Lời chủ chăn – Tháng 10. 2023

By TT. MTGXL

‘Họ chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh…’      (CvTđ 2:42)

Quý Cha và Quý Tu sĩ thân mến,

Thánh sử Luca tường thuật sinh hoạt của cộng đoàn tiên khởi, cho thấy dân Thiên Chúa sống  bằng nguồn sống duy nhất với hai phương diện: ‘Lời Chúa và Nhiệm tích’ (CvTđ 2:42).

Phụng vụ đại lễ Cung hiến Thánh đường trong ‘Lời Nguyện Cung Hiến’ cầu nguyện: ‘Lạy Chúa là Đấng thánh hóa và cai quản Hội Thánh, chúng con phải hoan hỉ tung hô Danh Chúa, vì hôm nay các tín hữu cử hành nghi lễ trọng thể cung hiến ngôi nhà cầu nguyện này cho Chúa một cách vĩnh viễn, để nơi đây, họ thờ phượng Chúa cách sốt sắng, lắng nghe lời Chúa dạy bảo và được nuôi dưỡng bằng các nhiệm tích’.

Xuyên suốt lịch sử loài người, Thiên Chúa ‘không mệt mỏi’ (chữ của ĐTC Phanxicô) đặt lòng thương vào nỗi khốn cùng thân phận người: Lòng thương đó là ‘Lời Chúa và Nhiệm Tích’. ‘Lời Chúa và Nhiệm Tích’ còn là hồng ân sự sống thần linh trong mỗi người, như nhựa cây nho thấm nhập nuôi sống các nhánh nho. Toàn thể dân Thiên Chúa sống bằng một nguồn sống gồm hai phương diện ấy: ‘Lời Chúa và Nhiệm Tích’. Không phải giáo sĩ hay tu sĩ có lương thực nào khác hơn và cũng không phải một tín hữu thầm lặng mà thiếu điều gì.

Một

Lời chủ chăn tháng 9 đã đề cập phương diện ‘Lời Chúa’. Lời Chúa nằm ở trung tâm đức Tin của Kitô hữu: Lời được ghi lại (Verbum scriptum), Lời nhập thể (Verbum incarnatum), Lời được rao truyền (Verbum praedicatum). Lời chủ chăn tháng 10 hôm nay đề cập phương diện ‘Nhiệm tích (Bí tích)’.

‘Ngày lễ Ngũ Tuần, nhờ việc tuôn ban Chúa Thánh Thần, Hội Thánh được biểu lộ cho trần gian. Hồng ân của Thần Khí khai mở một thời đại mới trong ‘việc phân phát các mầu nhiệm’. Đức Kitô, nhờ phụng vụ… từ nay sống và hành động trong và với Hội Thánh Người một cách mới… Người hành động qua các nhiệm tích’… hoa trái của mầu nhiệm Vượt Qua của Người’. (x. GLHTCG 1076)

Hai

Từ ngữ ‘Nhiệm tích’ mang ý nghĩa chữ Latinh ‘Mysterium’ hay ‘Sacramentum’ (Ep 5:32). Từ ‘Nhiệm tích’ hiếm gặp trong Cựu Ước, chỉ dùng 15 lần, trong văn chương khải huyền và khôn ngoan, diễn tả mạc khải bởi Thiên Chúa… nhưng thường gặp trong Tân Ước.

Các Tông đồ được đặc tuyển tiếp nhận mạc khải trong Đức Giêsu Kitô ‘mầu nhiệm’ của Thiên Chúa cho thế giới. Phaolô đặt ‘mầu nhiệm Đức Kitô’ làm một với ‘mầu nhiệm Thiên Chúa’ (Col 2:2; Ep 4:3), với ‘mầu nhiệm Hội Thánh’ là cộng đoàn hiệp làm một với Đức Kitô và với cả ‘mầu nhiệm qui tụ muôn dân thời cánh chung’, là ơn hòa giải Dothái, dân ngoại… trong Đức Kitô. ‘Mầu nhiệm đã giữ kín từ muôn thuở’ ‘là Đức Kitô’, được ủy thác cho các Tông đồ công bố (x. Col 1:26.27). Thánh Phaolô gọi đó là sứ mạng ‘thông báo mầu nhiệm Tin Mừng’ (Ep 6:19).

