MANG LẤY THẬP GIÁ CỦA MÌNH

By TT. MTGXL

Lời mời của Chúa Giêsu muốn chúng ta theo Ngài, muốn nói rằng hãy, chờ đợi, chấp nhận sống trong bản hòa âm dang dở.

Trong các lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có lời mời có vẻ khó nghe này: “Ai muốn làm môn đệ Ta, phải từ bỏ chính mình, mang thập giá mình hàng ngày, và theo Ta. Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và ai mất mạng sống mình vì Ta sẽ tìm được mạng sống ấy”.

Tôi ngờ rằng không ai trong chúng ta hiểu nổi câu này có nghĩa gì và muốn chúng ta đánh đổi bằng điều gì, nhưng tôi cũng ngờ nhiều người trong chúng ta hiểu lầm ý của Chúa Giêsu và rồi đấu tranh một cách không lành mạnh với lời mời này. Vậy, cụ thể thì Chúa Giêsu muốn nói gì?

Để trả lời, tôi muốn mượn đến một vài suy nghĩ thấu suốt của tác giả James Martin trong quyển sách Chúa Giêsu, Đường lữ hành (Jesus, A Pilgrimage). Tác giả cho rằng, mang lấy thập giá mình hàng ngày và từ bỏ mạng sống mình để tìm được sự sống thâm sâu hơn, mang 6 ý nghĩa đầy thấm nhập là:

Thứ nhất, chấp nhận đau khổ là một phần cuộc sống chúng ta. Chấp nhận thập giá của mình và từ bỏ mạng sống mình nghĩa là, đến một thời điểm, chúng ta phải hòa thuận với sự thật không thể thay đổi rằng, thất vọng, nản lòng, đau đớn, bất hạnh, bệnh tật, bất công, buồn đau, và cái chết là một phần cuộc sống chúng ta và phải tuyệt đối chấp nhận chúng mà không cay đắng. Bao lâu chúng ta còn nuôi quan niệm rằng đau đớn trong đời là một thứ chúng ta không cần phải chấp nhận, thì theo lẽ thường, chúng ta sẽ thấy mình đầy cay đắng, cay đắng vì đã không đón nhận thập giá.

Thứ hai, mang thánh giá và từ bỏ mạng sống mình, nghĩa là trong đau khổ của mình, chúng ta không nên đẩy bất kỳ cay đắng nào sang những người chung quanh mình. Chúng ta có khuynh hướng này rất mạnh, gần như đó là bản năng tự nhiên, là bắt người khác đau khổ khi mình đau khổ. Nếu tôi không hạnh phúc, tôi sẽ làm sao để dứt khoát những người quanh tôi cũng không hạnh phúc! Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể chia sẻ nỗi đau của mình với người khác. Nhưng, có một cách lành mạnh để làm việc này, khi chúng ta chia sẻ nỗi đau của mình nhưng vẫn để cho người khác tự do, chứ không phải kiểu chia sẻ không lành mạnh, tinh vi cố gắng làm cho người khác không hạnh phúc chỉ vì chúng ta đang không hạnh phúc. Có một khác biệt giữa tiếng rên xiết lành mạnh dưới gánh nặng đau đớn và tiếng rên rỉ không lành mạnh chỉ thương thân trách phận và cay đắng. Thập giá cho chúng ta làm điều đầu, chứ không phải điều sau. Chúa Giêsu đã rên xiết dưới gánh nặng thập giá, nhưng từ môi miệng và thân xác đẫm roi đòn của Ngài không có những kiểu thương thân trách phận, rên rỉ hay cay đắng.

Điều thứ ba, đi theo đường thánh giá của Chúa Giêsu, nghĩa là chúng ta phải chấp nhận một vài cái chết khác đến trước cái chết thể lý, nghĩa là chúng ta được mời gọi hãy để một vài phần của mình chết đi. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chết đi để tìm được sự sống, thì trước hết, ngài không phải nói về cái chết thể lý. Nếu chúng ta sống trưởng thành, sẽ có vô số cái chết khác mà chúng ta phải trải qua trước khi chết về thể lý. Sự trưởng thành và cương vị môn đệ Kitô hữu là không ngừng cụ thể hóa những cái chết của mình, xác nhận những khai sinh của mình, khóc than cho mất mát, và để những gì đã chết qua đi, đón nhận tinh thần mới cho đời sống mới mà chúng ta đang sống. Đây là những giai đoạn của mầu nhiệm phục sinh, và những giai đoạn trưởng thành. Có những cái chết mỗi ngày.

Và thứ tư, lời của Chúa Giêsu nghĩa là chúng ta phải chờ đợi phục sinh, nghĩa là phải biết tất cả mọi hòa âm trong cuộc đời này vẫn còn dang dở. Sách Châm ngôn cho chúng ta biết rằng đôi khi giữa những đau đớn, điều tốt nhất chúng ta có thể làm được là vùi miệng vào bụi đất và chờ đợi. Bất kỳ nhận thức thực sự nào về thập giá đều đồng ý như vậy. Có quá nhiều điều trong đời sống và cương vị môn đệ vẫn còn trong tình trạng đợi chờ, chờ đợi trong nản lòng, trong bất công, trong đau đớn, khát mong, trong vật lộn với cay đắng, khi chúng ta đang chờ đợi một sự gì đó hay một người nào đó đến và thay đổi tình thế của chúng ta. 98% cuộc đời chúng ta đang chờ đợi sự viên mãn, theo các cách lớn hay nhỏ. Lời mời của Chúa Giêsu muốn chúng ta theo Ngài, muốn nói rằng hãy, chờ đợi, chấp nhận sống trong bản hòa âm dang dở.

Thứ năm, mang thập giá mình hằng ngày nghĩa là chấp nhận ơn Chúa ban cho chúng ta thường không phải là những gì chúng ta kỳ vọng. Thiên Chúa luôn đáp lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng thường thì, Ngài cho chúng ta những gì chúng ta thực sự cần hơn là những gì chúng ta nghĩ mình cần. Sự Phục Sinh không đến theo thời điểm chúng ta lường trước, và hiếm khi khớp với quan niệm của mình về cách sự phục sinh xảy đến. Mang thập giá của mình nghĩa là mở rộng với sự kinh ngạc.

 

Cuối cùng, mang lấy thập giá và sẵn sàng từ bỏ mạng sống mình, nghĩa là sống trong đức tin rằng với Thiên Chúa không gì là không thể. Và theo James Martin, điều này nghĩa là chấp nhận Thiên Chúa cao cả hơn những gì con người tưởng tượng. Thật vậy, bất kỳ lúc nào, chúng ta khuất phục ý nghĩ rằng Thiên Chúa không thể cho chúng ta một lối thoát khỏi khổ đau để vào trong sự mới mẻ, thì đó chính là bởi chúng ta đã hạ thấp Thiên Chúa theo mức độ trí tưởng hạn chế của mình. Chỉ có thể đón nhận thập giá của mình, có thể sống trong sự thật, và không cay đắng trong đau đớn, nếu như chúng ta tin vào các khả thể vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng, cụ thể là tin vào Sự Phục Sinh.

Chúng ta có thể mang lấy thập giá của mình, khi bắt đầu tin vào Sự Phục Sinh.

Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *