By TT.MTGXL
Trong kho tàng văn chương Ấn Giáo, có câu chuyện sau đây:
Một đệ tử đến thưa vị linh sư của mình:
– Thưa thầy, con muốn gặp Chúa.
Vị linh sư chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau người môn sinh trở lại và bày tỏ cùng một ước muốn. Vị linh sư cũng chỉ mỉm cười và tiếp tục giữ thinh lặng.
Rồi một ngày đẹp trời, ông dẫn người đệ tử đến giòng sông. Thầy trò cùng dầm xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong giòng nước mát. Bất thần vị linh sư túm lấy cổ anh dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để ngóc đầu lên khỏi mặt nước.
Bấy giờ vị linh sư mới hỏi anh:
– Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?
Không chút suy nghĩ, người đệ tử đáp ngay:
– Thưa, con cần không khí để thở.
Lúc bấy giờ vị linh sư mới giải thích:
– Con có cảm thấy ước ao được gặp Chúa như vậy không? Nếu con khao khát Chúa như vậy con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không có ước muốn ấy, thì cho dù có vận dụng hết cả tài năng và sức lực con cũng sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài.
***
Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã làm nhiều việc lành, đã xa lánh điều xấu, hay siêng năng cầu nguyện. Chúng ta thánh thiện cũng không phải vì chúng ta đã sống tử tế với mọi người, đã can đảm hy sinh, khổ công rèn luyện ý chí, bận tâm phục vụ… cũng không phải vì bất cứ điều gì cả.
Sự thánh thiện của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nhờ thông hiệp vào sự sống của Ngài mà chúng ta mới có thể tránh điều xấu, làm được điều lành.
Một tâm hồn luôn luôn rộng mở là một tâm hồn có khả năng đón nhận Thiên Chúa và sự sống của Ngài.
Mở rộng lòng cho Thiên Chúa là không ngừng khao khát Ngài. Như một người bị dìm dưới nước khao khát không khí để thở, lòng khao khát Thiên Chúa là bước khởi đầu dẫn ta đến gặp Ngài.
Lòng khao khát ấy cũng phải là động lực không khi nào ngừng thúc đẩy ta tiến lại gần Ngài.
Lòng khao khát ấy càng trở nên mãnh liệt và thúc đẩy ta ráo riết hơn mỗi khi tưởng chừng như ta đã rất gần Chúa, tưởng chừng như ta đã nắm bắt được Ngài.
Lòng khao khát mãnh liệt ấy là sức mạnh phi thường, là khả năng vô biên có thể thu hút và đón nhận sức sống sung mãn khôn lường của Thiên Chúa vào tâm hồn và cuộc đời chúng ta. Khi ấy ta có thể nói được như Thánh Phaolô rằng: “Sự sống của tôi chính là Chúa Kitô”.
Nụ Cười Trong Cung Lòng Thiên Chúa
(100 Câu Chuyện Vui Gợi Ý Suy Tư Và Cầu Nguyện
của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu
Radio Veritas Asia – Radio Wahrheit)
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 34 Thường niên B
ĐỀN THỜ- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 22.11.2024
Ngày Của Con Người- Suy niệm Thập giá Thứ sáu 15.11.2024
Tâm Tình Mục Tử Tháng 11. 2024