‘Mầu nhiệm – Nhiệm tích’ là ân sủng của Thiên Chúa, thiết yếu liên hệ với Đức Kitô và Thân Mình Người là Hội Thánh. Từ ban đầu Hội Thánh đã cử hành các nhiệm tích quy chiếu vào các hành vi và Lời của Chúa. Thánh Gioan Kim Khẩu và Thánh Augustinô còn nhận thức ‘nước và máu’ trào ra từ cạnh sườn Đức Kitô ‘ngủ’ trên Thập giá là nguồn nhiệm tích Thánh Tẩy, Thánh Thể và Hội Thánh.

‘Các nhiệm tích của luật mới được thiết lập bởi Đức Kitô. Có bảy nhiệm tích: Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể, Thống Hối, Xức Dầu Bệnh Nhân, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. Bảy nhiệm tích này liên quan đến tất cả các giai đoạn và thời điểm quan trọng trong đời sống Kitô hữu: chúng làm cho đời sống đức tin của các Kitô hữu được sinh ra và lớn lên, được chữa lành và được trao sứ vụ. Về điều này, có một sự tương tự nào đó giữa những giai đoạn của đời sống tự nhiên và những giai đoạn của đời sống thiêng liêng’ (GLHTCG 1210).

Sự kế nhiệm Tông đồ biểu thị và bảo đảm sự hiệp thông trong đức Tin, sự duy nhất giữa sự đa dạng chính truyền về các nhiệm tích do các Tông đồ đã nhận từ Chúa và truyền lại. ‘Các nhiệm tích hợp thành một cấu trúc trong đó mỗi nhiệm tích đặc thù có một vị trí sinh động. Trong cấu trúc  này, nhiệm tích Thánh Thể giữ một địa vị độc đáo vì là ‘nhiệm tích của các nhiệm tích’: ‘Tất cả các nhiệm tích khác đều quy hướng về nhiệm tích Thánh Thể như về cùng đích’ (GLHTCG 1211).

Ba

Thánh Công đồng Vaticanô dạy: ‘Phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta’ (Presbyterorum Ordinis n. 5).

Từ ngữ ‘eucharistie’ trong Tin Mừng Luca và Phaolô chỉ về ‘Bữa ăn của Chúa’, ‘cử chỉ bẻ bánh’, trong Tông đồ Công vụ ‘Bữa ăn sau hết’, khi ‘giờ đã đến’, là đêm Chúa Giêsu bị nộp’.

Từ ngữ ‘eucharistie’, trong tương quan thường nhật, vốn nghĩa là sự tri ân, lòng biết ơn. Trước nhan Thiên Chúa, lòng biết ơn của người đã lãnh nhận những ân huệ, được diễn tả thành lời nguyện cầu: ‘Cảm tạ Cha, Đấng đã làm cho anh em có thể dự phần cơ nghiệp dành cho các thánh trong sự sáng’ (Col 1:12). Như thế, lòng biết ơn bao hàm ký ức gợi nhớ quá khứ của ‘một trời những kỳ công’ Chúa đã thực hiện: ‘Chúng con đội ơn Người, lạy Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đang có và đã có, vì Người đã cầm lấy quyền năng cao cả’ (Kh 11:17). Thánh Phaolô đã dùng ý nghĩa này khi đề cập ‘bữa tối của Chúa’ (1Co 11:20) trong cộng đoàn Hội Thánh ban đầu.

Bốn

Hai nguồn nền tảng Chúa Giêsu thiết lập Nhiệm tích Thánh Thể

Thánh sử Mc, Mt, Lc và Phaolô gợi lên một truyền thống sống động Phụng vụ qua những bản văn thiết lập bữa tiệc Thánh Thể. Chúa Giêsu ban chính Thân Mình và Máu giao ước của Người để thông ban sự sống. Tính chất truyền thống phụng vụ còn được diễn tả bằng ‘nhớ về một tương lai’ của sự hiệp thông làm cho sống. Truyền thống phụng vụ này dựa trên ba trục: Chúa Giêsu và Thiên Chúa, Chúa Giêsu với các Tông đồ, từ hiện tại hướng về tương lai.

