghe mà nói điều người ta cần sửa đổi theo ý Thiên Chúa. Vì vậy dân Do thái có kinh nghiệm là các ngôn sứ rất được kính trọng nhưng thường bị ngược đãi. Đó là tình trạng mâu thuẫn thâm sâu nơi con người, rất khó nhận diện đến mức ta có thể lừa được chính mình, ví dụ như ta đã chứng kiến tỏ tường nhiều nạn nhân của “lời đường mật” mà vẫn để mình sập bẫy thương đau.
Chúa Giêsu hoàn toàn có thể tận dụng cái lợi thế về tài nói chuyện để được quý chuộng, ưu đãi, tôn vinh. Danh hiệu của Ngài là “Ngôi Lời”, tại sao không chỉ là lời dễ chịu, vừa lòng, đem lại lợi lộc, mà còn phải có những lời sắc như gươm, xuyên thấu lương tri, làm đau buốt lòng người ? Cái gì nơi đôi tai chúng ta có thể chuyển hoá lời Chúa thành niềm hạnh phúc mà cũng có thể thành nỗi đau buồn ? Câu chuyện trong Tin Mừng làm cho đám đông thích thú đơn giản chỉ vì đề tài không đụng chạm gì đến họ. Phải, chúng ta không thích những lời “đụng chạm”, nhưng có những vết thương nếu không cho phép đụng chạm thì làm sao được chữa lành.
Chúa Giêsu đã chấp nhận mất cảm tình và sự thán phục của mọi người khi quyết định nói lời Ngài phải nói với thế gian. Đó là một quyết định không dễ dàng bởi vì nó đặt Ngài trước việc đón nhận hay khước từ thập giá.
Khả năng sử dụng lời nói nơi con người là một ân ban kỳ diệu, cùng với nhiều thách đố. Mời bạn nhìn Chúa Giêsu trên thập giá mà tự vấn:
1. Thập giá là kết cuộc của một đời rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu đành mất tất cả vì lời chân lý. Không có cách nào khác sao ?
2. Ngày nay công chúng thích nghe mạng xã hội hơn nghe lời Chúa. Tôi thì sao?
3. Nếu hoàn cảnh buộc tôi phải trả giá để nói lời chân chính, tôi có thể trả đến mức nào?
Anna Trần Nguyệt
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 34 Thường niên B
ĐỀN THỜ- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 22.11.2024
Ngày Của Con Người- Suy niệm Thập giá Thứ sáu 15.11.2024
Tâm Tình Mục Tử Tháng 11. 2024