BIẾT MÀ KHÔNG BIẾT- Suy niệm Thập giá Thứ Sáu 24-03-2023

By TT. MTGXL

Thứ Sáu, 24.03.2023

TUẦN IV MÙA CHAY

Ga 7,1-2.10.25-30 BIẾT MÀ KHÔNG BIẾT

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu được quan tâm đặc biệt; sự xuất hiện của Ngài làm cho người ta bàn tán xôn xao. Tuy nhiên, đó là một sự quan tâm chẳng lành.

Người ta đang tìm cách giết Đức Giêsu, vì sao? Bài đọc 1 (Kn 2,1a.12-22) soi sáng cho biết là người ta không chịu nổi Ngài; sự hiện diện và lời rao giảng của Ngài phơi bày cái cũ kỹ và gian tà mà họ đã làm cho trở thành bình thường để trú ẩn trong đó như trong một căn nhà quen thuộc. Từ nơi thành trì ổn định đó, họ nghĩ là có đủ sự hiểu biết để nói về Đấng Kitô. Vì thế, câu chuyện xoay quanh chủ đề “biết”, “không biết”.

Người Do thái tưởng họ biết nhưng thật sự họ chẳng biết gì về Đức Giêsu, điều đó đã dẫn đến bi kịch Thập giá. Hai địa danh Galilê và Giuđêa trong câu chuyện không chỉ là một thông tin địa lý, nhất là khi Tin Mừng cho biết Đức Giêsu ít xuất hiện ở Giuđêa, nghĩa là dân ở đây ít có dịp tiếp xúc với Ngài; họ chỉ nghe nói về Ngài thôi. Một cái “biết” như vậy dĩ nhiên không bao giờ đầy đủ và cũng chẳng thể nào sâu sắc. Thêm vào đó là sự kỳ thị vốn có của người dân thủ đô đối với người Galilê : dân chài bốn mùa cá chợ nước sông.

Khách quan mà nói sự xuất hiện của Con Thiên Chúa trong thân phận người quá đỗi bình thường như vậy là một mầu nhiệm thách thức khả năng nhận biết của chúng ta. Đặt mình vào vị trí của người Do thái thời bấy giờ có thể chúng ta cũng hành xử như vậy. Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu và đã tha thứ cho nhân loại. Nhưng câu chuyện này được kể trong Tin Mừng để kêu gọi chúng ta hoán cải, bởi vì Đức Giêsu vẫn hiện diện nơi mỗi người anh chị em chúng ta. Mỗi người là một mầu nhiệm.

Chúng ta biết ai đó trong một hoàn cảnh nhất định, những gì họ thể hiện lúc đó không hẳn là tính cách thường trực của họ. Chúng ta biết ai đó cách đây một thời gian rồi, và từ đó đến nay đương nhiên họ đã ít nhiều thay đổi. Chúng ta biết ai đó qua biểu hiện bề ngoài nhưng chúng ta không biết tâm tình bên trong người ấy, và nhất là chúng ta không chắc cảm nhận của mình là khách quan hay lệ thuộc vào cảm xúc nhất thời của ta. Thật là tai hại khi những thông tin từ cái biết bất cập của ta lại làm khổ người đã tin tưởng cho phép ta được tiếp xúc gần.

Ngắm nhìn Chúa Giêsu trên Thập giá, chắc bạn không cam tâm nhìn thấy cảnh ấy xảy ra cho người nào nữa, vậy thì hãy suy gẫm mấy điều sau đây:

1. Biết là khôn; biết mình không biết cũng đủ khôn rồi..

2. Biết thì nói, không biết thì thôi. Không ai bắt bạn phải nói để rồi nói sai. Nói sai vì không biết là một khuyết điểm; nói sai cố tình là một lỗi phạm. Không có bất kỳ lý do nào có thể biện minh cho việc nói sai.

3. Sống trên đời này, thời giờ của bạn rất ít so với vô số điều cao quý ngay trước mắt mà bạn chưa biết, cần phải học. Đừng buôn chuyện, không lời lãi gì đâu !

Anna Trần Nguyệt

MTGXL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *