By TT. MTGXL
Thứ Sáu, 04.11.2022
TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
Lc 6,1-8 CON CÁI ÁNH SÁNG
Người quản gia trong câu chuyện của Chúa Giêsu được khẳng định là một kẻ bất lương. Câu 1 cho biết anh ta bị tố cáo; ở câu 8, tác giả Luca nói rõ anh ta là “tên quản lý bất lương”. Ông chủ khen anh ta khôn khéo nhưng không dùng anh ta làm việc cho mình nữa.
“Bất lương” nghĩa là không lương thiện. Tính từ này khá mơ hồ, nó thường được áp dụng cho một hành vi cụ thể, còn khi áp dụng cho một người như thể bản chất của người ấy thì phải thận trọng. Nói cách khác, ta không thể đánh giá ai đó bất lương mà không dẫn chứng hành vi không lương thiện của họ. Bài Tin Mừng đã cẩn thận lột tả chân tướng của người quản gia : anh ta bị tố cáo phung phí của chủ; cách hành xử của anh ta sau đó đối với các con nợ của chủ chứng tỏ lời tố cáo là chính xác. Bản chất không lương thiện phát xuất từ suy nghĩ của người quản gia : “cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”. Một mặt, anh ta xử lý của cải không do mồ hôi nước mắt của mình làm ra nên mạnh tay phung phí; mặt khác, anh ta cho rằng ăn mày thì xấu hổ hơn gian lận, đó là một suy nghĩ sai. Người quản gia này tự thể hiện là một kẻ lạm dụng, che đậy sự bất tài của mình bằng tiền bạc của người khác, và nhất là ích kỷ chỉ lo toan tính cho bản thân thay vì gìn giữ và làm lợi cho chủ.
Đó là cách hành xử khôn khéo của con cái đời này. “Đồng loại” ở đây phải hiểu là những kẻ thỏa hiệp với nhau miễn là có lợi; họ là những con nợ của nhau, là những đồng nghiệp bao che mánh khóe cho nhau, là những người bạn khinh bỉ nhau.
Con cái ánh sáng, dưới sự soi dẫn của lương tri, không thể hành động ngược lại với căn tính của mình. Vì lẽ đó mà họ chịu nhiều thua thiệt, không phải vì họ không biết nhưng vì họ không thể làm điều mà “lương tâm không cho phép”.
Chuyện này có liên quan gì tới Thập giá? Mời bạn suy gẫm :
1. Nếu Chúa Giêsu bận tâm tới sự an nguy của mình và tận dụng mọi khả năng trong tầm tay, Ngài chỉ cần thỏa hiệp với thế gian thì sẽ được đưa đón, cung chúc, tôn vinh. Nhưng Ngài không thể làm như vậy vì trái với thánh ý Chúa Cha. Ngài đã làm việc (rao giảng Tin Mừng) khó nhọc và chết trần trụi, nhục nhã. Đấng Chịu Đóng Đinh là hình ảnh “con cái ánh sáng” mà ta phải chiêm ngắm để trở nên đồng hình đồng dạng.
2. Nơi mỗi người chúng ta đều có phần “con cái đời này” và phần “con cái ánh sáng”. Tương quan với tiền bạc luôn luôn là một bài trắc nghiệm khó đối với tất cả mọi người, và thực sự là một thách đố cho những người giữ tiền của chung mà không có một phương thức kiểm soát khách quan, minh bạch.
3. Đừng nghĩ rằng câu chuyện này ở xa môi trường tu trì. Chính trong bối cảnh các cộng đoàn tín hữu tiên khởi đối diện với việc để tài sản làm của chung mà vấn đề tiền của được đặt ra. Không lạ gì mà loại dụ ngôn này chỉ tìm thấy trong tin mừng Luca. Nên nhớ rằng sự cố đầu tiên của cộng đoàn Kitô hữu là việc Kha-na-ni-a và Xa-phi-ra gian lận (Cv 5,1-11), và tông đồ duy nhất phản bội là người giữ túi tiền.
Hãy tạ ơn Chúa vì cái phúc của lời khấn Nghèo khó.
Anna Trần Nguyệt
MTGXL
Tin cùng chuyên mục:
Bảo vệ: VUI HỌC LỜI CHÚA – Chúa Nhật 34 Thường niên B
ĐỀN THỜ- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 22.11.2024
Ngày Của Con Người- Suy niệm Thập giá Thứ sáu 15.11.2024
Tâm Tình Mục Tử Tháng 11. 2024