Nguồn nền tảng thứ hai dựa trên Tông đồ Gioan, mang tính chất một di chúc, một diễn ngôn tạ từ. Gioan gợi lại ký ức điều Chúa Giêsu đã thực hiện là hiến mạng cho nhiều người. Trình thuật của Gioan đoạn 6 đã cho thấy sự kiện một cộng đoàn cử hành phụng vụ. Tường thuật thời khắc giã biệt, Gioan đã thay thế sự việc Chúa rửa chân cho các Tông đồ và lời truyền thiết lập nhiệm tích Thánh Thể bằng dạt dào tâm tư bộc bạch tự đáy lòng Chúa như một di chúc long trọng.

Năm

Ba lý hữu của Nhiệm tích Thánh Thể:

Nhiệm tích lương thực:

Trong mạc khải Kinh Thánh, lương thực và bữa ăn diễn tả sự thông hiệp với Thiên Chúa. Dân xưa trong trên sa mạc, giữa nắng cháy cát bỏng, được Chúa dưỡng nuôi bằng manna… Kỳ công thời xuất hành, hướng đến lương thực đích thật xuất từ miệng Thiên Chúa, là ‘Lời-Giêsu’, ‘Verbum caro factum est’, ‘Bánh hằng sống bởi trời xuống, chính là Ta! Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban ấy là thịt mình Ta’ (Ga 6:51). Tại phòng tiệc ly, Chúa Giêsu làm sống dậy kinh nghiệm dân xưa sống trong sự quan phòng của Thiên Chúa và thiết lập niềm hy vọng tương lai về lương thực của hành trình cánh chung, trên tấm bánh và chén rượu nho, Chúa không giải thích nhưng truyền biến đổi: ‘Này là Mình Thầy’, ‘Này là chén Máu Thầy’.

Nhiệm tích hy tế:

‘Này là Mình Thầy, bị nộp vì các con’, ‘Này là chén Máu Thầy đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội’. Thân Mình và chén Máu tách rời trên bàn biểu thị dòng máu trào tràn đổ ra từ các dấu đanh và cạnh sườn Chúa. Giêsu là con chiên Vượt Qua chịu sát tế là thực tại Giao Ước mới hoàn thành Giao Ước xưa ký kết trên núi Sinai (Xh 24:5-8). Giêsu là người Tôi tớ đau khổ trung tín Isaia đã tiên báo: ‘hiến mạng’, ‘mang vào thân tội lỗi ‘muôn người’, ‘giá chuộc và ‘ánh sáng muôn dân’ (x. Is 42-53).

Nhiệm tích cánh chung:

Cánh chung là thời của sự sống đích thựcsự sống không bao giờ chấm dứt. Bữa ăn của Chúa mang lý hữu thâm sâu chuẩn bị bữa tiệc cánh chung khi mà Chúa Giêsu gặp lại anh em của Người sau khổ hình thập giá. Chúa Giêsu tự hiến làm nên cái chết cứu chuộc, mở ra cuộc phục sinh hướng về cõi phúc cánh chung nơi nhà Cha. Lễ Vượt Qua đã được thực hiện mỹ mãn, và ‘rượu mới’ Chúa chung vui cùng các Tông đồ trong Nước Thiên Chúa. Thượng tế cao cả của cả vũ trụ ngự bên hữu Chúa Cha (Dt 8:1), hằng sống và chuyển cầu cho chúng ta (Dt 7:2).

Anh chị em thân mến,

Phụng vụ thánh tôi cử hành còn chất thánh thiêng?

Phụng vụ thánh tôi cử hành có giúp các tín hữu gặp được Chúa Phục Sinh?

‘Tôi có còn ngỡ ngàng thán phục’ trước mầu nhiệm Vượt Qua?

Tôi nghĩ sao trước nỗi niềm: ‘Desiderio Desideravi…’ ‘Thầy rất mong ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ hình’ (Lc 22:15).

Phong cách sống Phụng vụ thánh là thước đo phẩm hạnh một linh mục, một tu sĩ…

Gioan Đỗ Văn Ngân

Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *